Th 5, 10/12/2020 | 08:48 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Việt Nam tham dự Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (HIPOC) – Phiên họp về Dự án Kiểm toán Nguồn lực và Quản lý Cơ quan Sở hữu trí tuệ

Ngày 08/12/2020, Việt Nam đã tham dự Hội nghị trực tuyến dành cho Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ (SHTT) các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (e-HIPOC) - phiên họp về Dự án Kiểm toán Nguồn lực và Quản lý Cơ quan SHTT.

 

Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị HIPOC từ đầu cầu Hà Nội, Việt Nam

Đây là phiên họp thứ năm dành cho Lãnh đạo các Cơ quan SHTT các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ trong năm 2020 được Vụ châu Á – Thái Bình Dương của WIPO (ASPAC) tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn cho các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều hành, quản lý cơ quan SHTT, vừa là dịp để WIPO giới thiệu các sáng kiến của mình nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan SHTT. 

Tham dự Hội nghị có ông Andrew Michael Ong, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức SHTT thế giới (ASPAC), các chuyên gia quốc tế của WIPO và hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan SHTT trong khu vực. Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng cùng đại diện một số đơn vị liên quan của Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị từ đầu cầu Hà Nội, Việt Nam.

WIPO và các quốc gia tham dự Hội nghị HIPOC từ đầu cầu các nước

Phiên họp lần này được ASPAC dành phần lớn thời gian để tập trung thảo luận về Dự án Kiểm toán Nguồn lực và Quản lý Cơ quan SHTT (hay còn gọi là Dự án “Kiểm toán Cơ quan SHTT”). 

Theo đánh giá của ASPAC, hiện nay, các cơ quan SHTT trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển, như: đảm bảo thời hạn, chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp nhận và xử lý đơn; tình trạng đơn tồn gia tăng; tuân thủ những yêu cầu, cam kết phải thực hiện khi tham gia các điều ước/thỏa thuận quốc tế; những vấn đề về công nghệ thông tin, quản trị, tài chính,v.v. Những thách thức này đặt ra yêu cầu các cơ quan SHTT phải sớm thực hiện quá trình hiện đại hóa. Đứng trước bối cảnh đó, WIPO đã phát triển ý tưởng mang tên Dự án Kiểm toán cơ quan SHTT. Mục tiêu của Dự án là giúp các cơ quan SHTT xác định được những vấn đề liên quan đến nguồn lực và quản lý cần phải cải thiện và đưa ra các khuyến nghị cụ thể để xử lý các vấn đề đó.

Dự án được triển khai dưới hình thức chuyên gia, cụ thể: WIPO sẽ ký hợp đồng với 01-02 chuyên gia quốc tế để tiến hành các bước cụ thể: (i) thực hiện rà soát tổng thể về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, cũng như khuôn khổ pháp lý/thể chế để thực hiện việc quản lý nhà nước về quyền SHTT; (ii) xác định những nguồn lực cần thiết để đảm bảo việc thực hiện những chức năng, nhiệm vụ đó; (iii) thực hiện kiểm toán các nguồn lực hiện có của cơ quan SHTT; (iv) đưa ra những đề xuất để bù đắp sự thiếu hụt giữa nguồn lực hiện có và nguồn lực cần thiết để đảm bảo việc thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan SHTT; (v) trao đổi với cơ quan SHTT về tính khả thi, cũng như khung thời gian thích hợp (3-5 năm) để thực hiện các đề xuất này. Sản phẩm đầu ra của Dự án là một bản báo cáo hoàn chỉnh bao gồm các khuyến nghị chi tiết, cụ thể để cơ quan SHTT xem xét, quyết định.

Dự án này đã được ASPAC bắt đầu triển khai từ năm 2016. Tính đến thời điểm hiện tại, trong khu vực đã có Thái Lan, Lào tham gia Dự án. ASPAC hiện cũng đang xây dựng dự thảo tài liệu hướng dẫn đúc kết lại các kinh nghiệm thực tiễn và xây dựng một phương pháp luận chuẩn mực và thống nhất trong việc triển khai dự án này. Tài liệu này dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2021.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị, đại diện của WIPO cũng đã chia sẻ với các đại biểu về cơ hội tham dự các khóa đào tạo trực tuyến dành cho các thẩm định viên sáng chế của các Cơ quan SHTT. Thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, WIPO đã triển khai mạnh mẽ hình thức đào tạo trực tuyến, và đây có thể tiếp tục là hình thức đào tạo chủ đạo của WIPO trong giai đoạn tới./. 

Phòng Hợp tác quốc tế