Th 6, 08/10/2021 | 08:00 SA
Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thanh long Bình Thuận
Ngày 07/10/2021, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản đã công bố Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” với số đăng ký 110 cho sản phẩm thanh long của tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.
Thông tin đăng tải tại Cổng thông tin của Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản tại địa chỉ: https://www.maff.go.jp/j/shokusan/gi_act/register/110.html
Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản, sau chỉ dẫn địa lý số 107 của Nhật Bản cấp cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…).
Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản. Vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản tương đối phức tạp. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình này.
Sự kiện thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản đã đặt nền móng tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Trong thời gian tới, cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, Bộ, Ngành, để thanh long Bình Thuận tiếp tục chinh phục được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình.
Thanh long Bình Thuận
Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận. Khó khăn lớn nhất phải kể đến, là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hiệp hội thanh long Bình Thuận. Tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo đặc tính của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật như đã đăng ký, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp hội, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng thanh long, sẽ góp phần đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, đảm bảo chất lượng quả thanh long, xúc tiến thương mại quả thanh long ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam gắn với chỉ dẫn địa lý (nhất là bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài) đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam. Từ đây cũng khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ, một công cụ đắc lực hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Thông tin về sự kiện Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản Triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản, ngày 07/8/2018, Cục Sở hữu trí tuệ được giao là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho 03 sản phẩm thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020. Các thông tin về việc thanh long Bình Thuận được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản như sau:
|
Cục Sở hữu trí tuệ
Tin mới nhất
Các tin khác
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Soi Hà” cho sản phẩm bưởi
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sản phẩm Sâm Nam
- Chỉ dẫn địa lý: Một công cụ hữu hiệu nâng cao giá trị nông sản Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “ICHIDA GAKI/ICHIDA KAKI/HỒNG ICHIDA” cho sản phẩm quả hồng sấy khô
- Kinh nghiệm quốc tế trong quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài - Một số gợi ý cho đặc sản Việt Nam