Th 6, 21/07/2023 | 09:26 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Lễ ký kết chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học ứng dụng trong xử lý đất ô nhiễm dầu

Xác định việc đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) luôn chủ động, tích cực, khuyến khích và hỗ trợ các đơn vị, nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đầy triển vọng, có khả năng áp dụng thực tiễn và đặc biệt có bảo hộ về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được Doanh nghiệp quan tâm đón nhận, một trong số đó là Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2558, được cấp theo Quyết định số 89w/QĐ-SHTT ngày 05/01/2021 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ, với tên “Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học trên chất mang than sinh học để xử lý đất ô nhiễm hyđrocacbon thơm và chế phẩm vi sinh thu được bằng quy trình này”

Chiều ngày ngày 19 tháng 7 năm 2023, Lễ ký kết chuyển giao Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2558 về “Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học trên chất mang than sinh học để xử lý đất ô nhiễm hyđrocacbon thơm và chế phẩm vi sinh thu được bằng quy trình này” giữa Viện Công nghệ sinh học (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Mặt trời đỏ (thành viên của An Việt Group).

 

Đại diện lãnh đạo hai bên tham gia ký kết

 

Tại Lễ ký kết, hai bên đã thống nhất Viện Công nghệ sinh học sẽ chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp Giải pháp hữu ích số 2558 cho Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Mặt trời đỏ (CTCP CNSH Mặt trời đỏ), doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ này sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm và ứng dụng thực tế giúp cho việc xử lý ô nhiễm xăng dầu bằng biện pháp sinh học an toàn, hiệu quả mang lại môi trường trong lành cho các vùng, khu vực ô nhiễm xăng dầu.

Đánh giá cao những kết quả của nhóm nghiên cứu và tập thể Viện Công nghệ sinh học, PGS.TS. Phan Tiến Dũng - Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KHCNVN) khẳng định: “Bằng độc quyền GPHI số 2558 có nguồn gốc từ Nhiệm vụ phát triển công nghệ cấp Viện Hàn lâm KHCNVN "Hoàn thiện chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu", thực hiện năm 2021-2023. Có thể nói, đây là một quy trình rất bài bản: Nhà khoa học xuất phát từ nghiên cứu - đăng ký bảo hộ SHTT (biến tri thức trở thành tài sản) - Chuyển giao công nghệ - Doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhân rộng sản phẩm. Đây cũng là các bước cơ bản mà các nước tiên tiến đang vận dụng. Vì lẽ đó, việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp là điều tất yếu, khi nghiên cứu hội tủ đủ các yếu tố về khả năng áp dụng trong thực tiễn cũng như sự sở hữu được pháp luật công nhận”.  

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Phí Quyết Tiến- Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho biết thêm: "Căn cứ vào Biên bản ghi nhớ số 20/2023/REDSUN-IBT ký ngày 20/4/2023 về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp Giải pháp hữu ích nêu trên, Viện Công nghệ sinh học và CTCP CNSH Mặt trời đỏ đã cùng nhau ký Hợp đồng số 505/2023/HĐTV/VĐG ngày 05/5/2023 với Viện Đánh giá Khoa học và Định giá Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ để xác định giá trị tài sản là kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc hợp tác giữa hai đơn vị về việc chuyển giao Quyền sở hữu công nghiệp Giải pháp hữu ích sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chế phẩm xử lý xăng, dầu ra thị trường, khẳng định khả năng thương mại các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng và giải quyết một cách hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học tại đơn vị, tạo động lực để các nhà khoa học thêm nhiệt huyết, hứng khởi để đạt những dấu ấn mới trong sự nghiệp nghiên cứu và phát triển các công trình khoa học của mình".

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch An Việt Group và là đại diện cho CTCP CNSH Mặt trời đỏ cho biết: “Chúng tôi đã tìm hiểu công nghệ này và đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm của nhóm nghiên cứu, kết quả an toàn, hiệu quả rất tốt trong việc xử lý các vùng, các nơi bị ô nhiễm xăng, dầu mà trước đây dùng các biện pháp khác rất phức tạp và tốn kém. Việc chuyển giao thực hiện theo đúng quy trình, tuân thủ quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi các bên liên quan".

 


Toàn cảnh buổi Lễ

 

Để có được Lễ ký kết mang tính bước ngoặt này, từ một năm trước Viện Công nghệ sinh học và CTCP CNSH Mặt trời đỏ đã tiến hành bàn bạc, thảo luận về việc chuyển giao công nghệ thực hiện việc xử lý đất và nước bị ô nhiễm dầu được mô tả trong Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 2558. Phía CTCP CNSH Mặt trời đỏ cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa, phối hợp tổ chức các hoạt động tiếp nhận kết quả nghiên cứu để có thể nắm vững và làm chủ công nghệ, tiến tới áp dụng sản xuất quy mô công nghiệp. Phía Viện Công nghệ sinh học hỗ trợ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật tham gia hướng dẫn để bên tiếp nhận công nghệ thực hiện được các khâu kỹ thuật, cũng như các công việc liên quan đến triển khai Giải pháp hữu ích sau khi công ty làm việc và thống nhất với nhóm tác giả và chuyên gia kỹ thuật.

Đây là một sự kiện ý nghĩa, đáng khích lệ giúp thúc đẩy việc hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp, khẳng định kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với nhu cầu thực tiễn sau khi chuyển giao cho doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đầu tư để đưa vào ứng dụng trong thực tế mang lại lợi ích cho các Bên và xã hội, tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện đại, Viện Hàn lâm KHCNVN khuyến khích và tạo điều kiện tối đa trong việc tạo lập một môi trường tốt hơn cho nhà khoa học, trong đó, họ có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm kết quả nghiên cứu của mình một cách tốt nhất, đồng thời nâng cao giá trị lao động của nhà khoa học tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế.

 

 
Chụp ảnh lưu niệm sau buổi Lễ ký kết

 

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

Liên kết nguồn tin: https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/le-ky-ket-chuyen-giao-quy-trinh-cong-nghe-san-xuat-che-pham-vi-sinh-tao-mang-sinh-hoc-ung-dung-trong-xu-ly-%C4%91at-o-nhiem-dau-91807-403.html