Th 4, 08/03/2023 | 14:02 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ

Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn được Cục Sở hữu trí tuệ chú trọng và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Năm 2022, công tác này đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ, trong đó điểm nhấn là việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022.

1. Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật quốc gia

Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Do có tầm quan trọng và sức ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của hoạt động sở hữu trí tuệ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã được chuẩn bị một cách bài bản. Từ năm 2020, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được xây dựng. Sau khi Hồ sơ dự án Luật được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), trong năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức các hoạt động tham vấn về dự án Luật, tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật, cụ thể:

- Tổ chức, tham gia các Hội thảo “Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” tại các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành lập các đoàn khảo sát thực tế tìm hiểu nhu cầu thực tế, những vấn đề được các cộng đồng, đoàn thể xã hội quan tâm… để phục vụ hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại một số địa phương như Hải Dương, Thái Bình, Cần Thơ, v.v. (tháng 4/2022);

- Tham dự, chuẩn bị tài liệu cho Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự các cuộc họp, Hội nghị liên quan, như: phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 02/2022), Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (tháng 3/2022), Hội thảo góp ý dự án Luật do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức (tháng 4/2022); họp Đảng đoàn Quốc hội (tháng 5/2022);

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua (tháng 6/2022).

Ngày 16/6/2022, dự án Luật đã được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với kết quả 95,58% đại biểu biểu quyết tán thành. Sau khi được Quốc hội thông qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với dự thảo Luật trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực. Ngày 28/6/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Lệnh số 07/2022/L-CTN công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Được đánh giá là lần sửa đổi toàn diện nhất từ trước đến nay với 102 điều được sửa đổi, bổ sung, Luật Sở hữu trí tuệ ngày một thúc đẩy các hoạt động sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Với những nét mới đó, Luật được kỳ vọng không chỉ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn có thể giúp hoạt động này tiệm cận hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Để những giá trị mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sớm được lan tỏa, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến Luật (chủ trì tổ chức 02 hội thảo phổ biến Luật tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật tại các hội thảo, tọa đàm…).

 

Hội thảo phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Hà Nội, ngày 16/8/2022)

 

Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ

Là bước quan trọng tiếp theo của công tác xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ, việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sẽ đem cơ hội thúc đẩy những đổi mới vào thực tiễn. Do đó, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đó là

Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; và Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định (Thông tư thay thế Thông tư 01/2007/TT-BKHCN) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (Hà Nội, ngày 13/09/2022)

 

Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (Hà Nội, ngày 13/9/2022)

 

Công tác hướng dẫn thực hiện pháp luật về sở hữu trí tuệ

Là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ thường xuyên thực hiện việc giải thích, giải đáp và đề xuất việc thống nhất cách hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đó là các việc như đề xuất phương án cấp bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích dưới dạng điện tử; cách thức/thủ tục xác định phạm vi bảo hộ của điểm yêu cầu phụ thuộc trong bằng độc quyền sáng chế; việc áp dụng Điều 60.3 liên quan đến tính mới của sáng chế của Luật Sở hữu trí tuệ; về đơn PCT quá hạn vào pha quốc gia; việc sử dụng logo chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản tại Việt Nam; quy định liên quan đến bản dịch tiếng Việt của tài liệu nước ngoài; hướng dẫn nội dung đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu ứng dụng VNeID thuộc hệ thống định danh và xác thực điện tử; ghi nhận các thay đổi về tên, địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ trong văn bằng bảo hộ  thuộc hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;…

Xây dựng, góp ý dự thảo các văn bản pháp luật liên quan

Song song với việc xây dựng các văn bản pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ còn thường xuyên tham gia, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Năm 2022, Cục đã góp ý kiến (bằng văn bản và/hoặc tham gia các cuộc họp) cho dự thảo của 18 văn bản pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành, bao gồm: 01 đạo luật, 04 nghị định, 04 Thông tư, 09 Nghị quyết, Tờ trình, Chiến lược, Quyết định trong đó nhiều văn bản có nội dung về sở hữu trí tuệ hoặc trực tiếp áp dụng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng tham gia rà soát, góp ý cho các dự thảo báo cáo rà soát văn bản pháp luật, như Báo cáo tình hình xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo kiến nghị, phản ánh; rà soát, xử lý hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ…

 

2. Xây dựng chính sách, pháp luật quốc tế

Trong năm 2022, công tác pháp chế và chính sách quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ được triển khai đa dạng ở nhiều nhóm nội dung và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bao gồm:

Đàm phán, ký kết, phê chuẩn các điều ước quốc tế về/liên quan đến sở hữu trí tuệ

Trong năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã tham gia chủ trì nội dung sở hữu trí tuệ trong đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh, cụ thể là: tham gia các phiên họp trực tuyến Nhóm chuyên gia sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP với Vương quốc Anh; cho ý kiến về các đề xuất của Vương quốc Anh, về Ký thư song phương với Vương quốc Anh trong khuôn khổ đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, Cục đã cử đại diện tham gia Đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Canada; tham gia góp ý cho dự thảo Thư trả lời Thụy Sỹ về đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu EFTA; tham gia đóng góp ý kiến cho các cơ quan có liên quan của Việt Nam về đàm phán nâng cấp Hiệp định ASEAN - Australia - Niu Di-lân, đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu EFTA và nghiên cứu khả năng đàm phán FTA Việt Nam – Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.

 

Bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế về SHTT

Trong năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế (Kế hoạch đã được ban hành theo Quyết định số 813/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Trên cơ sở đó, Cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong Bộ xây dựng và trình ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp ước Budapest của Bộ KH&CN (Kế hoạch này đã được ban hành theo Quyết định số 1957/QĐ-BKHCN ngày 03/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã tham gia tích cực vào việc triển khai các nội dung về SHTT theo các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP. Đặc biệt, trong khuôn khổ thực thi Hiệp định EVFTA, với vai trò là cơ quan đầu mối của Nhóm làm việc về sở hữu trí tuệ, bao gồm chỉ dẫn địa lý (IP-GIWG) của EVFTA, Cục đã cùng với các đại diện phía EU tổ chức Phiên họp IP-GIWG lần thứ hai dưới hình thức trực tuyến; ngoài ra đã tham gia các phiên họp cấp kỹ thuật triển khai Hiệp định, các phiên họp của Ủy ban Thương mại hàng hóa, Ủy ban Thương mại của Hiệp định. Trong khuôn khổ thực thi Hiệp định UKVFTA, Cục cũng đã cùng với các đại diện phía Vương quốc Anh tổ chức phiên họp IP-GIWG lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến. Tại các phiên họp này, Cục đã cung cấp, cập nhật thông tin cho các đối tác (EU, Vương quốc Anh) về những thay đổi mới trong chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến thực thi cam kết theo Hiệp định…

Ngoài ra, Cục đã cung cấp thông tin với Ban Thư ký WTO phục vụ cho việc xây dựng báo cáo định kỳ về rà soát thương mại của Việt Nam; và tham gia góp ý, xây dựng các văn kiện hợp tác giữa Cục với một số đối tác quốc tế như ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, WIPO,...

Phòng Pháp chế và Chính sách