Th 5, 31/12/2020 | 09:49 SA
Gia nhập Thỏa ước La Hay: Điều tất yếu trong xu thế toàn cầu hoá
Việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng sản phẩm của doanh nghiệp ở nước ngoài sẽ trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhờ Thỏa ước La Hay về đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Võng xếp Duy Lợi từng bị xâm phạm kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan. Nguồn: CAND
Tìm cơ chế “một cửa” để thúc đẩy công nghiệp
Khi nhắc đến tầm quan trọng của bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài, gần như bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thậm chí cả doanh nghiệp ngoài ngành, cũng nhớ về vụ việc của võng xếp Duy Lợi. Vào đầu những năm 2000, khi xuất khẩu sản phẩm võng xếp sang Nhật Bản, doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi - một trong những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bất ngờ nhận được cảnh báo từ công ty Johnson Miki (Nhật Bản) yêu cầu Duy Lợi phải ngừng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, hoặc nếu muốn tiếp tục thì phải trả phí cho công ty này. Mặc dù sản phẩm võng xếp Duy Lợi đã được đăng ký bảo hộ sáng chế và kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam nhưng chưa chú ý đến đăng ký bảo hộ ở nước ngoài nên đã bị công ty Johnson Miki “nhanh chân” đăng ký bảo hộ ở Nhật Bản. Sau đó Duy Lợi đã theo đuổi vụ kiện đến cùng và giành được chiến thắng song cũng mất nhiều thời gian và chi phí. Vụ việc này không chỉ “báo động” cho Duy Lợi về tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài mà còn trở thành bài học nằm lòng cho nhiều doanh nghiệp khác.
Vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài đã được các quốc gia châu Âu quan tâm gần một thế kỷ trước. Điều này gắn liền với sự ra đời của Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (Hague Agreement Concerning the International Deposit of Industrial Designs) ký kết vào năm 1925 và có hiệu lực từ năm 1928. Đây là một thỏa ước do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, cung cấp một cơ chế đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đơn giản: chỉ với một đơn đăng ký duy nhất, nộp cho một cơ quan, bằng một loại tiền tệ, với một lần nộp phí duy nhất, cá nhân và tổ chức là công dân, cư trú, thường trú hoặc hoạt động tại các quốc gia, tổ chức thành viên có thể bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở những quốc gia tham gia Thỏa ước. Lúc mới thành lập, số lượng thành viên của Thỏa ước rất khiêm tốn, chỉ có bốn quốc gia Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Sĩ (hiện nay, con số này là 91 quốc gia).
Một điều thú vị là sự ra đời của Thỏa ước La Hay gắn liền với đặc trưng của thập niên 1920 “Golden Age” (Thời đại Vàng) đánh dấu sự bùng nổ kinh tế ở một số quốc gia sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, trong đó có các quốc gia khởi xướng Thỏa ước La Hay như Đức, Hà Lan. Sự tiến bộ về công nghệ đã dẫn đến sự ra đời của những sản phẩm mới như tivi, radio, máy giặt và sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Từng được coi là mặt hàng xa xỉ trong những năm 1880 nhưng sự mở rộng các dây chuyền sản xuất quy mô công nghiệp, kết hợp với việc cải tiến chức năng và kiểu dáng, ô tô đã trở nên phổ biến hơn vào những năm 1920, thậm chí nhiều mẫu xe ô tô đã “gây bão” trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, nhu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cũng ngày càng tăng.
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Với khả năng hấp dẫn và thu hút khách hàng, kiểu dáng công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công của sản phẩm. Do vậy, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để tránh bị các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc bắt chước là điều quan trọng với mọi doanh nghiệp.
Thực chất, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đã được các quốc gia châu Âu quan tâm từ trước Thỏa ước La Hay, chẳng hạn như Pháp đã ban hành quy định bảo hộ các thiết kế may mặc được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt của thành phố Lyon từ năm 1711 và đến năm 1787 thì mở rộng sang các mặt hàng dệt may và nội thất. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp vẫn giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Nếu muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở quốc gia nào, cá nhân/doanh nghiệp phải nộp đơn các đơn riêng biệt ở từng quốc gia cụ thể, vừa phức tạp, lại tốn nhiều thời gian và chi phí.
Bởi vậy, năm 1925, một số quốc gia châu Âu đã tập hợp tại thành phố Hague ở Hà Lan (Việt Nam thường gọi là La Hay theo cách gọi của Pháp), để đề xuất một thỏa ước đặc biệt về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Sự ra đời của Thỏa ước La Hay dựa trên Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (quyền của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh) - một trong những công ước quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Theo điều 15 của Công ước, các quốc gia thành viên có quyền ký kết với nhau những thỏa thuận riêng về bảo hộ sở hữu công nghiệp với điều kiện các thỏa thuận không được trái với các quy định trong Công ước. Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được thông qua vào ngày 6/11/1925, có hiệu lực từ ngày 1/6/1928.
Nỗ lực đổi mới và sự cải thiện của hệ thống La Hay thể hiện rõ qua các lần sửa đổi văn kiện. Trong Văn kiện London 1934, đơn đăng ký sử dụng ngôn ngữ duy nhất là tiếng Pháp, chỉ cần Văn phòng quốc tế (thuộc WIPO) thẩm định hình thức, không cần qua thẩm định nội dung. Các quy định này vẫn chưa tương thích với luật pháp của nhiều quốc gia, khiến họ còn “ngần ngại” tham gia thỏa ước này, chẳng hạn như Hoa Kỳ, đòi hỏi thẩm định nội dung đơn, trong đó kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng được tính mới và tính sáng tạo. Đến lần sửa đổi thứ hai, Văn kiện La Hay 1960 đã linh hoạt hơn: ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp; các quốc gia thành viên có quyền từ chối bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi lãnh thổ của mình nếu thấy không đủ tiêu chuẩn bảo hộ theo pháp luật quốc gia bằng cách thông báo cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhận được đơn đăng ký có chỉ định bảo hộ ở quốc gia đó.
Tuy nhiên, nhận thấy các quy định này vẫn chưa đủ linh hoạt, WIPO đã tiếp tục sửa đổi thông qua việc ký kết Văn kiện Geneva 1999 với mục đích mở rộng ảnh hưởng của Thỏa ước La Hay. Khác với các văn kiện trước, Văn kiện này mở rộng đối tượng tham gia, ngoài quốc gia, các tổ chức liên chính phủ (như Liên minh châu Âu EU) cũng có thể trở thành thành viên của Thỏa ước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có quy định thẩm định nội dung đơn, Văn kiện Geneva 1999 mở rộng thời hạn ra thông báo từ chối bảo hộ, từ 6 tháng lên 12 tháng kể từ ngày công bố quốc tế; ngôn ngữ đăng ký có thể là tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha.
Nắm bắt cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Những lợi ích của hệ thống La Hay là động lực chính thúc đẩy Việt Nam nộp văn kiện gia nhập thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (Văn kiện Geneva 1999) vào tháng 9/2019. Ngoài sự tương thích với pháp luật Việt Nam, một nguyên nhân quan trọng để Việt Nam tham gia là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc,... đều tham gia thỏa ước theo Văn kiện Geneva 1999.
Việc gia nhập thỏa ước La Hay cũng là điều tất yếu trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết gần đây như hiệp định EVFTA, CPTPP đều yêu cầu các thành viên phải cân nhắc việc tham gia Thỏa ước La Hay. Chẳng hạn như Hiệp định EVFTA, quy định các thành viên phải tham gia Thỏa ước La Hay trong vòng hai năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Việc gia nhập Thỏa ước La Hay không những đảm bảo cam kết của Việt Nam về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại mà còn góp phần thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời khuyến khích hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Mặc dù vậy, một số người hoài nghi về việc Thỏa ước La Hay có thực sự mang lại nhiều lợi ích với một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và phần lớn doanh nghiệp trong nước có sức cạnh tranh chưa mạnh như Việt Nam? Trên thực tế, những lo lắng tương tự cũng từng xuất hiện trước khi Liên minh châu Âu tham gia Thỏa ước vào năm 2007 (Văn kiện Geneva 1999). “Nhiều người nhấn mạnh là các công ty có sức cạnh tranh yếu hơn sẽ bị ảnh hưởng khi các công ty nước ngoài tiến vào thị trường châu Âu thông qua Hệ thống La Hay”, theo một khảo sát do Ủy ban châu Âu thực hiện vào năm 2005. Tuy nhiên, “nhận định này không thuyết phục”, theo báo cáo đánh giá về việc tham gia Thỏa ước La Hay của Ủy ban châu Âu năm 2005. Dù không có Thỏa ước La Hay, “những doanh nghiệp kém cạnh tranh vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài”. Do vậy, trong trước mắt, những doanh nghiệp nhỏ có thể chưa được hưởng lợi nhiều từ Thỏa ước La Hay song về lâu dài, Thỏa ước sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh hơn, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường mới cho doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê của WIPO, số đơn đăng ký thông qua hệ thống La Hay năm 2019 là 5894 đơn, tăng 8,1% so với năm 2018, tăng 40,8% so với năm 2015. Người nộp đơn có thể bảo hộ nhiều kiểu dáng công nghiệp khác nhau (tối đa là 100 kiểu dáng nếu cùng nhóm phân loại quốc tế Locarno) ở nhiều quốc gia trong một đơn đăng ký và trả một lần phí duy nhất. Hình thức nộp đơn cũng rất đa dạng, bao gồm nộp đơn giấy hoặc nộp đơn trực tuyến cho Văn phòng quốc tế hoặc thông qua cơ quan sở hữu trí tuệ của quốc gia thành viên (nếu cơ quan đó cho phép). |
Liên kết nguồn: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/gia-nhap-thoa-uoc-la-hay-dieu-tat-yeu-trong-xu-the-toan-cau-hoa/20201217092353810p1c785.htm
Nguồn tin: Thanh An
Tin mới nhất
- Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
- Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
- Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững: Vai trò của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
Các tin khác
- Hội thảo trực tuyến dành cho các thẩm định viên sáng chế trong lĩnh vực dược
- Việt Nam tham dự Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (HIPOC) – Phiên họp về Dự án Kiểm toán Nguồn lực và Quản lý Cơ quan Sở hữu trí tuệ
- KOICA đánh giá tiền khả thi Dự án “Nâng cao năng lực hệ thống quản trị công về sở hữu trí tuệ” của Cục Sở hữu trí tuệ
- Giới thiệu một số ấn phẩm do WIPO xuất bản năm 2020 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và các hệ thống đăng ký quốc tế
- Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến Cuộc họp lần thứ 62 Nhóm công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 62)