Th 6, 28/10/2022 | 16:31 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Hội thảo về Hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu

Ngày 26/10/2022, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu” với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục SHTT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và gần 150 đại biểu đến từ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên toàn quốc tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo một diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động sở hữu trid tuệ (SHTT) giữa các thành viên trong và ngoài Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC - Technology and Innovation Support Centers), đồng thời cũng là cơ hội để các bên đưa ra kiến nghị, đề xuất phục vụ việc xây dựng kế hoạch hoạt động tiếp theo cho Mạng lưới trong giai đoạn mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh việc nâng cao năng lực SHTT cho các trường đại học, viện nghiên cứu với các mô hình quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) phù hợp đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Điều này đòi hỏi các thành viên của Mạng lưới TISC phải hoạt động tích cực, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, giải quyết vấn đề thương mại hóa các TSTT, nâng cao vị thế và uy tín của các trường đại học, viện nghiên cứu. Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, Cục SHTT sẵn sàng phối hợp, chia sẻ, đồng hành cùng các trường đại học, viện nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động SHTT ở đơn vị mình nhằm đóng góp vào sự phát triển khoa học – công nghệ của đất nước.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì hội thảo

 

Phát triển Mạng lưới TISC của Việt Nam bắt đầu được Cục SHTT triển khai từ năm 2010 theo mô hình của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO). Mục tiêu ban đầu của mạng lưới là tập trung hỗ trợ đào tạo, tập huấn về SHTT và tra cứu thông tin sáng chế cho các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm gia tăng số lượng đơn đăng ký và bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích của Việt Nam. Số liệu đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế của Việt Nam gia tăng trong những năm qua có sự đóng góp đáng kể của các trường đại học, viện nghiên cứu và sự tích cực thúc đẩy hoạt động SHTT của các thành viên Mạng lưới. Theo kết quả rà soát mới nhất từ Cục SHTT, tính đến ngày 30/9/2022 có 45 đơn vị xác nhận tham gia Mạng lưới, trong đó có 42 trường/viện và 03 doanh nghiệp. Cùng với nhu cầu phát triển và đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới, Cục SHTT với vai trò là cơ quan điều phối hoạt động chung của Mạng lưới TISC sẽ định hướng kế hoạch hoạt động trong những năm tiếp theo với các cấp độ khác nhau phù hợp với các thành viên tham gia, đặc biệt là sẽ đề xuất với WIPO hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các hoạt động của Mạng lưới. Tuy nhiên, vai trò của các đầu mối được chỉ định của từng thành viên cũng như sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo từng đơn vị mới là yếu tố quyết định hiệu quả của hoạt động SHTT.

Hội thảo cũng được lắng nghe tham luận, chia sẻ của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM về kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động SHTT của đơn vị và đề xuất hoạt động cho các thành viên Mạng lưới TISC. Thực tiễn chia sẻ đều cho thấy bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung, các trường đại học, viện nghiên cứu cần thành lập bộ phận và có cán bộ chuyên trách về SHTT để hỗ trợ các nhà khoa học cũng như quản trị TSTT của trường một cách kịp thời và đầy đủ. Chuyên gia về kiểm định cơ sở giáo dục đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thông tin về tiêu chí đánh giá hoạt động SHTT trong tổng thể các tiêu chí đánh giá chất lượng đối với việc kiểm định cơ sở giáo dục đại học. Thực tiễn đánh giá tại nhiều cơ sở đào tạo đại học thì tiêu chí về SHTT chưa được quan tâm đúng mức và điểm đánh giá chưa cao trong thời gian qua.

Các diễn giả trình bày tại Hội thảo

 

Phần thảo luận với ý kiến đến từ nhiều đại biểu đều khẳng định hoạt động SHTT đã và đang được các trường, viện quan tâm chú trọng phát triển, bằng chứng là số lượng đơn đăng ký và bằng sáng chế/giải pháp hữu ích của các trường, viện có xu hướng tăng, tuy nhiên việc quản trị, khai thác các TSTT, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong trường, viện vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ những thách thức, hạn chế đó các chuyên gia cũng đưa ra những đề xuất để triển khai hoạt động SHTT như: xây dựng và thực thi có hiệu quả các chiến lược, chính sách phát triển TSTT; thành lập bộ phận chuyên trách SHTT và quản trị TSTT; quy định “đầu ra về TSTT” đối với các nghiên cứu ứng dụng; tăng cường hợp tác, kết nối với doanh nghiệp,… Nhiều đại biểu đề nghị Cục SHTT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động thiết thực và thường xuyên hơn nữa, cần phân nhóm lĩnh vực đối tượng đào tạo, tập huấn và hỗ trợ cũng như tạo nhiều cơ hội để các trường đại học, viện nghiên cứu chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Hội thảo kết thúc với sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự. Các ý kiến đóng góp, chia sẻ tại Hội thảo được Cục SHTT ghi nhận để có những đề xuất, giải pháp phù hợp tăng cường hoạt động cho Mạng lưới TISC cũng như hoạt động SHTT của các trường đại học, viện nghiên cứu trong thời gian tới.

Thông tin chi tiết liên quan đến Mạng lưới TISC:

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn - Cục Sở hữu trí tuệ

Điện thoại: 0243.8583069 (4165, 4166)

Email: trungtamndht@ipvietnam.gov.vn

Trung tâm Nghiên Cứu, Đào Tạo và Hỗ Trợ, Tư Vấn