Th 3, 30/01/2024 | 15:54 CH
Hội thảo “Biện pháp phòng chống đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu” của Nhóm TM5 dành cho Việt Nam
Chuyên gia từ 5 cơ quan SHTT lớn nhất thế giới thuộc Nhóm TM5 đã chia sẻ về hành lang pháp lý quốc gia và kinh nghiệm xử lý đơn đăng ký với dụng ý xấu tại Hội thảo “Biện pháp phòng chống đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu”.
Chiều ngày 24/01/2024 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ và Nhóm 5 Cơ quan sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới (TM5) bao gồm Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa kỳ (USPTO) đã tham dự Hội thảo “Biện pháp phòng chống đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu”. Hội thảo lần này do JPO chủ trì và giao cho Tổ chức xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản tại Bangkok (JETRO BKK) phối hợp với Cục SHTT tổ chức. Tham dự Hội thảo, về phía TM5 có các chuyên gia đến từ JPO, KIPO, CNIPA và đơn vị tổ chức JETRO BKK tham dự trực tiếp và các chuyên gia của EUIPO và USPTO tham dự trực tuyến; về phía Cục SHTT có ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng và gần 40 cán bộ từ các đơn vị thuộc Cục.
Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Lê Hồng cho biết ngoài việc Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của 4/5 nước sở tại của các Cơ quan trong TM5, Cục SHTT cũng đã thiết lập quan hệ song phương và ký MOU với từng cơ quan trong Nhóm. Phó Cục trưởng cũng nhấn mạnh về số lượng đơn khổng lồ các Cơ quan TM5 xử lý hàng năm, do đó đánh giá cao việc TM5 đã lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Hội thảo lần này và hy vọng Hội thảo sẽ cung cấp cho cán bộ của Cục SHTT nhiều góc nhìn từ quy định pháp luật và và kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý các trường hợp đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu của mỗi Cơ quan trong nhóm TM5.
Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia TM5
Hội thảo “Biện pháp phòng chống đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu” nằm trong khuôn khổ Sáng kiến chung của TM5 được khởi xướng từ năm 2012. Trong hơn 10 năm triển khai Sáng kiến, các Cơ quan TM5 định kỳ tổ chức họp nhóm chuyên môn nhằm trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp đối phó với các đơn đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu cũng như tổng kết, đán giá kết quả đạt được, tiêu biểu là việc công bố Báo cáo về Pháp lý và quy chế thẩm định của các Cơ quan thuộc TM5 nhằm phòng chống nộp đơn đăng ký với dụng ý xấu (https://tmfive.org/files/file10.pdf), Tài liệu tổng hợp những vụ việc liên quan đến đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu (https://www.jpo.go.jp/news/kokusai/tm5/document/index/bad-faith-examples-2019.pdf) và xuất bản Truyện tranh về biện pháp phòng chống nộp đơn đăng ký với dụng ý xấu (https://tmfive.org/wp-content/uploads/2021/11/TM5_Manga-Booklet.pdf). Trong khuôn khổ Sáng kiến này, kể từ năm 2022, TM5 bắt đầu tổ chức các Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với các nước ngoài TM5 lần lượt dành cho Cơ quan SHTT Thái Lan (2022), Cơ quan SHTT Philippines (2023) và Cục SHTT (2024). Ngoài các hoạt động hợp tác thường xuyên giữa Cục với từng Cơ quan SHTT thành viên thuộc TM5, đây là hoạt động hợp tác đầu tiên giữa Cục SHTT và Nhóm TM5.
Việc đăng ký nhãn hiệu với “dụng ý xấu” (hay còn được biết đến với thuật ngữ “bad-faith”) đã xuất hiện từ lâu trong pháp luật về sở hữu trí tuệ ở một số quốc gia có lịch sử hình thành cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lâu đời trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… Tại Việt Nam, các quy định liên quan đến “dụng ý xấu” trong đăng ký nhãn hiệu mới được bổ sung gần đây tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) để nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên như CPTPP, EVFTA, RCEP…cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn cần có biện pháp đối phó với tình trạng này.
Ông Kim Ingyu, KIPO chia sẻ kinh nghiệm về các vụ việc liên quan đến đăng ký nhãn hiệu “Pengsoo” có dụng ý xấu tại Hàn Quốc
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã lần lượt nghe tham luận của chuyên gia TM5 giới thiệu về quy định pháp luật liên quan và thực tiễn thẩm định các đơn đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu. Các chuyên gia cũng chia sẻ nhiều ví dụ thực tiễn về đơn đăng ký với dụng ý xấu, cách nhận biết, kỹ năng xử lý và phương pháp nâng cao nhận thức của thẩm định viên. Chuyên gia của Cục SHTT cũng đã có bài tham luận chia sẻ về những thay đổi gần đây của pháp luật Việt Nam nhằm ngăn chặn việc đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu và những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi xử lý những đơn đăng ký nhãn hiệu thuộc loại này.
Toàn cảnh Hội thảo
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia TM5
Hội thảo được tổ chức tại Việt Nam lần này là cơ hội quý giá đối với thẩm định viên và các cán bộ chuyên môn của Cục để có thêm kiến thức và kinh nghiệm bổ ích về cách thức xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu trong bối cảnh các quy định về xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu có “dụng ý xấu” mới được bổ sung vào Luật Sở hữu trí tuệ 2022 của Việt Nam. Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Cục và các Cơ quan TM5 sẽ tăng cường tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề hơn nữa để tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và hệ thống SHTT lành mạnh, hiệu quả tại Việt Nam./.
Phòng Hợp tác quốc tế
Tin mới nhất
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Dự án IP Key Sea tổ chức Hội thảo quốc tế về Phòng chống hàng giả khu vực ASEAN
- Thông báo về việc tiếp nhận và xử lý phản hồi đối với các trường hợp quá hạn phản hồi văn bản của Cục Sở hữu trí tuệ
- Hội thảo quốc tế về Sở hữu trí tuệ và trí tuệ nhân tạo
Các tin khác
- Khai trương trụ sở làm việc mới của Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm quả Thanh trà
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai (mai vàng)
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Bến Lức Long An" cho sản phẩm Chanh không hạt
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường