Th 4, 12/10/2016 | 11:53 SA
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “THƯỜNG XUÂN” CHO SẢN PHẨM QUẾ
Ngày 10 tháng 10 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00051 cho sản phẩm quế Thường Xuân...
Ngày 10 tháng 10 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 4090/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00051 cho sản phẩm quế Thường Xuân. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Sản phẩm quế vỏ khô Thường Xuân | Vỏ quế tươi Thường Xuân mới bóc |
Thường Xuân là tên gọi của một huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60 km. Phía Bắc giáp huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc. Phía Tây giáp huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Phía Đông giáp huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn. Phía Nam giáp huyện Như Xuân và Như Thanh. Sản phẩm quế Thường Xuân đã có danh tiếng từ lâu đời và được biết đến là sản phẩm quý, có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là trong y học và ẩm thực. Chất lượng đặc thù của sản phẩm có mối quan hệ chặt chẽ với điều kiện địa lý đặc trưng và tập quán sản xuất của người dân địa phương. Danh tiếng của sản phẩm quế Thường Xuân gắn với các tên gọi quế Trịnh Vạn, quế Ngọc Châu Thường.
Quế vỏ Thường Xuân được khai thác từ cây có giống quế Thanh bản địa. Vỏ quế Thường Xuân có chiều dài trên 50 cm, thường cuộn tròn thành ống (phơi khô tự nhiên). Kích thước tiêu chuẩn: Độ dày vỏ thân: 3,06 mm – 5,14 mm; Độ dày lớp tinh dầu vỏ thân: 0,96 mm – 1,97 mm; Độ dày vỏ cành: 1,28 mm – 3,62 mm; Độ dày lớp tinh dầu vỏ cành: 0,41mm – 1,11 mm.
Bề mặt ngoài vỏ quế ít xù xì, có màu nâu đến nâu xám, có rất nhiều vết loang (bạch hoa), cây càng già vết loang càng nhiều. Bề mặt trong có màu nâu hơi đỏ đến nâu sẫm, nhẵn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ màu nâu đỏ, có ít sợi. Quế Thường Xuân có mùi thơm nồng rất đặc trưng. Quế Thường xuân khi cạo một lớp mỏng ở đầu thanh quế, nhìn thấy các lớp dầu, nếm có vị cay hơi chát, khi pha với nước có màu trắng đục. Tinh dầu của quế Thường Xuân có độ cay đặc trưng riêng, khi nếm thử cảm nhận vị cay mạnh nhưng không quá nồng, hậu vị ngọt the. Các chỉ tiêu chất lượng của vỏ quế thân bao gồm: Chỉ số khúc xạ của tinh dầu: 1,5926 nD - 1,5978 nD; Hàm lượng ẩm: 14,2 % – 16,0 %; Tỷ trọng của tinh dầu: 1,0192 d - 1,0219 d; Hàm lượng tinh dầu: 4,12 %,v/w – 6,08 %,v/w; Hàm lượng Aldehyt cinnamic trong tinh dầu: 80,92 %,v/w – 91,22 %,v/w. Chỉ tiêu chất lượng của vỏ quế cành bao gồm: Chỉ số khúc xạ của tinh dầu: 1,5328 nD - 1,5978 nD; Hàm lượng ẩm: 13,2 % – 15,2%; Tỷ trọng của tinh dầu: 1,0104 d - 1,0182 d; Hàm lượng tinh dầu: 3,28 %,v/w – 4,85 %,v/w; Hàm lượng Aldehyt cinnamic trong tinh dầu: 72,12 %,v/w – 83,11 %,v/w.
Các đặc tính của quế vỏ Thường Xuân là do điều kiện địa lý mang lại. Khu vực địa lý có địa hình thấp dần từ Tây Bắc và Tây xuống khu vực phía Đông và phía Nam, chủ yếu là vùng núi cao, độ cao trung bình từ 150m - 700m. Địa hình của khu vực địa lý cắt và đón gió Đông Nam nên lượng mưa cao, nguồn nước dồi dào. Về khí hậu, khu vực địa lý có điều kiện ánh sáng tốt để cây quế phát triển. Tổng số giờ nắng giao động từ 1600 đến 1900 giờ/năm. Tổng nhiệt độ từ 8000 đến 86000C. Nhiệt độ trung bình từ 22 đến 250C. Biên độ nhiệt giao động phổ biến từ 5 đến 100C. Tổng lượng mưa từ 1800 đến 2200mm. Độ ẩm trung bình năm từ 85 đến 86%. Về thổ nhưỡng, khu vực địa lý có các loại đất chủ yếu là: Feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét (Fs), thành phần cơ giới nặng, tầng đất dày, đất tốt, không có đá lẫn; đất Feralit đỏ vàng nhạt phát triển trên đá Sa thạch (Fq), thành phần cơ giới thô nhẹ, tầng đất mỏng đến trung bình, có đá lẫn; Đất Feralit vàng đỏ phát triển trên đá macma acid kết tinh chua (Fa), có thành phần cơ giới thô to, kết cấu rời rạc, tầng đất mỏng, nhiều đá nổi, đá lẫn trong tầng đất. Khu vực địa lý có hệ thống sông bao gồm các sông như sông Chu, sông Khao, sông Đằn chảy dọc trên địa bàn với lưu lượng sông và trữ lượng nước tại các hệ thống hồ ao lớn. Ngoài ra các bí quyết của người dân bản địa trong việc trồng, chăm sóc và khai thác sản phẩm cũng góp phần tạo nên tính chất đặc thù của sản phẩm.
Khu vực địa lý: xã Vạn Xuân, xã Xuân Lẹ, xã Xuân Chính, xã Xuân Thắng, xã Xuân Lộc, xã Xuân Cẩm, xã Yên Nhân, xã Bát Mọt, xã Lương Sơn, xã Ngọc Phụng, xã Xuân Cao, xã Luận Khê, xã Xuân Thành, xã Luận Thành, xã Thọ Thanh, xã Xuân Dương, thị trấn Thường Xuân thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế