Th 3, 26/07/2022 | 18:24 CH
Trung tâm Thẩm định Sáng chế: Những dấu ấn phát triển
Trung tâm Thẩm định Sáng chế, tiền thân là Tổ xét nghiệm được công bố thành lập vào ngày 9 tháng 3 năm 1984. Về cơ cấu tổ chức của Trung tâm hiện nay gồm có 06 Phòng chuyên môn (Điện tử - Viễn thông, Cơ khí, Xây dựng – Giao thông, Y – Dược, Sinh học – Nông nghiệp, Công nghệ hóa học – Luyện kim) với tổng số 72 viên chức, người lao động.
Trong suốt quá trình gần 40 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Thẩm định Sáng chế đã từng bước thay đổi, lớn mạnh về tổ chức, đội ngũ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu trong từng thời kỳ, giai đoạn. Dưới đây là những dấu mốc quan trọng trong chặng đường đã qua.
Giai đoạn 1984-1989: Ngày 17/9/1982 Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã ban hành Quyết định số 194/TCCB quy định chức năng và nhiệm vụ của Tổ xét nghiệm, Phòng pháp chế, bảo hộ pháp lý sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá, Phòng quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá thuộc Cục Sáng chế, tuy nhiên đến ngày 09/3/1984, Tổ xét nghiệm mới chính thức được công bố thành lập.
Giai đoạn 1990 - 1992: Phòng sáng chế - Giải pháp hữu ích được thành lập theo Điều 1 Quyết định về cơ cấu tổ chức của Cục Sáng chế được Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước ban hành ngày 29/12/1989.
Một trong các nhiệm vụ chính trong các giai đoạn khởi đầu này là bước đầu định hình về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nghiên cứu xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động sáng kiến, sáng chế. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký xác lập quyền cũng được triển khai, cụ thể là đã tiếp nhận 757 đơn đăng ký sáng chế, 175 đơn đăng ký giải pháp hữu ích, cấp 157 Bằng sáng chế và 92 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Giai đoạn 1993-2004: Cục Sáng chế được đổi tên thành Cục Sở hữu công nghiệp theo Nghị định số 22-CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ và Phòng Sáng chế, Giải pháp hữu ích được thành lập theo Điều lệ về Tổ chức và Hoạt động của Cục Sở hữu Công nghiệp ban hành theo Quyết định số 259/TCCB ngày 08/6/1993 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Trong giai đoạn này, khuôn khổ pháp lý liên quan đến bảo hộ sáng chế tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, cụ thể gồm Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, Thông tư số 30/2003/TT-BKHCN ngày 05/11/2003 hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế/giải pháp hữu ích. Ngày 10/3/1993 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước hợp tác về sáng chế (Patent Cooperation Treaty, viết tắt là PCT), đánh dấu sự hội nhập quốc tế về bảo hộ sáng chế, tạo tiền đề cho việc mở rộng và tăng cường hợp tác với các Cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc gia và khu vực trong các lĩnh vực xây dựng chính sách, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực. Về công tác thẩm định, giai đoạn này ghi nhận sự tăng đáng kể về số lượng đơn nhận và kết quả xử lý, tính chung cả giai đoạn đã tiếp nhận 12.037 đơn đăng ký sáng chế, 994 đơn đăng ký giải pháp hữu ích, cấp 4.575 Bằng độc quyền sáng chế và 347 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Giai đoạn 2005-2017: Cục Sở hữu công nghiệp được đổi tên thành Cục Sở hữu trí tuệ và Phòng Sáng chế và Giải pháp hữu ích được tổ chức lại thành Phòng Sáng chế số 1, Phòng Sáng chế số 2, Phòng Sáng chế số 3.
Với việc Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 (được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 thông qua ngày 19/6/2009) và hệ thống các văn bản hướng dẫn, có thể nói khung pháp lý về Sở hữu trí tuệ nói chung và xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nói riêng đã được định hình và ngày càng hoàn thiện.
Giai đoạn này ghi nhận sự tăng trưởng liên tục hàng năm ở mức cao về số lượng đơn đăng ký với tổng số 48.550 đơn đăng ký sáng chế và 4.211 đơn đăng ký giải pháp hữu ích được tiếp nhận. Năng lực thẩm định cũng được cải thiện rõ nét với 13.452 Bằng độc quyền sáng chế và 1.176 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp (gấp khoảng 3 lần so với giai đoạn trước).
Bên cạnh đó, các hoạt động hội nhập, hợp tác song phương và khu vực về sáng chế cũng được đẩy mạnh, có thể kể đến Chương trình hợp tác thẩm định sáng chế ASEAN, Chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, Dự án Nâng cao năng lực, xây dựng Chương trình đào tạo thẩm định viên sáng chế (ViPET) với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Úc. Các hoạt động này giúp các đơn vị thẩm định thu nhận được nhiều kinh nghiệm, kiến thức quý báu trong việc xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống thẩm định, đồng thời góp phần tạo dựng hình ảnh tích cực với các đối tác khu vực và quốc tế.
Giai đoạn 2018 đến nay: Trung tâm Thẩm định Sáng chế được thành lập theo Quyết định số 2525/QĐ-BKHCN ngày 04/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ trên cơ sở sáp nhập Phòng Sáng chế số 1, Phòng Sáng chế số 2, Phòng Sáng chế số 3 và tổ chức lại thành 06 phòng chuyên môn Phòng Điện tử - Viễn thông, Phòng Cơ khí, Phòng Xây dựng - Giao thông, Phòng Y - Dược, Phòng Sinh học - Nông nghiệp và Phòng Công nghệ hóa học - Luyện kim.
Tập thể viên chức và người lao động Trung tâm Thẩm định Sáng chế
Về nhân lực, Trung tâm hiện có tổng số 72 viên chức và người lao động. Để đáp ứng nhu cầu đăng ký bảo hộ ngày càng tăng, việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực thường xuyên được chú trọng và hiện tại Trung tâm đã hoàn toàn chủ động trong việc đào tạo nội bộ đồng thời tham gia, phối hợp trong các hoạt động đào tạo để nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo hộ sáng chế cho các đối tượng bên ngoài. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục xác lập quyền cũng liên tục được đổi mới theo hướng đơn giản hóa, nâng cao tính phục vụ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký bảo hộ sáng chế. Trung tâm cũng chủ động tham gia và có những đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, các khuôn khổ pháp lý về bảo hộ sáng chế phù hợp, góp phần tạo dựng môi trường khuyến khích, thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các chủ thể, đáp ứng ngày một tốt hơn các nhu cầu phát triển của xã hội.
Về công tác thẩm định, năm 2018 ghi nhận sự bắt đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới về số lượng đơn đăng ký sáng chế. Trong 4 năm từ 2018 đến 2021, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích được tiếp nhận lần lượt là 29.820 và 2.425 đơn. Trong giai đoạn này, với sự quyết tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Cục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, rút ngắn thời gian thẩm định, năng lực thẩm định đã có sự cải thiện rõ nét và có thể thấy được qua số lượng 12.849 Bằng độc quyền sáng chế và 1.185 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp (bằng khoảng 96% tổng số Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cấp trong giai đoạn 13 năm từ 2005 đến 2017).
Kế thừa và phát huy truyền thống và những kết quả tốt đẹp của những chặng đường đã qua, với phương châm năng động, sáng tạo, khoa học, đoàn kết, tập thể viên chức, người lao động của Trung tâm quyết tâm phấn đấu xây dựng Trung tâm ngày càng phát triển, lớn mạnh, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, hiện đại, hoàn thành các mục tiêu, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Trung tâm Thẩm định Sáng chế
Tin mới nhất
- Ấm áp "Bữa cơm Công đoàn"
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng sơn" cho sản phẩm mác mật
Các tin khác
- Việt Nam hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Nâng cao chuỗi giá trị đặc sản địa phương
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh: đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng: Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) hòa nhập với hai đầu đất nước
- Quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương