Th 2, 29/01/2018 | 17:18 CH
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Mường Lò" cho sản phẩm gạo
Ngày 22/01/2018 Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00061 cho sản phẩm gạo “Mường Lò” nổi tiếng...
Ngày 22/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 264/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00061 cho sản phẩm gạo “Mường Lò” nổi tiếng. Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Câu truyền khẩu “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” từ lâu đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc. Là một trong bốn thung lũng lớn nổi tiếng vì phong cảnh đẹp và khí hậu trong lành, Mường Lò được xếp thứ hai sau Mường Thanh của tỉnh Điện Biên, đứng trên Mường Than thuộc huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu và Mường Tấc thuộc huyện Phù Yên tỉnh Sơn La. Mường Lò là vùng đất dốc tụ được kiến tạo từ hàng triệu năm trước do sông Ngòi Thia, sông Ngòi Nung, sông Suối Đôi và hàng chục dòng suối lớn nhỏ mang phù sa từ trên các sườn núi bồi đắp nên Mường Lò nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, ... . “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” đã thành danh và được nhiều người biết trong văn hóa ẩm thực. Hương thơm của gạo đã bay xa và đã đi vào những vần thơ đẹp:
“Muốn ăn gạo trắng nước trong
Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”
“Mường Lò gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”
Cánh đồng Mường Lò vào mùa lúa chín
Trong cơ cấu giống của Mường Lò, Séng Cù và Hương Chiêm là hai giống lúa hàng hóa chất lượng chủ lực góp phần tạo nên danh tiếng gạo Mường Lò.
Gạo Séng Cù thon dài, hạt chắc, đều, ít bị gãy vỡ. Màu gạo trắng ngà, hơi bóng, mùi thơm đậm và có chiều dài trung bình trong khoảng 6,71 ± 0,2mm. Hàm lượng tinh bột trong khoảng 81,64 ± 1,11%, hàm lượng protein trong khoảng 8,71 ± 0,31%, hàm lượng amyza trong khoảng 17,13 ± 0,31%, nhiệt độ hóa hồ trong khoảng 63 ± 2,1oC.
Gạo và cơm Séng Cù Mường Lò
Gạo Hương Chiêm thon dài, nhỏ, ít bị gãy vỡ. Chiều dài trung bình trong khoảng 5,67 ± 0,13mm. Màu gạo trắng hoặc trắng ngà. Mùi gạo từ thơm nhẹ đến thơm đậm. Hàm lượng tinh bột trong khoảng 82,21 ± 0,78%, hàm lượng protein trong khoảng 8,9 ± 0,31%, hàm lượng amyza trong khoảng 19,08 ± 0,28%, nhiệt độ hóa hồ trong khoảng 66 ± 1,5oC.
Gạo Hương Chiêm - Mường Lò
Danh tiếng của gạo Mường Lò có được là nhờ khu vực địa lý rất thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây lúa gạo và những kinh nghiệm tích lũy được của người dân.
Khu vực địa lý nằm trong vùng đất cổ, được bao bọc bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn, có kiểu địa hình là thung lũng hình lòng chảo, địa hình khá bằng phẳng và nằm ở độ cao dưới 250 mét so với mực nước biển. Tổng lượng mưa bình quân hàng năm 1.400 - 1.600mm. Nhiệt độ trung bình năm là 23,2oC. Độ ẩm trung bình năm dao động trong khoảng 80%. Tổng số giờ nắng trung bình năm là 1800 giờ. Biên độ nhiệt ngày và đêm từ 8 - 14oC. Biên độ nhiệt độ ngày đêm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quang hợp của cây và tích luỹ chất khô của hạt lúa. Chỉ số này cao sẽ thúc đẩy cho quá trình tích lũy protein, chuyển hóa và tích lũy phenol thơm trong hạt thóc. Vì vậy, gạo Séng Cù và Hương Chiêm Mường Lò đều có mùi thơm mạnh và hàm lượng protein cao. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý là đất phù sa được bồi đắp hàng năm và đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước, tầng mùn tương đối dày, tầng dày phong hóa lớn. Thành phần dinh dưỡng của đất thuộc nhóm từ khá đến giàu, trong đó N tổng số từ 0,145 - 0,21%, K2O tổng số từ 1,05 - 1,41%, N dễ tiêu từ 0,142 - 0,21%, chất hữu cơ từ 1,98 - 2,95%, K2O dễ tiêu cao từ 89,51 - 115,46 mg/kg, P2O5 dễ tiêu cao từ 68,08 - 88,35mg/kg. Là đất phù sa glây thường xuyên ứ nước nên pHKCL thấp từ 3,01 - 4,01. Do đất có các thành phần dinh dưỡng quan trọng như N tổng số, N dễ tiêu, K2O tổng số, K2O dễ tiêu, P2O5 dễ tiêu và OM đều thuộc nhóm từ khá đến giàu, đặc biệt là K2O dễ tiêu và P2O5 cao nên khi được trồng tại Mường Lò, các giống lúa thơm như Séng Cù và Hương Chiêm ngoài việc giàu hàm lượng proteine và tinh bột còn có chỉ số mùi thơm cao hơn so với các nơi khác.
Địa hình bằng phẳng và hệ thống thủy lợi của Mường Lò
Kinh nghiệm của người dân cũng góp phần không nhỏ làm cho danh tiếng của gạo Mường Lò ngày càng được nhiều người biết đến. Trải qua quá trình định cư lâu dài tại Mường Lò, người Thái Đen đã có một hệ thống các tri thức bản địa quý giá trong sản xuất lúa, kết hợp với các luật tục trong việc bảo vệ nguồn nước, môi trường, bảo vệ nguồn giống quý hiếm để phát triển nông nghiệp bền vững như hiện nay. Từ lâu, dân tộc Thái đã biết xây dựng hệ thống thủy lợi với mương - phai - lái - lin là một trong những kỹ thuật đạt tới trình độ cao nhất, sớm nhất và chuyên nghiệp trong canh tác lúa. Với công cụ thủ công dao và xẻng, họ đã đào hệ thống mương dẫn nước dài hàng chục cây số để dẫn nước về khắp các ruộng lúa trong vùng. Cùng với mương là phai, hệ thống đập làm bằng tre và đá ngăn nước từ suối dâng lên cao chảy vào các mương đưa nước tới ruộng. Để chia nước vào các ruộng là các lái (mương nhỏ) và lin (ống dẫn nước bằng cây bương, cây vầu tới từng thửa ruộng) dẫn nước tới từng chân ruộng để ruộng nào cũng đủ nước cho lúa. Ngoài ra, người dân còn biết đốt rạ lấy tro tăng độ phì nhiêu cho đất, kỹ thuật thả bèo tấm giữ ấm cho lúa vào mùa đông vẫn được duy trì. Phương pháp chọn ủ và làm phân xanh thay cho các loại phân hóa học vừa phát triển được cây lúa đồng thời bảo vệ được nguồn nước, bảo vệ được môi trường. Bên cạnh kỹ thuật trồng và chăm sóc được tích lũy từ lâu đời, người dân Mường Lò đã tích cực tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch và chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt.
Khu vực địa lý: Phường Trung Tâm, phường Tân An, phường Pú Trạng, phường Cầu Thia, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Phúc, xã Nghĩa Lợi thuộc thị xã Nghĩa Lộ, xã Thanh Lương, xã Thạch Lương, xã Sơn A, xã Hạnh Sơn, xã Phúc Sơn, xã Phù Nham thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Tin mới nhất
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Sơn Tây” cho sản phẩm gà mía
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm quả dừa sáp
- Thông báo tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tại Việt Nam và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm”
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
Các tin khác
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Thẩm Dương" cho sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón
- BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “NINH THUẬN” CHO SẢN PHẨM THỊT CỪU
- Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Sơn la” cho sản phẩm cà phê
- BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “XÍN MẦN” CHO SẢN PHẨM GẠO TẺ GIÀ DUI
- UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đón nhận Nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”
- Thống kê số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháng 05 năm 2024
- Thống kê số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023
- Thống kê số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Quý II năm 2023
- Thống kê số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháng 06 năm 2023
- Thống kê số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháng 05 năm 2023
- Thống kê số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháng 04 năm 2023
- Danh sách nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Thống kê số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Quý I năm 2023
- Thống kê số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháng 03 năm 2023