Th 6, 19/08/2022 | 11:03 SA
Phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 16/6/2022 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Nhằm kịp thời phổ biến những quy định mới của Luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật, ngày 16/8/2022 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - những vấn đề cần lưu ý”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp…
Ảnh 1: Hội thảo với sự tham gia của gần 200 đại biểu
Tại Hội thảo, các diễn giả của Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu tổng quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các vấn đề chung về sở hữu công nghiệp và tập trung phân tích những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến từng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đến thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ảnh 2: Báo cáo viên trình bày tại Hội thảo
Những quy định sửa đổi, bổ sung mới, đặc biệt là các quy định liên quan đến các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp cụ thể như sáng chế (như quy định về đánh giá tính mới, về kiểm soát an ninh sáng chế, về sáng chế liên quan đến nguồn gen), kiểu dáng công nghiệp (như về bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, về cách xác định phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp), nhãn hiệu (về thời điểm xem xét tình trạng pháp lý của nhãn hiệu đối chứng, về nhãn hiệu nổi tiếng), chỉ dẫn địa lý (về chỉ dẫn địa lý đồng âm); các quy định liên quan đến thủ tục xử lý đơn (phản đối đơn, tạm dừng thẩm định)... thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận và làm rõ các quy định liên quan đến chính sách mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Một số nội dung cũng được trao đổi sâu nhằm làm rõ về định hướng xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định và Thông tư) như việc xác định lĩnh vực an ninh quốc phòng hay “được tạo ra tại Việt Nam” (đối với quy định về kiểm soát an ninh sáng chế); cách xác định “bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất mang sản phẩm chỉ dẫn địa lý” (đối với quy định chỉ dẫn địa lý đồng âm); giải thích về “dụng ý xấu” trong đăng ký nhãn hiệu và các tài liệu để có thể chứng minh,...
Ảnh 3: Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Bảy và các diễn giả giải đáp câu hỏi của đại biểu
Các câu hỏi đã được Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ và các diễn giả giải đáp, trao đổi ngay tại Hội thảo. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến cho các nhóm chủ thể có liên quan, để các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thực thi hiệu quả, việc xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết (dự kiến có hiệu lực thi hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật) là công việc rất quan trọng và được ưu tiên trong thời gian tới. Do đó, Cục Sở hữu trí tuệ rất mong nhận được thêm nhiều ý kiến góp ý, xây dựng đối với các quy định sửa đổi, bổ sung mới ở ngoài phạm vi Hội thảo.
Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. Qua thực tiễn 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định. Vì vậy, Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập thực tiễn và nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế. |
Phòng Pháp chế và Chính sách
Tin mới nhất
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo quốc tế về Sở hữu trí tuệ và trí tuệ nhân tạo
- Lễ Bế giảng Khóa đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2023-2024
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Các tin khác
- Tập huấn cho cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”
- Thông báo khảo sát nhu cầu, nội dung cần tìm hiểu về đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc và một số thị trường trọng điểm (Mỹ, Nhật, Châu Âu)
- CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP
- Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ: Góp phần tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ - góp phần đưa hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam lên chuẩn mực thế giới