Th 4, 26/03/2014 | 18:07 CH
BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “QUẢNG NINH” CHO SẢN PHẨM CON NGÁN
Ngày 19 tháng 3 năm 2014, Cục SHTT đã ban hành Quyết định số 723/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00041...
Ngày 19 tháng 3 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 723/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00041 cho sản phẩm con ngán Quảng Ninh nổi tiếng. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Quảng Ninh được biết đến với sự nổi tiếng của Vịnh Hạ Long, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. Vùng đất này còn gắn liền với những di tích lịch sử của dân tộc. Với bờ biển dài 250km và trên 40.000 ha bãi triều, 20.000 ha eo vịnh và hàng vạn ha các vũng nông ven bờ, khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh có nhiều khu vực nước sâu, kín gió là lợi thế đặc biệt quan trọng thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Quảng Ninh nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú trong đó con ngán là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này.
Con ngán Quảng Ninh có hình tròn hoặc ovan, màu vỏ xám, xanh nhạt đến đậm, vỏ 2 mảnh, bề mặt vỏ có gờ sinh trưởng. Gờ sinh trưởng của ngán Quảng Ninh rõ ràng, tương đối đều và ráp. Chiều dài thân ngán (từ đỉnh vỏ tới miệng vỏ) có độ to nhỏ khác nhau, tối thiểu từ 3cm trở lên. Con ngán Quảng Ninh có trọng lượng lớn hơn so với con ngán của các địa phương khác. Vùng trắng ở đuôi vỏ của con ngán Quảng Ninh nhỏ hơn so với vùng trắng đuôi vỏ của con ngán ở các địa phương khác. Thịt ngán tươi có màu trắng đục, mùi tanh, mang huyết có màu hồng tươi. Mang huyết của con ngán Quảng Ninh dầy, to, che phủ rộng.
Thịt ngán khi được làm chín có vị ngọt đậm, béo ngậy, vị thơm đậm, mùi hơi nồng do có các vitamin và khoáng chất đa lượng như: hàm lượng protein (> 153 g/kg ăn được); hàm lượng gluxit (> 44 g/kg ăn được); hàm lượng lipid (> 12 g/kg ăn được); hàm lượng Vitamin B (> 715 mg/kg ăn được); hàm lượng Ca (1025-1525 mg/kg ăn được); hàm lượng Phốtpho (1700-2090 mg/kg ăn được);
Sản phẩm con ngán Quảng Ninh nổi tiếng đặc biệt thơm ngon là do khu vực địa lý có các điều kiện đặc thù về địa hình, khí hậu, sông ngòi, rừng ngập mặn và chế độ hải văn.
Khu vực địa lý là các bãi lầy ở cửa của các con sông ngắn và dốc, có dòng chảy lớn và vùng triều rộng trải dài cộng với biên độ nước lớn và nước ròng trong tháng cao.Lớp bùn đáy ở các bãi lầy của khu vực địa lý dày từ 0,5 đến 1,5m, có độ mặn từ 20 đến 30‰, thích hợp cho các rừng ngập mặn và các thực – động vật phù du của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển phát triển.
Khu vực địa lý có nhiệt độ trung bình năm trên 220C. Từ tháng 11 đến hết tháng 3, nhiệt độ trung bình dưới 200C. Từ tháng 4 đến cuối tháng 9, nhiệt độ trung bình trên 280C. Tổng số giờ nắng trong năm tại khu vực địa lý từ 1.000 – 1.700 giờ, trung bình một ngày đạt 3,6 giờ. Số giờ nắng trung bình năm là 1290 giờ/năm. Mùa mưa ở khu vực địa lý từ tháng 5-10 (lượng mưa lớn hơn 100mm/tháng), mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình tại khu vực địa lý từ 1.600-2.700mm/năm. Độ ẩm không khí trung bình tại khu vực địa lý cao: 84%. Số ngày mưa phùn không nhiều, nơi mưa phùn nhiều nhất là 38 ngày/năm, kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4. Tháng mưa phùn nhiều nhất là tháng 3. Gió mùa bắt đầu từ tháng 9-10, kết thúc vào tháng 5-6, trung bình mỗi năm có 20-25 đợt gió mùa. Thời gian từ tháng 5-10 là thời điểm không có mưa phùn và gió mùa, độ ẩm không khí cao nhất và ổn định nhất trong năm, đây cũng là mùa sinh sản của con ngán và mùa khai thác ngán.
Khu vực địa lý có các hệ thống sông ngòi dày đặc. Các hệ thống sông chính của khu vực địa lý đã hình thành các vùng rừng ngập mặn trên các lưu vực cửa sông bao gồm: khu vực rừng ngập mặn cửa sông Đá Bạc và sông Bình Hương – Kinh Trai; khu vực rừng ngập mặn cửa sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ; khu vực các cửa sông nhỏ thuộc huyện Đầm Hà và Hải Hà. Các rừng ngập mặn tại khu vực địa lý duy trì chế độ thủy triều thường xuyên, chất lượng nước tầng đáy có độ mặn trung bình là 25‰, nhiệt độ nước biển trung bình năm đạt 250C và không có sự biến động trong mùa hè. Độ pH duy trì liên tục tại mức giá trị 5. Chất lượng môi trường sinh khối của rừng ngập mặn cửa sông: biên độ thủy triều vào các tháng mùa hè ở khu vực địa lý khá lớn và diễn ra trong thời gian dài làm thời gian phơi bãi kéo dài. Nền đáy tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời dài giúp các hệ thực vật phù du phát triển mạnh mẽ, giúp duy trì sinh khối vùng nước ngập mặn cao.
Độ mặn nước biển tại khu vực địa lý: từ tháng 11 đến tháng 4 nồng độ muối trong nước biển cao nhất trong năm (31-32‰), từ tháng 5 đến tháng 11 nồng độ muối trong nước biển thấp nhất trong năm (21-22‰). Thủy triều tại khu vực địa lý thuộc chế độ nhật triều thuần nhất của vịnh Bắc Bộ, mỗi ngày có một lần triều lên và một lần triều xuống.
Ngoài các điều kiện tự nhiên rất đặc thù nói trên thì các bí quyết của người dân nơi đây trong việc khai thác, bảo quản và vận chuyển sản phẩm cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của sản phẩm.
Khu vực địa lýbao gồm các xã Đồng Rui, xã Đông Hải, xã Đông Ngũ, xã Tiên Lãng, xã Hải Lạng thuộc huyện Tiên Yên; xã Đầm Hà, xã Đại Bình, xã Tân Bình, xã Tân Lập thuộc huyện Đầm Hà; xã Đài Xuyên, xã Vạn Yên, thuộc huyện Vân Đồn; xã Hoàng Tân, xã Hà An, xã Liên Hòa thuộc thị xã Quảng Yên; xã Tiến Tới, xã Cái Chiên, xã Quảng Phong thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế