Th 5, 25/04/2024 | 16:13 CH
Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục triển khai việc rà soát, đánh giá, phân loại các thành viên mạng lưới theo các tiêu chí cụ thể, qua đó có các hình thức ghi nhận và khuyến khích các TISC có nhiều sáng kiến, sáng tạo, năng động hơn trong quá trình hoạt động
1. Thiết lập mạng lưới hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu với mục tiêu “chia sẻ - hợp tác - cùng phát triển”
Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) được thiết lập theo sáng kiến của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) từ năm 2009 nhằm mục tiêu: Hỗ trợ tiếp cận, khai thác thông tin khoa học công nghệ chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo, xác lập, bảo vệ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ. Thành viên của TISC có thể là các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp… quan tâm tới hỗ trợ nghiên cứu và khai thác, thương mại hóa công nghệ. WIPO đóng vai trò là cơ quan điều phối mạng lưới ở cấp độ quốc tế. Các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia đóng vai trò đầu mối kết nối và vận hành mạng lưới ở cấp độ quốc gia.
Số liệu thống kê đến hết năm 2023, mạng lưới TISC toàn cầu đã ghi nhận 1.583 thành viên thuộc 93 quốc gia. Bốn mạng lưới quy mô khu vực đã được thiết lập, gồm: ASEAN, Châu Phi, Châu Âu và các quốc gia Ả Rập… nhằm tăng cường tính kết nối và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phù hợp với đặc thù của từng khu vực.
Để hỗ trợ thúc đẩy mở rộng quy mô và chất lượng hoạt động mạng lưới TISC trên phạm vi toàn cầu và cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ hữu ích cho các nhà nghiên cứu, trong thời gian qua, WIPO đã triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ thông qua 3 phương thức cơ bản: (i) đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực; (ii) thiết lập và cung cấp nguồn tài nguyên và (iii) cung cấp công cụ kết nối.
(i) Hoạt động đào tạo, huấn luyện: được thực hiện với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ của các thành viên mang lưới. Các chủ đề đào tạo, huấn luyện tập trung vào kỹ năng viết bản mô tả, tra cứu, phân tích thông tin sáng chế, chuyển giao công nghệ, định giá, thương mại hóa sáng chế... Nhiều công cụ, ấn phẩm đào tạo, tuyên truyền đã được WIPO xây dựng và phát triển với mục đích cho phép các mạng lưới TISC của quốc gia, khu vựa lựa chọn sử dụng.
Ảnh 1: Một số ấn phẩm chuyên đề của WIPO dành cho mạng lưới TISC
(ii) Hoạt động thiết lập và cung cấp nguồn tài nguyên: WIPO phát triển nhiều công cụ trực tuyến nhằm thiết lập nguồn tài nguyên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành viên mạng lưới khai thác, ứng dụng trong nghiên cứu, triển khai như: Hệ thống dữ liệu sáng chế và công cụ phân tích (ASPI), hệ thống dữ liệu các kết quả, công trình nghiên cứu, bài báo về khoa học và kỹ thuật (ARDI), hệ thống dữ liệu “Nghiên cứu vì cuộc sống” (Research4life) với hơn 200.000 nguồn dữ liệu thuộc các lĩnh vực khác nhau; các công cụ và nền tảng số WIPO INSPIRE
Ảnh 2: Một số nền tảng số của WIPO hỗ trợ hoạt động mạng lưới TISC
Với các nền tảng số này, WIPO đã tạo ra một cơ chế kết hợp độc đáo giữa thông tin và tri thức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, qua đó, giúp các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận một cách dễ dàng, hiệu quả, đầy đủ các nguồn thông tin hữu ích phục vụ hoạt động nghiên cứu và thương mai hóa kết quả nghiên cứu, đặc biệt là về cơ sở dữ liệu bằng sáng chế, phân tích thông tin sáng chế, lập báo cáo tổng quan về công nghệ bảo hộ sáng chế/Bản đồ sáng chế phục vụ định hướng nghiên cứu và hoạch định chính sách … Bên cạnh đó, WIPO đã thiết lập công cụ dành riêng cho sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, kiến thức về khung chính sách sở hữu trí tuệ bao gồm toàn bộ các giai đoạn của chu kỳ sáng tạo: từ ý tưởng đến xác lập quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ trên thị trường. Thông qua nền tảng số này, TISC có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu chính sách sở hữu trí tuệ của WIPO - liên kết đến các chính sách sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan khác (như chính sách về tư vấn, bản quyền, xung đột lợi ích, phần mềm, truy cập mở và sản phẩm phát sinh…) của các trường đại học và cơ sở nghiên cứu trên toàn thế giới.
(iii) Hoạt động cung cấp các công cụ kết nối: Để hỗ trợ kết nối mạng lưới TISC toàn cầu, WIPO cũng đã phát triển nhiều sáng kiến nhằm tăng cường sự tương tác và quản lý mạng lưới TISC của các quốc gia hiệu quả hơn như: nền tảng xã hội số eTISC giúp các thành viên mạng lưới chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, ý tưởng trong quá trình hoạt động; công cụ đánh giá hoạt động mạng lưới TISC (TPPM) được phát triển và thử nghiệm từ năm 2022 cho phép WIPO theo dõi các dự án TISC trên toàn cầu để đánh giá và phản ứng một cách hiệu quả đối với nhu cầu hỗ trợ và xây dựng năng lực của mạng lưới TISC...
Bên cạnh đó, hàng năm, WIPO tổ chức các cuộc họp cấp khu vực với sự tham gia của đại diện các thành viên mạng lưới TISC quốc gia để đánh giá kết quả hoạt động, định hướng phát triển, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến giữa các thành viên và thiết lập các cơ hội hợp tác nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới cấp khu vực.
Ảnh 3: Cuộc họp về Củng cố mạng lưới TISC Khu vực ASEAN
do WIPO tổ chức tại Lào tháng 3/2024
2. Kinh nghiệm triển khai và hiệu quả hoạt động của mạng lưới TISC tại một số quốc gia ASEAN
(i) Kinh nghiệm của Philippin
Tính đến hết năm 2023, Mạng lưới TISC của Philipin có 87 thành viên là các trường đại học, cơ sở nghiên cứu thuộc khối công lập và tư nhân ở Trung ương và địa phương. Trong số đó, có 70 đơn vị đã ban hành chính sách sở hữu trí tuệ (trên cơ sở nền tảng khung chính sách sở hữu trí tuệ của WIPO).
Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các thành viên mạng lưới TISC, cơ quan sở hữu trí tuệ Philippin (IPOPHL) đã xây dựng bộ công cụ đánh giá với các tiêu chí cụ thể, qua đó phân loại các TISC thành 4 cấp độ: Titan, Vàng, Bạc, Đồng. Bộ tiêu chí này được rà soát và chỉnh sửa hàng năm để phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế hoạt động của mạng lưới TISC quốc gia cũng như các chủ trương, định hướng của WIPO. Bộ tiêu chí được IPOPHL thống nhất và ký cam kết tuân thủ với toàn bộ thành viên mạng lưới. Bên cạnh đó, IPOPHL xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển mạng lưới theo từng khu vực, kế hoạch được rà soát và chỉnh sửa, bổ sung 3 năm 1 lần.
Để đảm bảo tính bền vững của mạng lưới, việc lựa chọn thành viên tham gia mạng lưới được IPOPHL thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ gồm 2 bước:
- Bước 1: Tiếp nhận đơn đăng ký tham gia mạng lưới của tổ chức có nhu cầu và tiến hành đánh giá các điều kiện thành viên. Hồ sơ đơn đăng ký cần có Bản cam kết của Người đứng đầu tổ chức, thông tin về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đảm bảo duy trì hoạt động của đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng TISC và danh sách ít nhất 4 cán bộ chuyên môn cam kết làm việc tại TISC trong thời gian ít nhất 3 năm.
- Bước 2: Tổ chức buổi phỏng vấn với Lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của tổ chức đăng ký tham gia mạng lưới với Lãnh đạo IPOPHL nhằm thống nhất và đảm bảo sự cam kết từ cấp lãnh đạo.
Hàng năm, IPOPHL tổ chức Hội nghị Lãnh đạo cấp cao các thành viên mạng lưới để tổng kết tình hình hoạt động của năm trước, xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động cho năm sau và chia sẻ các bài học kinh nghiệm của các thành viên mạng lưới. Tại hội nghị này, IPOPHL công bố kết quả phân loại và trao giải thưởng ghi nhận những đơn vị có nhiều thành tích, hoạt động đóng góp cho mạng lưới. Bên cạnh đó, IPOPHL cũng tổ chức các hội nghị toàn thể các thành viên mạng lưới nhằm tạo diễn đàn kết nối, tương tác nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới.
Ảnh 4: Một số hình ảnh về hoạt động của mạng lưới TISC Philippine năm 2023 (Nguồn: Bài trình bày của đại biểu Philippines tại Cuộc họp về Củng cố mạng lưới TISC Khu vực ASEAN do WIPO tổ chức tại Lào tháng 3/2024)
Để khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu tích cực tham gia mạng lưới TISC, IPOPHL triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các thành viên TISC như: cung cấp chuyên gia cho các chương trình đào tạo, huấn luyện và các hoạt động hỗ trợ, tư vấn; giảm phí tra cứu và thẩm định hình thức cho các đơn nộp đăng ký sáng chế theo Hệ thống Hợp tác bằng sáng chế (PTC); cung cấp chuyên gia tư vấn cho các Hợp đồng chuyển giao công nghệ; giảm chi phí thẩm định nội dung và phí duy trì hiệu lực năm đầu tiên đối với các sáng chế có tiềm năng thương mại hóa…
(ii) Kinh nghiệm của Malaysia
Malaysia ưu tiên thành viên tham gia mạng lưới TISC quốc gia là các trường đại học và các cơ sở đào tạo sau đại học có gắn với nghiên cứu. Thủ tục đăng ký thành viên cũng được thực hiện chặt chẽ thông qua các bước: tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, tổ chức buổi phỏng vấn và ký kết biên bản ghi nhớ. Các bên cam kết thực hiện và tuân thủ chặt chẽ các nội dung thỏa thuận trong biên bản ghi nhớ. Việc điều chỉnh biên bản ghi nhớ chỉ được đặt ra khi xuất hiện các điều kiện bất khả kháng theo thỏa thuận ban đầu của các bên.
Để khuyến khích các thành viên mạng lưới TISC, Cơ quan sở hữu trí tuệ Malaysia (MyIPO) triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ như: Quỹ hỗ trợ đăng ký sáng chế, nền tảng phát triển thị trường tài sản trí tuệ, chương trình hợp tác viện nghiên cứu - doanh nghiệp…
Ảnh 5: Một số hình ảnh về hoạt động hỗ trợ mạng lưới TISC của Malaysia năm 2023 (Nguồn: Bài trình bày của đại biểu Philippines tại Cuộc họp về Củng cố mạng lưới TISC Khu vực ASEAN do WIPO tổ chức tại Lào tháng 3/2024)
Bên cạnh đó, MyIPO đã xây dựng chương trình hợp tác với Cơ quan sở hữu trí tuệ Indonesa về thúc đẩy phát triển mạng lưới TISC, bao gồm: triển khai các khóa đào tạo trực tuyến và thông qua các nền tảng số; triển khai các dự án thí điểm rút ngắn thời gian thẩm định một số đối tượng sở hữu trí tuệ của 2 nước; cung cấp quyền truy cập vào các nền tảng số về phát triển thị trường thương mai hóa tài sản trí tuệ của 2 nước.
3. Phát triển mạng lưới TISC tại Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
Việt Nam tham gia mạng lưới TISC toàn cầu từ năm 2010, ban đầu chỉ có 3 đơn vị thành viên. Đến hết năm 2023, mạng lưới TISC Việt Nam đã ghi nhận 51 đơn vị thành viên gồm các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc khối công lập và tư nhân và các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu - triển khai. Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn thuộc Cục Sở hữu trí tuệ hiện đang được giao chức năng đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động liên quan đến Mạng lưới TISC Việt Nam. Thời gian qua, công tác mở rộng phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động mạng lưới luôn được Cục Sở hữu trí tuệ quan tâm đẩy mạnh. Với việc đẩy mạnh công tác truyền thông và các hình thức kết nối, riêng năm 2023, mạng lưới đã tiếp nhận thêm 05 thành viên mới là các trường đại học, cơ sở nghiên cứu lớn của cả nước.
Ảnh 6: Tổng quan số lượng thành viên mạng lưới TISC Việt Nam
Năm 2024, chủ đề được WIPO đưa ra chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) là “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Có thể thấy sở hữu trí tuệ đang ngày càng thể hiện rõ vai trò là chất xúc tác quan trọng cho sự đổi mới, là công cụ bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sáng tạo khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bằng các cơ chế đảm bảo sự độc quyền trên nguyên tắc cân bằng lợi ích, hệ thống sở hữu trí tuệ khuyến khích hoạt động nghiên cứu, tạo ra các công nghệ tiên tiến để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo là những lĩnh vực luôn tồn tại song hành, là động lực thúc đẩy phát triển lẫn nhau, đã và đang có ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Quán triệt tinh thần đó, Cục Sở hữu trí tuệ chủ trương tập trung hỗ trợ thúc đẩy nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động mạng lưới TISC nhằm tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia hướng tới xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo.
Áp dụng khung hỗ trợ của WIPO, các hoạt động hỗ trợ vận hành mạng lưới TISC Việt Nam sẽ tiếp tục được thực hiện thông qua 3 mảng hoạt động chính, bao gồm:
(i) Đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ năng về sở hữu trí tuệ
Trên cơ sở đánh giá, tổng hợp nhu cầu của các đơn vị, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hoặc cử cán bộ, chuyên gia báo cáo tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao kỹ năng tra cứu, phân tích thông tin sáng chế, viết bản mô tả sáng chế, định giá, thương mại hóa tài sản trí tuệ hình thành từ các kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ chủ động theo dõi, tìm kiếm các chương trình đào tạo, huấn luyện, các hội thảo chuyên đề do các cơ quan, đơn vị quốc tế tổ chức để giới thiệu, đề xuất đại diện TISC tham gia, học tập.
Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với WIPO nghiên cứu, triển khai chương trình cấp Chứng chỉ cho cán bộ TISC của Việt Nam nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và khuyến khích các cán bộ có đủ chuyên môn, kinh nghiệm gắn bó lâu dài, đóng góp nhiều hơn trong việc phát triển mạng lưới.
(ii) Cung cấp các công cụ, nguồn lực hỗ trợ hoạt động của TISC
Cục thiết lập chuyên mục dành riêng cho các thành viên mạng lưới TISC trên cổng thông tin điện tử của Cục để phổ biến, cập nhật các thông tin trong nước và quốc tế có liên quan đến mạng lưới đồng thời chia sẻ các ấn phẩm, tài liệu, dữ liệu chuyên ngành giúp các thành viên mạng lưới dễ dàng tra cứu, sử dụng.
Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ nghiên cứu, triển khai một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các thành viên mạng lưới như: cung cấp chuyên gia tư vấn xây dựng Chính sách sở hữu trí tuệ của đơn vị, cung cấp chuyên gia tư vấn viết bản mô tả sáng chế, rút ngắn thời gian thẩm định đối với các đơn đăng ký sáng chế của TISC, cung cấp thông tin phục vụ việc lập Báo cáo đánh giá xu hướng phát triển công nghệ, Bản đồ sáng chế…
(iii) Tăng cường sự kết nối, tương tác giữa các thành viên mạng lưới
Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục triển khai việc rà soát, đánh giá, phân loại các thành viên mạng lưới theo các tiêu chí cụ thể, qua đó có các hình thức ghi nhận và khuyến khích các TISC có nhiều sáng kiến, sáng tạo, năng động hơn trong quá trình hoạt động. Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội để kết nối chặt chẽ hơn các cán bộ đầu mối của TISC đang được Cục Sở hữu trí tuệ triển khai hiệu quả. Tổ chức các sự kiện, diễn đàn (cấp lãnh đạo và cấp kỹ thuật) để các TISC có thể gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác là một trong những hoạt động sẽ được chú trọng tăng cường triển khai trong thời gian tới.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tin mới nhất
- Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Sơn Tây” cho sản phẩm gà mía
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm quả dừa sáp
- Thông báo tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tại Việt Nam và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm”
Các tin khác
- Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - IPDAY 2024: Sở hữu trí tuệ - Yếu tố quan trọng nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương - Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của liên hiệp quốc
- Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững: Vai trò của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
- Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - IPDAY 2024: Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo - Hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc
- Bộ nhận diện của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 phiên bản tiếng Việt
- Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024