Th 7, 24/07/2021 | 11:16 SA
Lễ công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La”
Tại Lễ công bố, đồng chí Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho Lãnh đạo UBND tỉnh và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mía tím Sông Mã” cho Lãnh đạo huyện Sông Mã;
Ngày 21/7/2021, tại huyện Sông Mã, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” và cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã - Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021. Dự Lễ công bố về phía tỉnh Sơn La có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đại tá Tô Quang Hanh, ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Bình Khiêm Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và Lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và các huyện, thành phố; Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp và Hợp tác xã (HTX); về phía Cục Sở hữu trí tuệ có đồng chí Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng và đại diện Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn.
Sơn La hiện đang được biết đến là một trong những tỉnh năng động và đi đầu trong công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh để vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh Sơn La có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, cụ thể: 3 chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu; quả xoài tròn của huyện Yên Châu; cà phê Sơn La); 12 nhãn hiệu chứng nhận (chè Ôlong Mộc Châu; Rau an toàn Mộc Châu; Nhãn Sông Mã; Cam Phù Yên; Táo Sơn Tra Sơn La; Bơ Mộc Châu; Na Mai Sơn; chè Phổng Lái Thuận Châu; nếp Mường Và Sốp Cộp; Bơ Sơn La; Xoài Sơn La; cá Sông Đà Sơn La; cá Tầm Sơn La; Rau an toàn Sơn La, Chanh leo Sơn La, Mận Sơn La); 3 nhãn hiệu tập thể (Mật ong Sơn La; Chè Tà Xùa Bắc Yên; khoai sọ Thuận Châu); trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài (chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại Châu Âu theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017. Những sản phẩm tiềm năng này đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng cao của tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020.
Những năm trở lại đây, nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm nhãn Sơn La đã được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và nước ngoài ưa chuộng đánh giá cao, bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Năm 2021 diện tích nhãn toàn tỉnh khoảng 19.224 ha; trong đó, tập trung tại các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… sản lượng ước đạt 98.500 tấn; trong đó, 2.200 ha nhãn đủ điều kiện xuất khẩu với sản lượng gần 22.000 tấn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ, Châu Âu… Riêng huyện Sông Mã có trên 7.200 ha nhãn, trong đó, gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh. Do đó, việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Sơn La cho sản phẩm nhãn quả tươi, long nhãn được kỳ vọng là một công cụ hữu hiệu nữa để phát triển thương hiệu, nâng cao vị thế, danh tiếng, qua đó phát triển các vùng chuyên canh trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nhãn trên địa bàn của tỉnh Sơn La. Việc quản lý, khai thác tốt nhãn hiệu chứng nhận nhãn Sơn La sẽ hiện thực hóa tiềm năng của cây nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La, giữ và đẩy cao hơn nữa tốc độ tăng trưởng 10% hiện nay của loại cây có giá trị cao này.
Tại Lễ công bố, đồng chí Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” cho Lãnh đạo UBND tỉnh và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mía tím Sông Mã” cho Lãnh đạo huyện Sông Mã; đồng chí Lưu Bình Khiêm Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho 25 HTX trên địa bàn tỉnh. Cũng tại Lễ công bố, đại diện các doanh nghiệp, HTX đã ký kết biên bản ghi nhớ về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhãn.
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh bày tỏ vui mừng, phấn khởi và trân trọng cảm ơn Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã hỗ trợ hiệu quả đối với việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La”. Đây là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng nông sản của tỉnh, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm từ quả nhãn của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các Doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khâu nông sản; Quản lý và phát huy hiệu quả các nhãn hiệu của tỉnh đã được cấp, cũng như đề nghị các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, HTX, siêu thị... tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, cộng tác với tỉnh Sơn La trong triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến, cung ứng, xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; tăng cường quảng bá…
Để đảm bảo khai thác tốt nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La”, nhất là việc đưa “Nhãn Sơn La” trở thành một thương hiệu mạnh trong và ngoài nước, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng kiến nghị Tỉnh chỉ đạo việc xây dựng các giải pháp đồng bộ cho sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị kết hợp với chuyển đổi số, trong đó, việc tổ chức và vận hành hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra; khai thác lợi thế độc quyền đối với sản phẩm đặc sản; quảng bá, tiếp thị và bảo vệ tốt thương hiệu “Nhãn Sơn La” trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp quản lý, người dân, doanh nghiệp về vai trò của nhãn hiệu chứng nhận Sơn La đối với sản phẩm nhãn cần được đẩy mạnh để mỗi cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị này hiểu và thấy được giá trị mà sản phẩm này đem lại cho mình và cho cộng đồng. Các hợp tác xã, hộ gia đình, doanh nghiệp và từng nông dân tham gia trồng, chế biến, sản xuất và kinh doanh sản phẩm nhãn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với từng công việc của mình. Một vấn đề quan trọng nữa là cần có những giải pháp hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân đầu tư, áp dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến đối với sản phẩm nhằm bảo vệ uy tín, chất lượng, giải quyết tốt vấn đề cung - cầu của thị trường.
Dưới đây là một số hình ảnh trong Buổi lễ:
Toàn cảnh Buổi lễ công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La”
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mía tím Sông Mã” cho Lãnh đạo UBND huyện Sông Mã
Đồng chí Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho các HTX trên địa bàn tỉnh
Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Sơn La và Cục Sở hữu trí tuệ chứng kiến đại diện các doanh nghiệp, HTX ký kết biên bản ghi nhớ về sản xuất, tiêu thụ nhãn
Ngay sau Lễ công bố, các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Sơn La và Cục Sở hữu trí tuệ đã cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã, Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021; trồng cây lưu niệm tại khu đô thị mới thị trấn Sông Mã. Các đại biểu cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã, Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021
Các xe container chở nhãn Sông Mã, Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tin mới nhất
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng sơn" cho sản phẩm mác mật
- Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
Các tin khác
- Hội thảo trực tuyến “Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ” trong khuôn khổ phi dự án “Hỗ trợ thực thi Hiệp định CPTPP trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”
- Bảo hộ nhãn hiệu cho doanh nghiệp: Không chỉ dừng ở việc đăng ký
- Hội thảo “Sở hữu trí tuệ và xuất khẩu” do Cục Sở hữu trí tuệ và trường Đại học Ngoại thương phối hợp tổ chức
- Triển khai họp Nhóm Sở hữu trí tuệ thi hành EVFTA
- Ngày hội STEM Việt Nam 2021: Khám phá sức lan tỏa của một phong trào giáo dục