Th 5, 17/02/2022 | 15:25 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền về sở hữu trí tuệ: Thích ứng linh hoạt trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Năm 2021, hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền về sở hữu trí tuệ (SHTT) chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để Cục SHTT đổi mới nội dung hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền, đa dạng về hình thức thích ứng linh hoạt trong bối cảnh phải đối phó với làn sóng dịch bệnh diễn biến bất thường.

1. Hoạt động nghiên cứu: hướng đến phục vụ công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT     
 
Với định hướng phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia toàn diện, đồng bộ và hiệu quả, Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã đề ra các  nhiệm vụ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội. Nhằm thực hiện nhiệm vụ này, năm 2021 Cục SHTT đã tăng cường nguồn lực cho công tác nghiên cứu, tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ và năm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện để đề xuất sửa đổi các nội dung bất cập trong Luật SHTT hiện hành; nghiên cứu về các giải pháp nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống SHTT; đề xuất các giải pháp, hình thức tuyên truyền về SHTT dành cho học sinh tiểu học và trung học… hướng tới tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội.
 
2. Hoạt động đào tạo, tập huấn về SHTT: đáp ứng nhu cầu của xã hội và thích ứng với tình hình thực tế          
 
Đào tạo, tập huấn kiến thức về SHTT
 
Công tác phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu hạn chế các hoạt động tập trung đông người làm gián đoạn các hoạt động đào tạo, tập huấn trong năm 2021. Cục SHTT cũng phải giảm số lượng các hoạt động tập huấn đã linh hoạt chuyển đổi hình thức tập huấn, nỗ lực duy trì việc đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức về SHTT cho các nhóm học viên liên quan trực tiếp tới lĩnh vực SHTT chính như cán bộ cơ quan quản lý về KH&CN và SHTT tại các địa phương, trường đại học/viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
 
 
Các khoá học được tổ chức bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Việc chuyển đổi hình thức tổ chức, khác với hình thức đào tạo trực tiếp như truyền thống đòi hỏi Cục phải sự điều chỉnh thời lượng, nội dung giảng dạy, công tác quản lý lớp học để đảm bảo được chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Nhìn chung Cục SHTT đã đảm bảo được chất lượng của các lớp học này và tổ chức được 21 khoá tập huấn, bồi dưỡng thu hút khoảng 2.000 lượt người tham dự.
 
 
Cục SHTT đã tổ chức 3 khoá “Tổng quan về SHTT” trên Cổng Đào tạo trực tuyến, thu hút sự tham gia của khoảng 800 học viên (được xây dựng từ năm 2020, Cổng Đào tạo trực tuyến của Cục SHTT bắt đầu chính thức vận hành vào tháng 4/2021 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng trong việc tăng cường kiến thức về SHTT). Đây là khóa học của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho phép Cục SHTT triển khai phiên bản tiếng Việt (khóa DL 101). Qua ba khoá học, Cổng Đào tạo trực tuyến đã nhận được sự phản hồi tích cực của đông đảo người dùng và mong muốn Cục SHTT tiếp tục phát triển các khóa đa dạng, phong phú và chuyên sâu hơn đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng xã hội muốn nâng cao kiến thức về SHTT.     
 
Tập huấn cho các địa phương
 
Để hỗ trợ các địa phương chủ động sử dụng hiệu quả hệ thống SHTT cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Cục SHTT tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý về SHTT tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về SHTT. Năm 2021, Cục SHTT đã phối hợp với địa phương tổ chức được 8 lớp với gần 1.000 lượt người tham dự tại một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Cần Thơ, Lào Cai, Lâm Đồng. 
 
Cục SHTT cũng phối hợp với một số trường đại học tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về SHTT như: phối hợp với Trường đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tổ chức 1 lớp tập huấn kiến thức về SHTT cho đối tượng là sinh viên và 1 lớp tập huấn kiến thức dành cho giảng viên; phối hợp với Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh chiêu sinh và đang triển khai 2 khóa đào tạo chuyên sâu về SHTT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dành cho nhóm chủ thể cần trang bị các kiến thức và kỹ năng để thực hiện hoạt động tư vấn về sở hữu trí tuệ, đại diện sở hữu công nghiệp.
 
Đào tạo chuyên môn cho cán bộ Cục SHTT
 
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Cục SHTT, bên cạnh việc thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo quốc tế, Cục SHTT tổ chức 1 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và 1 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, lãnh đạo cấp phòng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc cho cán bộ.
 
3. Hoạt động tuyên truyền: tiếp tục đổi mới về cách thức tuyên truyền
 
Trước sự phức tạp của dịch Covid-19, công chúng khó tiếp cận được các nguồn thông tin truyền tải theo hình thức truyền thống, Cục SHTT đã chủ động chuyển hướng sang tuyên truyền theo phương thức đa phương tiện, ứng dụng các công nghệ hiện đại, giúp nhiều người có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi. Nhằm giúp công chúng dễ dàng tiếp cận, cập nhật các quy định pháp luật, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Cục SHTT đã và đang xây dựng các tài liệu tuyên truyền dưới các định dạng kỹ thuật số như video, tệp tài liệu điện tử để đưa lên Cổng thông tin của Cục SHTT. Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Cục SHTT cũng đang đề xuất xây dựng các sách, tài liệu tham khảo cho doanh nghiệp.
 
Hưởng ứng chủ đề ngày SHTT Thế giới (26/4) năm 2021 là “Sở hữu trí tuệ & Doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Cục SHTT đã đăng tải các bài viết nhằm cung cấp, hỗ trợ thông tin về SHTT hướng đến các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thông qua trang tin điện tử. Tại TP. Hồ Chí Minh, Cục SHTT đã phối hợp cùng với Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP” thu hút đông đảo sinh viên các trường ở khu vực phía nam tham gia.
 
Trong khuôn khổ của Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest Việt Nam 2021, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Trường đại học Hồng Đức và Trường đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo: “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu” ở cả ba miền Bắc, Trung nam. Ngoài ra, Cục SHTT thiết kế và mở một gian hàng trực tuyến trong khuôn khổ triển lãm thực tế ảo Techfest247 để cung cấp thông tin và hỗ trợ giải đáp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Hình thức này được công chúng quan tâm và có những phản hồi tích cực. Đây cũng sẽ là xu hướng để thực hiện cho các hoạt động tương tự trong thời gian tới.
 
Sử dụng nền tảng công nghệ kết nối và tương tác từ xa đã trở thành xu thế chủ đạo và được các tổ chức quốc tế (WIPO, EUIPO, ARISE+IPR, IP Key SEA…) khai thác nhằm tăng cường, phủ rộng hơn nữa hoạt động truyền thông, tuyên truyền, hợp tác trao đổi chuyên môn giữa các quốc gia về SHTT trong tình hình mới. Nắm bắt được những thông tin này, Cục SHTT tích cực tham gia các hội thảo chuyên môn và kịp thời truyền thông  về các sự kiện hội thảo, tọa đàm, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận và tham gia các hội thảo trực tuyến quốc tế để tăng cường các kiến thức, thông tin về các lĩnh vực của SHTT. 
 
Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tập huấn và tuyên truyền về SHTT trong năm vừa qua đã được triển khai một cách tích cực, hiệu quả và có điều chỉnh về hình thức một cách linh hoạt, kịp thời thích ứng với yêu cầu chống dịch Covid-19 và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trong thời gian tới, cục SHTT sẽ tiếp tục tìm những hình thức  đào tạo, tập huấn và tuyên truyền về SHTT phù hợp và linh hoạt hơn nữa để đáp ứng  nhu cầu của xã hội.
 
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn