Th 4, 06/01/2021 | 09:30 SA
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Yên Bái” cho sản phẩm măng tre Bát Độ
Ngày 28 tháng 12 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4918/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00099 cho măng tre Bát Độ Yên Bái. Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Yên Bái là một tỉnh miền núi Tây Bắc của Việt Nam, là nơi giao thao văn hoá của 30 dân tộc. Vùng đất này có hình sông thế núi, được kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ với những cánh đồng đan xen những ngọn núi vươn sát bờ sông, với lịch sử phát triển từ thời đá mới trải dài tới đồ đồng, đồ sắt mà tiêu biểu nhất là Di tích khảo cổ học Bến Mậu A. Cùng với trí tuệ và bàn tay tạo dựng của con người, cây măng tre Bát Độ đã được Yên Bái tiên phong đưa về Việt Nam trồng từ những năm đầu của thế kỷ 21. Với những điều kiện địa lý độc đáo, phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây măng tre Bát Độ, địa danh Yên Bái đã trở nên nổi tiếng với sản phẩm đặc thù này.
Măng tươi Bát Độ Yên Bái có 4 loại bao gồm măng tươi, măng ủ chua, măng muối và măng khô.
Măng tươi có vị ngọt của măng khi nấu chín, không có xơ khi ăn, giòn, mùi không ngái. Hàm lượng chất xơ thô từ 0,22 đến 0,72 g/100g; hàm lượng Amino axit: 3,53 – 3,61 mg/kg.
Măng ủ chua không có xơ. Hàm lượng chất xơ thô từ 0,4 đến 0,82 g/100g.
Măng muối có vị ngọt của măng khi nấu chín, mặn vừa, ít chua; không có xơ khi ăn, rất giòn. Hàm lượng chất xơ thô từ 0,4 đến 0,68 g/100g.
Măng sợi khô có vị ngọt đậm của măng khi nấu chín, không có xơ khi ăn. Hàm lượng chất xơ thô từ 0,38 đến 0,63 g/100g, hàm lượng Amino axit từ 2,38 đến 2,5 mg/kg.
Đặc trưng nổi bật của măng tre Bát Độ Yên Bái đó là vị ngọt và đặc tính ít xơ sợi của măng. Hai tính chất đặc biệt này của măng tre Bát Độ Yên Bái có được chính là nhờ điều kiện độc đáo về mặt khí hậu, địa hình và đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng của khu vực địa lý.
Khu vực địa lý có nền khí hậu đặc trưng của tiểu vùng khí hậu Tây Bắc với 4 mùa rõ rệt trong năm. Nhiệt độ trung bình năm từ 20 - 23 oC, cao nhất 37 oC, thấp nhất 3 oC. Lượng mưa lớn, thời gian mưa kéo dài trong năm đặc biệt trong giai đoạn măng sinh trưởng và được thu hoạch (từ tháng 5 đến tháng 9) do đó tỷ lệ chất xơ sợi trong măng tre Bát Độ Yên Bái thấp. Biên độ nhiệt ngày đêm cao giúp tạo nên mùi thơm và vị ngọt tự nhiên của măng tre Bát Độ Yên Bái. Biên độ nhiệt độ ngày đêm tại khu vực địa lý cao (7 – 13 oC), thúc đẩy cho quá trình tích lũy Amino axit, chuyển hóa và tích lũy phenol thơm trong củ và cây măng. Vì vậy, măng tre Bát Độ nguyên liệu có mùi không ngái và hàm lượng Amino axit cao, cảm quan có vị ngọt, mùi không hắc. Khu vực địa lý có địa hình chuyển tiếp từ trung du đến miền núi tạo điều kiện cho măng tre Bát Độ sinh trưởng và phát triển tốt. Khu vực địa lý có các loại hình đất chủ yếu bao gồm đất xám feralit, đất feralit đỏ vàng, có tầng phong hóa dày trên 0,8m, độ che phủ rừng cao nên đất ít bị rửa trôi và xói mòn, thích hợp với yêu cầu sinh thái của măng tre Bát Độ.
Khu vực địa lý: xã Kiên Thành, xã Hồng Ca, xã Hưng Khánh, xã Lương Thịnh, xã Tân Đồng thuộc huyện Trấn Yên; xã An Bình, xã Mậu Đông, xã Đông An, xã Tân Hợp, xã Lâm Giang thuộc huyện Văn Yên; xã Xuân Lai, xã Yên Thành, xã Mỹ Gia, xã Cảm Nhân thuộc huyện Yên Bình; xã An Phú, xã Động Quan, xã Tô Mậu, xã Mường Lai, xã Minh Chuẩn thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Tin mới nhất
Các tin khác
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mường Khương – Bát Xát” cho sản phẩm gạo Séng Cù
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Kagoshima Kuroushi/Kagoshima Wagyu/Thịt bò Kagoshima” cho sản phẩm thịt bò
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Artemia
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm tinh dầu tràm
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm