Th 3, 22/12/2020 | 09:51 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên sâu về sở hữu trí tuệ góp phần thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030

Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là “Chiến lược”) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 là chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT), đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Một trong những mục tiêu lớn được đặt ra trong Chiến lược là “Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT”. Để đạt được mục tiêu này, công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên sâu về SHTT đang trở thành vấn đề cấp thiết, cần được tập trung chú trọng.

 

Dự án “Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung” do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện

 

Xuất phát từ thực tế trên, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, một số dự án đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về SHTT đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt để triển khai thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020, bao gồm: (i) Dự án “Xây dựng và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Sở hữu trí tuệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì; (ii) Dự án “Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung” do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện; (iii) Dự án “Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên” do Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện và (iv) Dự án “Đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa, du lịch” do Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện.

Đào tạo nhân lực về SHTT ở Việt Nam còn nhiều hạn chế

Ở các nước phát triển, việc đào tạo nhân lực về SHTT được thực hiện với hệ thống đồng bộ, nhiều cấp độ và hình thức đào tạo khác nhau. Theo nhu cầu của từng quốc gia, phụ thuộc vào từng cơ sở, việc đào tạo nhân lực về SHTT có thể chỉ dừng ở mức độ là một môn học, hoặc có thể ở các mức độ cao hơn như đào tạo chuyên ngành đại học và sau đại học. Hầu hết các trường đại học của các nước phát triển đều có môn học SHTT trong chương trình một cách độc lập hoặc lồng ghép với các môn học chuyên ngành khác. Hệ thống đào tạo đó góp phần tạo ra mạng lưới nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, là cơ sở nền tảng để thúc đẩy hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia phát triển hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, ở Việt Nam, SHTT mới được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học đào tạo cử nhân luật, nội dung giảng dạy mới chủ yếu dừng lại ở những kiến thức cơ bản chung, chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu dài hạn, chính quy. Cục SHTT, Hội SHTT Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học SHTT… trong khuôn khổ các hoạt động thường xuyên của mình có tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về SHTT nhưng chủ yếu đào tạo theo từng chuyên đề, từng đối tượng sở hữu trí tuệ nhỏ lẻ…

Nhìn chung, việc đào tạo nhân lực nói chung và nhân lực chuyên sâu nói riêng về SHTT ở Việt Nam chưa được tiến hành một cách đồng bộ, quy mô đào tạo nhỏ, chưa mang tính hệ thống, đồng bộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên sâu về SHTT còn thiếu, chỉ có một số lượng nhỏ chuyên gia được đào tạo chính quy ở nước ngoài.

Nhu cầu đào tạo - đặc biệt là đào tạo chuyên sâu rất lớn

Có thể nói, yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công của một hệ thống sở hữu trí tuệ ở một quốc gia là tạo ra sự hiểu biết của công chúng về lợi ích của sở hữu trí tuệ ngay từ giai đoạn đầu. Các hoạt động giảng dạy, đào tạo các kiến thức về sở hữu trí tuệ là một trong những bước hiệu quả nhất góp phần tăng cường nhận thức của các đối tượng khác nhau trong lĩnh vực này.

Thông qua các dự án, gần 2.000 người là giảng viên các trường đại học, các doanh nghiệp và nhóm cán bộ quản lý SHTT đã được điều tra, khảo sát tình hình thực tiễn và nhu cầu đào tạo về SHTT. Kết quả khảo sát từ các dự án nêu trên cho thấy mức độ hiểu biết về pháp luật SHTT đa phần mới dừng lại ở việc nắm bắt được lý thuyết và những quy định cơ bản, chưa có sự tìm hiểu và nghiên cứu sâu về các lĩnh vực của SHTT. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin về SHTT chưa thường xuyên do không tìm được tài liệu chuyên môn, không tìm được các khóa đào tạo/tập huấn phù hợp.

Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức về SHTT là rất cao, tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn thông tin về SHTT còn hạn chế, mới chủ yếu qua các kênh như: báo chí, internet, người quen, bạn bè. Nhu cầu tham gia các khóa đào tạo chuyên môn về sở hữu trí tuệ rất lớn, tuy nhiên, các khóa đào tạo về SHTT hiện nay còn chưa thực sự cập nhật với tình hình thực tế, nội dung đào tạo chưa sát với nhu cầu của các nhóm chủ thể khác nhau trong xã hội. Phần lớn người được khảo sát mong muốn được tham gia các khóa đào tạo/tập huấn về SHTT không những để tìm hiểu, tích lũy và cập nhật lý thuyết về SHTT, mà còn được thực hành và tham gia khảo sát thực tế phục vụ nhu cầu công việc.

Tổ chức đào tạo “đúng và trúng”

Trong khuôn khổ Dự án "Xây dựng và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý SHTT tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội", Đề án tổng thể về mở chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ Quản lý SHTT tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã được triển khai; Khung chương trình chi tiết và Đề cương chi tiết các học phần trong chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý SHTT đáp ứng yêu cầu quy định và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế đã được xây dựng; Dự án cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về các điều kiện cần thiết để thực hiện đào tạo Thạc sĩ Quản lý Sở hữu trí tuệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là điều kiện nền tảng để triển khai mô hình đào tạo sau đại học cho ngành quản lý SHTT.

 

Lớp đào tạo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ dành cho Cán bộ Quản lý thị trường và Công an kinh tế tại tỉnh Gia Lai

 

Trong hơn 2 năm triển khai, 2 Dự án Đào tạo chuyên sâu ở khu vực Bắc Bộ, miền Trung và khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên đã tổ chức thành công 48 lớp đào tạo chính thức với gần 2.000 lượt học viên thuộc các nhóm đối tượng khác nhau đang nghiên cứu, công tác có liên quan trực tiếp đến SHTT. Đối tượng thụ hưởng là các giảng viên nguồn từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đây là những người có sự ảnh hưởng và sức lan tỏa trong quá trình thực hành nghề nghiệp.  Dự án “Đào tạo về SHTT cho ngành văn hóa, du lịch” đang trong quá trình triển khai nhưng bước đầu đã có tác động tích cực, nâng cao trình độ, nhận thức của các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Tính chuyên sâu của chương trình đào tạo trong các Dự án nêu trên được thể hiện trong thiết kế các chương trình đào tạo về SHTT gắn liền với hoạt động chuyên môn của từng nhóm đối tượng để đảm bảo đáp ứng thiết thực cho hoạt động SHTT của các nhóm đối tượng này. Cụ thể là, nhóm đối tượng đang giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu (trong các lĩnh vực KHTN-CN-KT, KHXH&NV, kinh tế - tài chính) được trang bị các kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ liên quan đến sáng chế, giải pháp hữu ích, chuyển giao công nghệ… để họ có thể lồng ghép các nội dung SHTT ngay trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu. Nhóm đối tượng là các doanh nghiệp được trang bị các kiến thức chuyên sâu về tạo lập, khai thác thương mại và bảo vệ tài sản trí tuệ SHTT như nhận diện các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, chuyển giao tài sản trí tuệ, v.v…Nhóm đối tượng là cán bộ đang làm việc tại các cơ quan Quản lý thị trường, Hải quan, Công an được trang bị những kiến thức chuyên sâu về thực thi quyền SHTT như xác định hành vi xâm phạm quyền đối với từng nhóm đối tượng  SHTT và cách thức xử lý các hành vi này bằng biện pháp hành chính.

Thông qua các Dự án, các bộ tài liệu giảng dạy phù hợp cho các nhóm đối tượng của Dự án đã được biên soạn, phát hành. Các tài liệu này đã được phân bổ tới các trường đại học, các cơ quan quản lý thị trường, hải quan và công an. Sau khi dự án kết thúc, các hoạt động thúc đẩy sở hữu trí tuệ trong các nhóm cộng đồng vẫn tiếp tục được thực hiện nhờ vào các chủ thể thụ hưởng này. Cùng với đó, chủ thể thụ hưởng là các cán bộ thực thi pháp luật (quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an, tòa án, viện kiểm sát) tham gia các khóa tập huấn cũng rất đa dạng về vị trí làm việc và lứa tuổi. Điều này giúp bảo đảm tính kế thừa và duy trì được tốt kết quả đào tạo.

Các dự án đào tạo chuyên sâu về SHTT dành cho các nhóm chủ thể khác nhau đã tạo ấn tượng nổi bật không chỉ đối với các cơ quan quản lí mà còn với chính các đơn vị thực hiện hoạt động đào tạo. Nội dung tổng thể của dự án đã đáp ứng được một số mục tiêu lớn của Việt Nam trong những năm gần đây là trang bị cho các học viên kiến thức về các hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong những lĩnh vực khoa học khác nhau và trong cả thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp; thúc đẩy năng lực thực thi pháp luật của các cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan chức năng thông qua việc thực hiện đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lí và phát triển tài sản trí tuệ. Đây là những mục tiêu lớn của Nhà nước, đã được nêu rõ và quán triệt thúc đẩy trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020./.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn