Th 6, 28/08/2020 | 13:44 CH
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
Công nghệ Nhiên liệu sinh học: Phân tích qua biểu đồ sáng chế
Nhiên liệu sinh học (Biofuels) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ nguồn năng lượng được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa,...), ngũ cốc (lúa mỳ, đậu tương...), chất thải trong nông nghiệp (rơm rạ, phân...), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, sản phẩm gỗ thải...).
Với tình hình nguồn cung cấp các loại nhiên liệu hoá thạch ngày càng hạn chế, tình trạng cạn kiệt nguồn năng lượng đang trở thành vấn đề đáng lo ngại với nhiều quốc gia, an toàn năng lượng trở nên cấp bách đối với tất cả các nước trên thế giới. Chính phủ nhiều quốc gia đã và đang nỗ lực trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, ưu tiên hàng đầu sẽ là các nguồn năng lượng tái sinh và thân thiện với môi trường, một trong số đó là nhiên liệu sinh học.
Nhiên liệu sinh học (Biofuels) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ nguồn năng lượng được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa,...), ngũ cốc (lúa mỳ, đậu tương...), chất thải trong nông nghiệp (rơm rạ, phân...), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, sản phẩm gỗ thải...)1 ,...
Nhiên liệu sinh học có thể được phân loại thành các nhóm chính như sau1:
• Diesel sinh học (Biodiesel)
• Xăng sinh học (Biogasoline)
• Khí sinh học (Biogas)
Cụ thể hơn nữa, nhiên liệu sinh học được phân ra như sau:
• Etanol;
• Dầu diesel sinh học;
• Các loại nhiên liệu sinh học khác;
• Dầu diesel xanh;
• Xăng sinh học;
• Dầu thực vật;
• Ete sinh học;
• Khí sinh học;
• Khí tổng hợp;
• Nhiên liệu sinh khối rắn2 .
Xu hướng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học trên toàn cầu
Lĩnh vực tra cứu: Tra cứu theo phân loại sáng chế quốc tế (IPC) được xác định bởi nhóm chuyên gia về IPC của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, được đăng tải ở địa chỉ; https://www.wipo.int/classifications/ipc/en/green_inventory/.
Các chỉ số Phân loại sáng chế quốc tế (IPC) liên quan đến Nhiên liệu sinh học
Nguồn năng lượng tái tạo | Chỉ số phân loại sáng chế IPC |
* Nhiên liệu rắn | C10L 5/00, 5/40-5/48 |
Tăng cường sinh khối | C10B 53/02 C10L 5/40 9/00 |
* Nhiên liệu lỏng | C10L1/00, 1/02, 1/14 |
Dầu thực vật | C10L 1/02 1/19 |
Diesel sinh học | C07C 67/00, 69/00 C10G C10L 1/02, 1/19 C11C 3/10 C12P 7/64 |
Cồn sinh học | C10L 1/02, 1/182 C12N 9/24 C12P 7/06-7/14 |
* Khí sinh học | C02F 3/28, 11/04 C10L 3/00 C12M 1/107 C12P 5/02 |
* Từ các sinh vật biến đổi gen |
C12N 1/13, 1/15, 1/21, 5/10, 15/00 A01H |
Tích hợp chu trình khí hóa (IGCC) |
C10L 3/00 F02C 3/28 |
Công cụ phân tích: Công cụ tra cứu Orbit của Questel.
Phạm vi không gian: Toàn cầu
Phạm vi thời gian: Từ 01/01/2006 trở đi.
Ngày thực hiện tra cứu: 13/4/2020
Kết quả tra cứu:
Có tổng số 109.633 tài liệu sáng chế được tìm thấy liên quan đến nhiên liệu sinh học, trong đó có 52,4% số đơn sáng chế đã được cấp bằng.
Phân tích theo lĩnh vực công nghệ
Biểu đồ này dựa trên mã phân loại sáng chế quốc tế (IPC) có trong tập hợp sáng chế đang được phân tích. Các mã IPC đã được nhóm trong 35 lĩnh vực công nghệ, được trình bày ở đây. Biểu đồ này giúp xác định tính đa dạng hoặc tính đặc thù của danh mục sáng chế của chủ đơn. Hình minh họa này cho phép người dùng xác định rất nhanh việc kinh doanh cốt lõi của chủ thể đang nghiên cứu. Các danh mục ít được đại diện nhất cũng đóng vai trò là phương tiện để xác định các ứng dụng tiềm năng khác về sáng chế của chủ thể này. Biểu đồ này rất hữu ích trong việc xác định sáng chế trong một khu vực và trong một lĩnh vực có thể có nhiều mục đích sử dụng. Nó có thể hữu ích để xác định lĩnh vực cho các sáng chế đã được nộp. Theo biểu đồ trên, từ 2006 cho đến nay các lĩnh vực chính có sáng chế liên quan đến nhiên liệu sinh học chủ yếu vẫn là công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, hóa học hữu cơ, hóa học thực phẩm, dược phẩm…Các nhóm công nghệ liên quan đến nhiên liệu sinh học như truyền thông kỹ thuật số, vật liệu bán dẫn, công nghệ nano… vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ hơn so với các lĩnh vực nêu trên.
Biểu đồ “Technologies and applications” cho thấy các lĩnh vực như sinh khối, phản ứng sinh học… là các lĩnh vực được quan tâm trong công nghệ nhiên liệu sinh học.
Phân tích theo chủ đơn và tác giả sáng chế chính
Biểu đồ trên cho thấy độ lớn của danh mục đầu tư của chủ đơn trong nhóm sáng chế được phân tích. Dữ liệu này là một chỉ báo tốt về mức độ sáng tạo của những chủ đơn tích cực. Nhằm nghiên cứu danh mục đầu tư của một chủ thể, biểu đồ này cho thấy danh mục đầu tư của chủ đơn và các đồng chủ đơn chính của họ. Dữ liệu này cũng là một chỉ báo tốt về xu hướng hợp tác của người nộp đơn và cũng xác định các đối tác ưa thích của họ. Đồng thời, để nghiên cứu các sáng chế của một chủ đề cụ thể, biểu đồ này thể hiện các chủ đơn hàng đầu theo số đơn đã nộp trong lĩnh vực. Điều này thể hiện các chủ đơn có số lượng sáng chế lớn nhất trong danh mục đầu tư của họ trong lĩnh vực đang được phân tích.
Trong 3 chủ đơn hàng đầu, UNIVERSITY OF CALIFORNIA đã có 606 họ sáng chế, DUPONT PIONEER có 465 họ sáng chế, MONSANTO TECHNOLOGY có 387 họ sáng chế.
Biểu đồ trên cũng chỉ ra không có sự chênh lệch nhiều về số lượng đơn sáng chế đã nộp giữa các chủ đơn trong lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học.
Tiếp theo, biểu đồ nêu trên minh họa các chủ đơn hàng đầu trong nhóm các sáng chế được phân tích theo tình trạng pháp lý. Thông tin này cho phép xác định những chủ đơn đã rút khỏi ngành (từ bỏ, mất hiệu lực và/hoặc hết hiệu lực bằng sáng chế của họ) và những chủ đơn vẫn còn hoạt động (các đơn và bằng sáng chế vẫn còn hiệu lực).
Từ biểu đồ có thể thấy, trong 3 chủ đơn hàng đầu:
+ UNIVERSITY OF CALIFORNIA tuy dẫn đầu với 606 họ sáng chế nhưng số sáng chế có hiệu lực chỉ là 340 sáng chế chiếm 56,1% tổng số sáng chế;
+ Trong khi tỷ lệ tương ứng của DUPONT PIORNEER là 76,56% với 356 họ sáng chế có hiệu lực trên tổng 465 họ sáng chế đã nộp;
+ Với MONSANTO TECHNOLOGY thì tỷ lệ này là 89,92% với 348 họ sáng chế có hiệu lực trên tổng số 387 họ sáng chế đã nộp liên quan đến lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học.
Biểu đồ nêu trên xác định các nhà sáng chế được liệt kê với số lượng sáng chế lớn nhất trong danh mục đầu tư được phân tích và nêu bật các nhà sáng chế có trình độ chuyên gia.
Theo như biểu đồ trên thấy rằng: Nhà sáng chế MA có số lượng đơn sáng chế nhiều nhất với 427 họ sáng chế, tiếp theo là hai nhà sáng chế WU DAOHONG với 415 họ sáng chế và RA là 407 họ sáng chế.
Phân tích xu hướng nộp đơn và xu hướng đầu tư
Biểu đồ này cho thấy số lượng đơn sáng chế của lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học được nộp theo từng năm, qua đó cũng đánh giá được xu hướng và mức độ quan tâm của các chủ đơn cho lĩnh vực này.
Nhìn vào biểu đồ trên thấy rằng: từ năm 2000 đến nay thì năm 2018 là năm có lượng sáng chế liên quan đến lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học nộp nhiều nhất 12.067 sáng chế, tiếp đó là năm 2017 với 10.782 sáng chế và năm 2016 với 9.046 sáng chế.
Biểu đồ này minh họa số lượng họ sáng chế được nộp tại các Cơ quan sáng chế của quốc gia khác nhau. Qua đó cũng thể hiện thị trường nào là tiềm năng với các chủ đơn trong lĩnh vực công nghệ đang xem xét.
Nhìn vào biểu đồ trên thấy rằng, lượng đơn sáng chế trong lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học được bảo hộ nhiều nhất ở Trung Quốc, tiếp đó là Mỹ và Nhật.
Lưu ý: Do khoảng thời gian luật định cho việc công bố là tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn, do đó cho số liệu công bố đầy đủ nhất sẽ thuộc về các đơn được có ngày nộp đơn đầu tiên từ tháng 10 năm 2018 trở về trước. Các số liệu năm 2019 và 2020 chưa đưa vào phân tích do các đơn có ngày nộp đơn đầu tiên trong giai đoạn này phần lớn chưa được công bố.
Công nghệ nhiên liệu sinh học ở Việt Nam
Với đặc thù là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều thuận lợi về nguyên liệu để phát triển năng lượng nhiên liệu sinh học. Nhiên liệu sinh học đã được các nhà khoa học nước ta chú ý đến từ những năm cuối của thế kỷ 20, cho đến nay, đã có một số nghiên cứu về nhiên liệu sinh học của các công ty, viện nghiên cứu như: điều chế diesel sinh học theo phương pháp este hóa với nguyên liệu là đậu tương, dầu dừa, dầu phế thải, các loại hạt có dầu…; sản xuất diese từ mỡ cá basa và cá tra; sản xuất nhiên liệu sinh học dưới dạng sản xuất thử…; sản xuất thử nghiệm xăng E5 cho xe ô tô, tuy nhiên chưa đưa vào sử dụng.
Về mặt chính sách, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 177/2007/QĐ-TTG ngày 20/11/2007 về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đề án đã đề các ra các mục tiêu như: xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật nhằm nhằm tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư, nghiên cứu khoa học, khuyến khích sản xuất quy mô công nghiệp; xây dựng lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học; quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nhiên liệu sinh học…
Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam cũng được nhiều đối tác nước ngoài rất quan tâm như các đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan.
Có thể nói tương lai ngành nhiên liệu sinh học ở Việt Nam rất tiềm năng do nguyên liệu phong phú, nếu có sự đầu tư đúng hướng chúng ta có thể đạt nhiều thành tựu xuất sắc trong thời gian tới.
Xu hướng phát triển công nghệ nhiên liệu sinh học
Qua phân tích ở các biểu đồ bên trên thấy rằng, lĩnh vực nhiên liệu sinh học đã và đang được các nước trên thế giới rất quan tâm, đặc biệt trong những năm gần đây khi nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày một cạn kiệt.
Trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay thì năm 2018 là năm có lượng sáng chế liên quan đến lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học nộp nhiều nhất 12.067 họ sáng chế, tiếp đó là năm 2017 với 10.782 họ sáng chế và năm 2016 với 9.046 họ sáng chế.
Các khía cạnh kỹ thuật được tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học chủ yếu là sinh khối; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường; hóa học hữu cơ; hóa học thực phẩm; dược phẩm…
Các chủ đơn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ nhiên liệu sinh học có thể kể đến lần lượt là UNIVERSITY OF CALIFORNIA (606 họ sáng chế), DUPONT PIONEER (465 họ sáng chế), MONSANTO TECHNOLOGY (387 họ sáng chế).
Việc phân tích, đánh giá thông qua các số liệu, biểu đồ liên quan giúp các nhà đầu tư xây dựng chiến lược hoạch định đổi mới khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách hiệu quả, thiết lập hướng nghiên cứu và phát triển cũng như chiến lược đăng ký sáng chế để thâm nhập thành công vào thị trường, giảm thiểu cạnh tranh với những đối thủ lớn. Bên cạnh đó, nhờ thông tin đưa ra về các chủ đơn lớn, các nhà đầu tư có sơ sở giám sát hoạt động của đối thủ, có danh mục đầu tư vào sáng chế của các công ty – phân tích các công ty hàng đầu và tập trung vào công nghệ, xác định các đối tác/cộng tác viên tiềm năng, cũng như các đối thủ cạnh tranh và phân bổ nguồn lực có hiệu quả./.
Hồng Lê - Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp
--------------------
1https://wikipedia.org/wiki/nhien_lieu_sinh_hoc
2https://vi.wikipedia.org/wiki/Nang_luong_sinh_hoc