Th 2, 28/10/2019 | 22:04 CH
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
Nhu cầu nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ của các viện, trường
Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE)” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN và Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 28-31/10/2019.
Làm thế nào để các viện, trường vượt qua được khoảng cách rất lớn để đưa kết quả nghiên cứu khoa học trở thành sản phẩm, dịch vụ thương mại trên thị trường, và kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia cũng như các thành tố khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo? Đây là câu hỏi chính được nhiều cử tọa quan tâm trong hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE)” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN và Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức từ ngày 28-31/10/2019.
Hội thảo có sự tham dự của ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Đinh Văn Phong, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội; ông Fumio Ishitsuka, chuyên gia bộ phận Hỗ trợ hợp tác, WIPO; bà Yumiko Hamano, chuyên gia tư vấn về sở hữu trí tuệ, thành viên ET Cube International, Pháp; ông Richard S. Cahoon, chủ tịch công ty BioProperty Strategy Group Inc., Giáo sư kiêm nhiệm Chương trình quốc tế của Đại học Cornell, Mỹ; bà Elizabeth Ritter, chuyên gia tư vấn độc lập và giám đốc kỹ thuật của FORTEC; các đại biểu đến từ các viện/trường thành viên dự án EIE và một số viện/trường/doanh nghiệp khác.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu
Nhu cầu từ những đơn vị “vẫn đang loay hoay”
“Trường đại học Bách khoa Hà Nội thuộc tốp 400 trường đại học hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật và thuộc tốp 500 nếu chỉ xét riêng về khoa học máy tính và luôn chú trọng vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ”, ông Đinh Văn Phong, phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa phát biểu tại Hội thảo. Cụ thể là từ năm 2008 trường đã thành lập công ty BK-Holding để chuyển giao công nghệ và cách đây vài tuần đã thành lập ban chuyển giao công nghệ riêng. Nhưng vấn đề đặt ra là năng lực quản trị tài sản trí tuệ của trường – theo ông Phong là “vẫn còn yếu”, nên cán bộ quản lý khoa học của trường có mặt tại hội thảo với kỳ vọng nghe các chuyên gia WIPO phân tích những vấn đề đặt ra, từ đó không chỉ “giúp trực tiếp những người làm công tác chuyển giao công nghệ ở trường” mà còn “giúp trường có định hướng chiến lược chung”.
Ông Đinh Văn Phong, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu
Cùng có kỳ vọng được nghe phân tích của các chuyên gia WIPO nhưng ở khía cạnh giải quyết cho những trường hợp tư vấn cụ thể, ông Trần Văn Nam, Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết một khách hàng của ông đã được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế, được chuyên gia nước ngoài định giá dây chuyền công nghệ trị giá lên tới hàng triệu USD nhưng lại đang loay hoay trong việc thương mại hóa sản phẩn công nghệ của mình.
Hai câu chuyện đó mới chỉ là những ví dụ tiêu biểu cho những nhu cầu đa dạng của các cử tọa tham dự Hội thảo lần này. Các cử tọa khác đến từ các bộ phận chuyển giao công nghệ hoặc quản lý khoa học của nhiều viện, trường đã có những kết quả nghiên cứu được đánh giá rất tốt như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Y Dược TP HCM, … cho đến các doanh nghiệp KH&CN như Sao Thái Dương đều không chỉ muốn nghe về quản trị tài sản trí tuệ nói chung mà còn cần thảo luận về từng khía cạnh cụ thể mà đơn vị mình mắc phải trong quá trình thương mại hóa các tài sản trí tuệ.
Không chỉ trang bị phương pháp luận nói chung
Để đáp ứng nhu cầu đó của các cử tọa tham dự, Hội thảo sẽ gồm một số chủ đề nổi bật như: Môi trường sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước; Hướng dẫn chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ đối với viện trường; Tổ chức và quản trị các văn phòng chuyển giao công nghệ; Xây dựng quy trình/hệ thống công bố sáng chế; Các cách thức bảo vệ tài sản trí tuệ; Các chính sách về sở hữu trí tuệ và những vấn đề quyền sở hữu, chia sẻ lợi ích, hợp tác với các công ty tư nhân; Chiến lược về tài sản trí tuệ; Đánh giá, định giá các sáng chế, công nghệ; Tìm hiểu các đối tác thương mại tiềm năng để li-xăng; Phát triển chiến dịch marketing công nghệ; Phương thức hợp tác đại học – ngành công nghiệp trong hoạt động nghiên cứu phát triển.
Vì vậy, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ ở các viện, trường như ông Richard S. Cahoon từng có kinh nghiệm điều hành trung tâm chuyển giao công nghệ ở Đại học Cornell, Mỹ, bà Elizabeth Ritter đã tư vấn chuyển giao công nghệ từ thời điểm Brazil thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ đầu tiên, bà Yumiko Hamano, chuyên gia tư vấn về sở hữu trí tuệ và ông Fumio Ishitsuka, chuyên gia của WIPO sẽ chia sẻ các kinh nghiệm, bài học quý báu về quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ. Ngoài ra, các chuyên gia sẽ trao đổi về “kinh nghiệm ở các quốc gia có điều kiện tốt như Mỹ cũng như các nước có điều kiện tương tự Việt Nam, chỉ rõ những mô hình nào hiệu quả trong từng trường hợp cụ thể”, ông Richard S. Cahoon nói.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Thời gian bốn ngày (từ 28 đến hết 31/10) sẽ cung cấp cả các “buổi tư vấn trực tiếp” về thương mại hóa công nghệ cho các viện trường chứ không chỉ là “các vấn đề phương pháp luận” nói chung, ông Phan Ngân Sơn, phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết.
Hội thảo này là hoạt động đầu tiên kể từ khi WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ chính thức ký kết thỏa thuận triển khai Dự án “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo” vào 30-9-2019 tại Geneva. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ của các viện nghiên cứu và trường đại học trong hoạt động nghiên cứu/sáng tạo, đăng ký và thương mại hóa các sáng chế, cũng như chuyển giao công nghệ. Dự án sẽ thiết lập một Mạng lưới các chuyên gia về công nghệ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng về sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực có liên quan khác, cũng như xây dựng được một hệ thống Trục xoay và các Nan hoa (IP-HUB), trong đó Cục Sở hữu trí tuệ đóng vai trò là Trục, còn các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp đóng vai trò là Nan hoa. Dự án sẽ được triển khai trong vòng 05 năm từ 2019 đến 2023.
Tính đến hết tháng 9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã kết nối được mạng lưới gồm 59 viện/trường tham gia vào Dự án Mạng lưới các trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (TISC) do WIPO chủ trì, đặc biệt từ đầu năm 2019 đến nay đã có 14 đơn vị tham gia thêm vào mạng lưới. Trong số các thành viên TISC này, WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ đã lựa chọn 10 viện/trường thành viên tham gia Dự án “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo-EIE”. Các Nan hoa sẽ được WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ tốt nhất trong các hoạt động về sở hữu trí tuệ, trong đó đặc biệt tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ, hoặc được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp bởi các chuyên gia WIPO. |
Cục Sở hữu trí tuệ
PV: Thu Quỳnh
Tin mới nhất
- Hội thảo trực tuyến Khởi động Chương trình Cố vấn từ xa hỗ trợ thương mại hóa Công nghệ và Tài sản trí tuệ
- Mạng lưới TISC và IP-HUB: Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học
- Cục Sở hữu trí tuệ và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Hợp tác để phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ
- Cầu nối nghiên cứu đến thị trường
- Mạng lưới TISC và IP-HUB: Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học
Các tin khác
- Hội thảo "Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Phát triển kinh tế - xã hội"
- Chiến lược Sở hữu trí tuệ cho các viện/trường trong xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo
- Triển khai các hoạt động xây dựng dự án “Khởi tạo môi trường Sở hữu trí tuệ” do WIPO tài trợ
- Hội thảo Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của trường đại học và viện nghiên cứu