Th 5, 16/07/2020 | 10:06 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Lý Sơn" cho sản phẩm tỏi

Ngày 29/6/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2421/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00081 cho sản phẩm tỏi “Lý Sơn”. Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Tỏi là loại gia vị được dùng để chế biến các món ăn, ngoài ra tỏi còn có công dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm huyết áp, phòng chống ung thư. Ở Lý Sơn, cây tỏi trắng đã theo chân thương nhân từ Thừa Thiên Huế vào vùng đất Cù Lao Ré - Lý Sơn từ hơn nửa thế kỷ trước. Nghề trồng tỏi gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Lý Sơn, danh tiếng của củ tỏi gắn với cảnh quan xinh đẹp của đảo Lý Sơn đã đóng góp nhất định cho việc định danh “Lý Sơn” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 1980, nhà văn Nguyễn Thành Long đã khắc họa về hình ảnh cánh đồng tỏi trên đảo Lý Sơn trong tập truyện ngắn “Lý Sơn, mùa tỏi”. Năm 2017, đặc sản tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam”. Nhờ cây tỏi, người dân Lý Sơn có cuộc sống no ấm, ổn định chính vì thế người dân Lý Sơn trân trọng, ví cây tỏi là “Vàng trắng”.

 

Miệng núi lửa cổ trên đảo và ruộng tỏi ở Lý Sơn

 

Người Lý Sơn trồng giống tỏi trắng. Giống tỏi này khi trồng ở Lý Sơn đã tạo nên đặc thù rất riêng biệt. Tỏi có màu trắng vôi, thịt củ màu trắng ngà có sắc xanh đặc trưng, mùi thơm dịu, đặc trưng dễ chịu, vị cay dịu nhẹ, có vị ngọt. Sản phẩm tỏi được trồng ở đây có hai dạng về hình thái củ, đó là tỏi nhiều tép và tỏi ít tép. Tỏi nhiều tép có trên 03 tép, tỏi ít tép có từ 01 đến 03 tép được gọi “tỏi cô đơn” Lý Sơn, đây là sản phẩm hiếm gặp. Có thể nhận biết tỏi Lý Sơn bé ở cả ba chỉ tiêu “trọng lượng củ”, “chiều cao củ”, “đường kính củ”. Tỏi nhiều tép có trọng lượng củ  từ 2,5 - 20 gam/củ, chiều cao củ từ 18 - 35 mm, đường kính củ từ 15 - 37,5 mm. Tỏi cô đơn có  trọng lượng củ từ 0,4 - 4,3 gam/củ, chiều cao củ từ 16 - 28 mm, đường kính củ  từ 6,5 - 19 mm.

 

Hình dạng tỏi Lý Sơn

 

Tỏi Lý Sơn có độ ẩm từ 57,71 - 69,31 (% khối lượng), hàm lượng tro tổng số từ 1,41 - 2,70 (% khối lượng chất khô), hàm lượng tro không tan trong axit từ 0,04 - 0,18 (% khối lượng chất khô), hàm lượng các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ bay hơi  0,14 - 0,22 (% khối lượng chất  khô), hàm lượng chất chiết tan trong nước lạnh từ 54,96 - 84,35 (% khối lượng chất khô), hàm lượng Allicin từ 54,26 - 133,10 (mg/kg), hàm lượng Kali từ 348,0 - 371,0 (mg/100g). “Hàm lượng kali” và “Hàm lượng các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ bay hơi” là hai chỉ tiêu hóa học đã tạo nên đặc thù chất lượng của tỏi Lý Sơn.

Địa hình, khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng đã tạo nên chất lượng đặc thù của tỏi Lý Sơn. Địa hình chủ yếu của Lý Sơn là núi thấp kiến tạo trên nền núi lửa cổ. Địa hình nhỏ hẹp, bề mặt khá bằng phẳng, thoải dần từ giữa đảo ra bờ rìa đảo, độ cao trung bình khoảng 20 mét đến 25 mét so với mực nước biển. Các thửa ruộng trồng tỏi dạng bậc thang, uốn lượn thấp dần quanh miệng núi lửa cổ, độ cao giảm dần ra tận bờ rìa đảo, giúp thoát nước tốt, không bị ngập úng, thuận lợi cho sản xuất. Khu vực địa lý chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng đồng bằng ven biển, khô hạn về mùa nắng, giông bão và gió lớn về mùa mưa. Lượng mưa trung bình năm thấp, biến động giữa các tháng trong năm mạnh từ 0,1 - 1.244,2 mm. Tổng bức xạ lớn, số giờ nắng từ 38,0 - 334,5 giờ/tháng. Nhiệt độ không khí trung bình từ 21,8oC - 30,5oC, nhiệt độ không khí rất hiếm khi xuống dưới 18oC, khí hậu biển với ngưỡng nhiệt độ phù hợp với sự sinh trưởng của cây tỏi. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý có độ pHH2O từ 7,79 - 8,51, pHKCL từ 7,03 - 8,13, hàm lượng kali dễ tiêu từ 2,02 - 13,50 mg/100g được cấu tạo từ các loại đá bazan lỗ hổng do núi lửa cổ phun trào, cùng với đá vôi san hô, cát kết vôi, bột kết, sét kết đã thành tạo nên đặc thù về thổ nhưỡng của Lý Sơn. Đất bazan là nguồn tài nguyên quan trọng của đảo Lý Sơn, là nguyên liệu được sử dụng để phối trộn làm giá thể trồng tỏi Lý Sơn.

Bên cạnh yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến chất lượng của tỏi Lý Sơn, kinh nghiệm, bí quyết của người sản xuất cũng làm nên đặc thù của sản phẩm. Phần lớn diện tích ruộng canh tác nông nghiệp trên đảo Lý Sơn được khai phá và cải tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp từ hơn 400 năm trước. Quá trình cải tạo ruộng, bồi đắp, san nền đất, tạo mặt bằng sản xuất đã dần dần dịch chuyển đáp ứng yêu cầu sinh thái của cây tỏi Lý Sơn. Cùng với đó là các kỹ thuật canh tác nông nghiệp, kỹ thuật làm đất, cải tạo ruộng trồng tỏi phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn của đảo Lý Sơn đã được người nông dân trên đảo đúc kết, hình thành tri thức nông nghiệp bản địa đặc thù của nơi này. Người dân Lý Sơn đã đúc kết kinh nghiệm lựa chọn mùa vụ và tiến hành che phủ mặt ruộng tỏi bằng cát san hô để giảm bốc hơi nước, ổn định độ ẩm đất phù hợp, bảo vệ bộ rễ của cây tỏi. Làm hàng rào bảo vệ, chắn gió cho ruộng tỏi giúp tránh các tác hại của gió đến ruộng tỏi, che chắn tác động trực tiếp của hơi muối biển đến cây tỏi, chống xói mòn và hạn chế bay lớp cát phủ bề mặt.  Người nông dân Lý Sơn ví những hàng rào bao bọc xung quanh những ruộng tỏi như những “tấm áo” bảo vệ cho cây tỏi trước những điều kiện khí hậu trên đảo.

 

Ruộng tỏi ở đảo Lý Sơn với các loại hàng rào chắn gió

 

Khu vực địa lý: Tỏi ở Lý Sơn được trồng tại các xã An Bình, xã An Hải, xã An Vĩnh thuộc huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế