Th 5, 19/09/2019 | 16:16 CH
Hội thảo định kỳ về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản – những lợi ích và tác động tích cực tới hệ thống SHTT của Việt Nam
Nhật Bản là một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, là một trong các quốc gia hàng đầu thế giới trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng, thương mại hóa thành công kết quả sáng tạo vào đời sống...
Nhật Bản là một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, là một trong các quốc gia hàng đầu thế giới trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng, thương mại hóa thành công kết quả sáng tạo vào đời sống. Mỗi năm Nhật Bản tiếp nhận hàng trăm nghìn đơn đăng ký sáng chế của người nộp đơn trong nước, đây là kết quả của việc xây dựng, thực hiện một cách bài bản chiến lược sở hữu trí tuệ nói chung và tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của các chủ thể nói riêng. Chính phủ Nhật Bản luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam được thiết lập muộn hơn gần trăm năm so với Nhật Bản, những thành công và thất bại trong hoạt động sở hữu trí tuệ của Nhật Bản đã và sẽ luôn là những kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam. Nhật Bản là một trong các đối tác quan trọng, lâu đời và luôn đồng hành với Việt Nam trong sự nghiệp phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ. Đặc biệt từ đầu những năm 2000 đến nay, Cơ quan sáng chế Nhật Bản đã hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện một số dự án lớn nhằm tăng cường năng lực cho toàn hệ thống sở hữu trí tuệ (1). Trong khuôn khổ hợp tác song phương, hằng năm hai cơ quan đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động cụ thể và đa dạng, tác động tới hầu hết các nhóm chủ thể của hệ thống sở hữu trí tuệ. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho thẩm định viên và chuyên gia Việt Nam. một hoạt động được đánh giá là rất hiệu quả và có tác động tới nhiều đối tượng trong xã hội là chuỗi các hội thảo về sở hữu trí tuệ, được triển khai hai năm một lần bắt đầu từ năm 2005.
Chủ đề của mỗi hội thảo được Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất dựa trên nguyên tắc ưu tiên các vấn đề mà Việt Nam quan tâm, muốn học hỏi kinh nghiệm đồng thời là lĩnh vực mạnh của Nhật Bản. Việc lựa chọn chủ đề luôn là vấn đề được hai cơ quan trao đổi và cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Dựa trên các nội dung mà Việt nam đề xuất phía Nhật Bản cử các chuyên gia có chuyên môn sâu để có thể chia sẻ tốt nhất những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam. Từ năm 2005 đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công 8 lần hội thảo, mỗi lần hội thảo được tổ chức hai ngày tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với gần 1.500 lượt người tham dự. Đại biểu tham dự các hội thảo cũng được lựa chọn một cách kỹ lưỡng từ những cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội thảo cũng tạo cơ hội để duy trì mối liên hệ giữa các học viên, cán bộ từng tham gia các khóa đào tạo tại Nhật Bản (2). Hội thảo chính là diễn đàn mở để họ chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn và những kiến thức đã được tiếp cận trong những khóa học tại Nhật Bản.
Hội thảo đầu tiên tổ chức năm 2005 với chủ đề “Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ”. Tại hội thảo này các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ từ góc độ doanh nghiệp cũng như các cơ quan thực thi, đặc biệt là vai trò của cơ quan cảnh sát trong hoạt động truy quét tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - vấn đề mà Việt Nam còn rất thiếu cả về lý luận và thực tiễn.
Hội thảo tổ chức năm 2007 với chủ đề “Chiến lược Nhãn hiệu nổi tiếng và Thương hiệu”. Vấn đề nhãn hiệu nổi tiếng là vấn đề hầu hết các nước đều quan tâm và có sự khác nhau trong quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng. Việt Nam mặc dù có nhiều sản phẩm tốt, uy tín, đặc biệt là các đặc sản địa phương, tuy nhiên chưa thực sự có nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, có uy tín trên thế giới, nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam còn chưa biết cách tạo dựng và bảo vệ một cách hiệu quả nhãn hiệu nổi tiếng. Các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý Việt Nam về kinh nghiệm xây dựng chiến lược tạo dựng và sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng, thương hiệu một cách hiệu quả nhằm phục vụ phát triển kinh tế quốc gia.
Năm 2009, chủ đề hội thảo được lựa chọn là “Quyền sở hữu trí tuệ: Hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học/viện nghiên cứu trong việc bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ”. Sở hữu trí tuệ với vai trò là một công cụ quan trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, triển khai và thương mại hóa của các tổ chức nghiên cứu, cần được triển khai như thế nào và các mô hình hợp tác giữa trường đại học/viện nghiên cứu và các doanh nghiệp là những nội dung mà các đại biểu rất quan tâm. Thực tiễn của Nhật Bản cũng như kinh nghiệm các nước được chuyên gia trình bày tại hội thảo đã được Việt Nam tiếp thu và lựa chọn triển khai trong những năm gần đây, cụ thể là mạng lưới IP-Hub và TISC đã được WIPO hỗ trợ hình thành ở Việt Nam và dần mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động.
Với mục đích trao đổi kinh nghiệm làm thế nào để sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ đắc lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đưa ra những khó khăn trong hoạt động xác lập quyền để tìm ra hướng khắc phục. Chủ đề hội thảo được lựa chọn năm 2011 là “Quan hệ giữa Cơ quan sở hữu trí tuệ, đại diện sở hữu trí tuệ và người nộp đơn trong việc nâng cao hiệu quả xác lập quyền sở hữu trí tuệ”. Từ thực tiễn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của người nộp đơn, nghiệp vụ tư vấn, đại diện của các tổ chức, cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp các đại biểu đã nêu ra những bất cập trong quá trình xác lập quyền, đồng thời chuyên gia Nhật Bản trình bày kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản. Các ý kiến tại hội thảo là nguồn thông tin quý giá để Cục Sở hữu trí tuệ nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện quy trình xác lập quyền để tạo điều kiện hơn nữa cho người nộp đơn và nâng cao chất lượng xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ là một khâu quan trọng trong vận hành hệ thống sở hữu trí tuệ, là bước quan trọng để xác định căn cứ pháp lý cho các chủ thể quyền. Tuy nhiên sau khi xác lập quyền mà các chủ thể có liên quan không biết cách quản lý và khai thác, thương mại hóa kịp thời, hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ thì khâu xác lập quyền sẽ không có ý nghĩa. Thực tiễn đã cho thấy hoạt động quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ ở Việt Nam, đặc biệt là trong tổ chức nghiên cứu còn chưa được chú trọng, trong khi vấn đề khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ là một trong những thế mạnh của Nhật Bản. Với mong muốn tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ cũng như kinh nghiệm quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các tổ chức nghiên cứu ở Nhật Bản, chủ đề hội thảo năm 2013 được lựa chọn là “Quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu”. Đại biểu tham dự là các nhà quản lý và chủ thể sáng tạo đánh giá cao kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực thương mại hóa tài sản trí tuệ cũng như các nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu sáng tạo vào sản xuất.
Trong bối cảnh hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng đồng thời với trình độ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như của các nước đều phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Chủ đề về “Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” một lần nữa được chọn cho Hội thảo năm 2015. Nội dung được trình bày tại hội thảo này tập trung vào những thách thức đặt ra cho hoạt động thực thi trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hướng khắc phục. Các vụ việc điển hình về xử lý xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu tại Nhật Bản là kinh nghiệm hay cho lực lượng thực thi của Việt Nam. Các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam thảo luận rất sôi nổi để đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Nhật Bản cũng là một trong số các nước hằng năm có số lượng đơn đăng ký sáng chế và kiểu dáng công nghiệp nhiều nhất vào Việt Nam, điều này cho thấy các sáng chế và kiểu dáng công nghiệp có nhiều tiềm năng được khai thác và thương mại hóa ở Việt Nam. Để tạo cơ hội cho các thẩm định viên sáng chế, các nhà tư vấn, đại diện sở hữu công nghiệp, cũng như các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về công nghệ mới của Nhật Bản nhằm nâng cao chất lượng xử lý đơn và cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh, hội thảo năm 2017 được tổ chức với chủ đề “Xu hướng phát triển và thương mại hóa công nghệ của Nhật Bản được cấp bằng sáng chế đầu thế kỷ 21”. Mặc dù các cơ quan, tổ chức hữu quan rất nỗ lực trong hoạt động tuyên truyền nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa định hình rõ các tài sản trí tuệ của mình, chưa biết ứng dụng các kiến thức về sở hữu trí tuệ vào hoạt động nghiên cứu triển khai, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các viện nghiên cứu, các trường đại học, nơi mà rất nhiều những người có năng lực sáng tạo nhưng chưa biết tận dụng thế mạnh của sở hữu trí tuệ, nhất là hệ thống thông tin sáng chế cho hoạt động nghiên cứu. Tại hội thảo này, Nhật Bản đã mời những doanh nghiệp lớn và thành công trong việc áp dụng kiến thức sở hữu trí tuệ vào kinh doanh như Honda, Canon… đến chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tiếp nối thành công của các hội thảo trước, theo kế hoạch đã được hai bên thống nhất, năm 2019 hội thảo sẽ được tổ chức vào tháng 10 cũng tại hai địa điểm: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng và lan rộng, tác động tới toàn thế giới, hoạt động sở hữu trí tuệ của tất cả các nước không thể nằm ngoài xu thế cần được phát triển liên tục để đảm bảo kịp thời bảo hộ các công nghệ mới ra đời. Chính vì vậy Ban tổ chức đã thống nhất chủ đề của hội thảo năm nay là “Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Với kỳ vọng các chuyên gia trình bày tại hội thảo sẽ đánh giá một cách toàn diện tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế xã hội nói chung và hệ thống sở hữu trí tuệ nói riêng, từ đó rút ra được những bài học hữu ích từ kinh nghiệm của các nước trong xử lý những vấn đề mới phát sinh từ sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, ví dụ như: các đối tượng mới của quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề chủ thể quyền, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường internet...
Bên cạnh các hoạt động hợp tác khác với các đối tác Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam luôn đánh giá cao và coi trọng việc tổ chức định kỳ các hội thảo này bởi sự lan tỏa rộng rãi được tới tất cả các chủ thể có liên quan trong hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam và là diễn đàn mở để có thể liên tục cập nhật cả lý luận và thực tiễn về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Kinh nghiệm của Nhật Bản luôn là hữu ích và phù hợp với Việt Nam và hy vọng hoạt động này sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả trong các năm tiếp theo.
(1) Cụ thể là, Dự án Xây dựng hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp (MOIPA: giai đoạn 2000 – 2004); Dự án Ứng dụng thông tin sở hữu công nghiệp tại Việt Nam (UTIPINFO: giai đoạn 2005 – 2009); Dự án Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (giai đoạn 2012 – 2017);
(2) Trong vòng hơn 20 năm qua, Nhật Bản đã đào tạo về sở hữu trí tuệ cho hàng nghìn học viên đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó đã tiếp nhận và đào tạo được gần 700 cán bộ từ Việt Nam sang Nhật Bản, đa số những cán bộ này sau khi trở về nước là những nhân sự nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sở hữu trí tuệ).
Một số hình ảnh của các hội thảo:
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tin mới nhất
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Thông báo Mở khóa đào tạo trực tuyến Tổng quan về Sở hữu trí tuệ năm 2024 (đợt 2)
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
- Tập huấn tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Các tin khác
- Khai giảng lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ thuộc Mạng lưới TISC và IP-HUB
- Hội thảo "Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Phát triển kinh tế - xã hội"
- Lồng ghép Chiến lược sở hữu trí tuệ với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ
- Chung kết cuộc thi “Sinh viên nhận diện, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”
- Tọa đàm “Quyền Sở hữu trí tuệ trong kinh doanh công nghệ và thủ tục đăng ký sáng chế”