Th 6, 29/04/2016 | 12:32 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Hội nghị báo cáo kết quả “Sinh viên nghiên cứu khoa học về Sở hữu trí tuệ năm 2016”

Hội nghị báo cáo kết quả hoạt động “Sinh viên nghiên cứu khoa học về Sở hữu trí tuệ” vào sáng ngày 23/4/2016...

Trong khuôn khổ các sự kiện của Tháng hành động “Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển kinh tế - xã hội” chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 (năm 2016), Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả hoạt động “Sinh viên nghiên cứu khoa học về Sở hữu trí tuệ” vào sáng ngày 23/4/2016.
Đây là sự kiện đã trở thành thường lệ vào dịp này trong nhiều năm gần đây. Ban tổ chức đã nhận được 26 báo cáo nghiên cứu đến từ các trường đại học và đã lựa chọn năm bài nghiên cứu xuất sắc để các tác giả - những sinh viên tài năng trình bày tại Hội nghị. Một nét mới của sự kiện năm nay là ngoài sự tham gia của sinh viên đến từ các trường có truyền thống dạy và học về sở hữu trí tuệ như Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường đại học Luật Hà Nội, Trường đại học Ngoại thương, Trường đại học Kinh tế quốc dân, còn có sự tham gia của đại diện đến từ Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường đại học Luật (Đại học Huế). Điều này chứng tỏ hoạt động nghiên cứu về sở hữu trí tuệ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy và thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo sinh viên.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu về sở hữu trí tuệ trong sinh viên, đặc biệt là với các trường đại học theo định hướng nghiên cứu và coi hoạt động này là cơ hội để khơi gợi năng lực sáng tạo trong sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đại học ngang tầm quốc tế.
Tiến sỹ Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định 26 công trình nghiên cứu của sinh viên đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ là những vấn đề xã hội hiện tại đang phải giải quyết như tranh chấp tên miền có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, khai thác và bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ tri thức truyền thống, v.v. mà những vấn đề có tính thách thức trong quá trình hội nhập như những rào cản về sở hữu trí tuệ trong bảo hộ sáng chế đối với ngành dược Việt Nam khi Hiệp định TPP vận hành hay sử dụng các điều khoản linh hoạt của Hiệp định TRIPs để tạo điều kiện cho việc tiếp cận dược phẩm vì sức khỏe cộng đồng đã được sinh viên đào sâu nghiên cứu.
Tổng kết Hội nghị, Ban giám khảo đã xem xét, đánh giá và trao giải thưởng cho các báo cáo xuất sắc. Giải Nhất được trao cho sinh viên Lê Minh Trang – Trường đại Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Giải Nhì được trao cho sinh viên Nguyễn Thái Bình – Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ba giải Ba thuộc về sinh viên Nguyễn Bùi Dũng – Trường đại học Ngoại thương, sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh – Trường đại học Luật Hà Nội, nhóm sinh viên Bùi Thị Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Các đại biểu, thày cô giáo và sinh viên của các trường tham dự Hội nghị đều cùng chung nhận định sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực cho sinh viên nói riêng và việc phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung. Các đại biểu bày tỏ mong muốn có nhiều hoạt động tương tự được tổ chức nhằm khuyến khích và thu hút sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước tích cực tìm hiểu, nghiên cứu về sở hữu trí tuệ./.
 
Phó Cục trưởng Lê Ngọc Lâm phát biểu tại Hội thảo
 
   
   
 
Ban tổ chức trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các đội đạt giải
 
 
Ban Tổ chức chụp ảnh cùng các đại biểu và sinh viên đoạt giải
 
 

Toàn cảnh hội nghị

 
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo