CN, 30/04/2023 | 14:06 CH
Bình đẳng giới trong ngành nông nghiệp châu Phi: Mệnh lệnh về sự đổi mới
Wanjiru Kamau-Rutenberg , Giám đốc, Chương trình Phụ nữ châu Phi trong Phát triển Nghiên cứu Nông nghiệp (AWARD), Nairobi, Kenya
Tổng thống Barack Obama đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc trọng dụng tài năng của phụ nữ châu Phi khi so sánh với một trận bóng đá. Ông đã chỉ ra rằng bất kỳ đội bóng nào quyết định chỉ đưa một nửa số cầu thủ của mình vào sân thì đội đó đã sẵn sàng cho việc thua cuộc.
Liên quan đến vấn đề an ninh lương thực, châu Phi đang chơi một trận đấu sống còn, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và gia tăng dân số. Nhu cầu về nhân tài cho một tập thể đầy đủ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phụ nữ trong ngành nông nghiệp của châu Phi
Phụ nữ đóng vai trò trung tâm và quan trọng trong ngành nông nghiệp của châu Phi. Khoảng 62% trong số họ tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ đảm nhiệm phần lớn công việc sản xuất, chế biến và tiếp thị thực phẩm. Họ thực sự ở tuyến đầu của ngành nông nghiệp. Thế nhưng, khi tham gia vào các chương trình nghiên cứu, đặt ra các ưu tiên, đưa ra quyết định và chỉ đạo nghiên cứu và phát triển về nông nghiệp, phụ nữ lại rất ít có đại diện của mình. Họ chỉ chiếm 22% số nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, với chỉ một phần bảy (1/7) phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong nghiên cứu nông nghiệp .
Điều này có nghĩa là chúng tôi đang tham gia trận đấu với một nửa đội hình. Chúng tôi cần mở rộng sự tập trung của mình để trọng dụng tài năng của cả nữ giới và nam giới. Chúng tôi không thể cố tình để phụ nữ đứng ngoài cuộc nữa. Chúng tôi không thể phớt lờ tiềm năng đổi mới sáng tạo của họ. Chúng tôi cần nắm giữ những tài năng tuyệt vời cũng như khả năng giải quyết vấn đề và năng lực đổi mới sáng tạo của họ.
Có quá nhiều thứ mà phụ nữ có thể mang lại. Những hiểu biết và quan điểm của họ có thể giúp các nhà nghiên cứu đưa ra giải pháp hiệu quả để giải quyết những thách thức đặc thù mà nông dân châu Phi đang phải đối mặt, nhiều thách thức trong số đó là do biến đổi khí hậu.
Khai phá tiềm năng nông nghiệp của châu Phi
Châu Phi cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và nghiên cứu nông nghiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Khả năng của chúng tôi trong việc làm cho nền nông nghiệp châu Phi trở nên năng suất, có lợi nhuận và bền vững hơn phụ thuộc vào điều đó.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng và tình trạng suy dinh dưỡng tràn lan, chúng tôi cần đảm bảo rằng “những Doanh nhân nông nghiệp” ở châu Phi, đặc biệt là nông dân được tiếp cận với các loại hình đổi mới sáng tạo mà họ cần để vượt qua những thách thức đặc thù mà họ phải đối mặt. Nếu chúng tôi muốn nuôi sống bản thân và xây dựng nền kinh tế thịnh vượng, chúng tôi bắt buộc phải tăng tốc độ đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Chúng tôi không còn đủ khả năng tài chính để thuê các chuyên gia bên ngoài thực hiện các nghiên cứu về nông nghiệp. Chúng tôi cần trọng dụng tài năng của tất cả các nhà đổi mới sáng tạo, kể cả của phụ nữ. Chỉ khi đó, chúng tôi mới tự đưa ra các giải pháp khả thi phù hợp với nhu cầu của nông dân châu Phi. Chúng tôi không đủ khả năng để thực hiện nếu chỉ có một nửa các nhà khoa học tham gia!
Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng ở mọi bước trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đơn cử trường hợp các loại rau bản địa, trong đó có rất nhiều loại rau ở châu Phi hiện đang bị khai thác quá mức trong tự nhiên. Vì vậy nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp cần được tiến hành nghiêm túc nhằm mở rộng kiến thức trong lĩnh vực này. Cách thức nào để đảm bảo phát triển các sản phẩm nông nghiệp bền vững? Phương thức nào giúp nông dân phát triển thành công hoạt động sản xuất kinh doanh các loại cây và rau bản địa? Và phương thức nào để giúp người tiêu dùng hiểu được giá trị dinh dưỡng của những loại cây trồng này? Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng ở mọi khâu.
Hướng tới thịnh vượng dựa trên nền nông nghiệp toàn diện
Nhận thấy nhu cầu thu hút 100% nhân tài sẵn có, trong thập kỷ qua Chương trình Phụ nữ châu Phi trong Phát triển Nghiên cứu Nông nghiệp (AWARD) đã nỗ lực thúc đẩy sự thịnh vượng toàn diện cho châu Phi dựa trên nông nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một ngành nông nghiệp đáp ứng nhu cầu và những ưu tiên của nữ giới và nam giới trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Các chương trình đào tạo của chúng tôi đang xây dựng nên lực lượng lớn các nhà khoa học nữ có năng lực, sự tự tin và có sức ảnh hưởng để dẫn dắt những tiến bộ quan trọng trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Lấy ví dụ, thông qua sáng kiến học bổng AWARD của chúng tôi, chúng tôi đã củng cố các kỹ năng nghiên cứu khoa học, lãnh đạo và tư vấn cho 1.158 nhà khoa học từ hơn 300 tổ chức nghiên cứu ở 16 quốc gia châu Phi. Những phụ nữ tham gia vào các chương trình này đang góp phần giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất mà nông dân phải đối mặt.
Trong số đó có Filomena Dos Anjos, một ứng viên của học bổng AWARD năm 2008 và là nhà khoa học hàng đầu về thú y từ Mozambique. Cô Dos Anjos đang tạo ra bước đột phá mới trong việc chăm sóc sức khỏe và chăn nuôi gà bản địa vốn là nguồn cung cấp protein và thu nhập quan trọng ở đất nước của cô. Cô làm việc với những người phụ nữ và nông dân trẻ để thúc đẩy việc sử dụng vắc-xin chịu nhiệt chống lại căn bệnh Newcastle chết người, đồng thời phát triển công nghệ ấp trứng và cho ăn để cải thiện năng suất. Công việc của cô là giúp củng cố an ninh lương thực và thu nhập của những người chăn nuôi gà.
Trong luận án tiến sĩ của mình, Phyllis Muturi, ứng viên của học bổng AWARD 2013 đến từ Kenya, đã tập trung nghiên cứu về các giống cao lương chịu hạn có năng suất cao, một loại cây trồng và nguồn lương thực được đánh giá cao ở vùng đất khô hạn của Kenya. Cô cho biết: “Tôi nhận thấy có sự cải thiện và bảo tồn đáng kể đối với lúa miến ở Kenya, với nghiên cứu tạo ra các giống lúa miến mới sinh trưởng tốt hơn nhiều so với các giống lúa trước về sản lượng hạt và khả năng kháng sâu đục thân.”
Yenesew Mengiste Yihun, ứng viên của học bổng AWARD 2015 - kỹ sư nông nghiệp từ Ethiopia, đang làm việc với các hộ sản xuất nhỏ để cải thiện các hệ thống tưới tiêu. Tiến sĩ Yihun nói: “Nghiên cứu này rất quan trọng vì nó giúp giảm bớt khó khăn cho nông dân. Nếu chúng tôi sản xuất được nhiều hơn, đất nước sẽ phát triển và tự đảm bảo được lương thực.” Tiến sĩ Yihun cung cấp cho nông dân và các hộ sản xuất nhỏ những giải pháp thiết thực để quản lý tài nguyên của họ hiệu quả hơn. “Tôi tôn trọng kiến thức bản địa của họ và hướng dẫn họ cách sử dụng hệ thống tưới tiêu để đạt hiệu quả tốt hơn,”
Như một đánh giá gần đây về khoảng cách giới trong năng lực nghiên cứu về nông nghiệp của châu Phi trên Tạp chí Giới tính, Nông nghiệp và An ninh lương thực (27 tháng 4 năm 2017) khẳng định, việc đào tạo các nhà khoa học nữ trong các lĩnh vực tư vấn, lãnh đạo và nghiên cứu khoa học có tác động chuyển đổi không chỉ đối với sự nghiệp riêng của mỗi nhà khoa học, mà còn đối với sự vận hành của tổ chức của họ.
Sở hữu trí tuệ là động lực đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp
Tại AWARD, chúng tôi nhận ra rằng sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo rằng nghiên cứu nông nghiệp chuyển thành các giải pháp thiết thực đến tay người nông dân và các chủ thể khác trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Sở hữu trí tuệ giúp khai phá tiềm năng chuyển đổi của nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách làm cho các kết quả nghiên cứu trở nên sẵn sàng và hấp dẫn đối với những doanh nghiệp khu vực tư nhân để phát triển và thương mại hóa công nghệ mới, phân phối rộng rãi và phục vụ những người nông dân và các đối tượng có liên quan.
Tiềm năng của SHTT trong thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp châu Phi đã được công nhận ở cấp cao nhất của Chính phủ. Năm 2016, những người đứng đầu các Nhà nước và chính phủ thuộc Liên minh châu Phi đã thông qua Tuyên bố Dakar về Sở hữu trí tuệ cho châu Phi (Tuyên bố Dakar). Tuyên bố Dakar công nhận “tầm quan trọng và sự phù hợp của SHTT đối với đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế trí thức”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh “vai trò của SHTT trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ cho nền nông nghiệp bền vững, cho việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ thân thiện với môi trường, giúp đảm bảo an ninh lương thực… và chống lại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…”. Bên cạnh đó, Tuyên bố Dakar cũng kêu gọi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) “dẫn dắt sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế một cách cân bằng và hiệu quả, khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích của tất cả mọi người” với tư cách là diễn đàn toàn cầu về các dịch vụ, chính sách, thông tin và hợp tác về sở hữu trí tuệ
Trong bối cảnh này, chúng tôi cần nỗ lực gấp đôi để đảm bảo rằng các nhà khoa học nữ của châu Phi có một vị trí và đóng vai trò tích cực trong việc định hình nền sản xuất nông nghiệp của lục địa.
Khoảng cách giới trong đổi mới sáng tạo
Nghiên cứu của WIPO chỉ ra rằng mặc dù trên toàn cầu, số lượng phụ nữ sử dụng hệ thống đăng ký sáng chế quốc tế đã tăng lên theo thời gian, nhưng phải mất cả thập kỷ nữa chúng tôi mới được thấy tỷ lệ nữ giới đăng ký sáng chế cho những kết quả nghiên cứa của mình ngang bằng với nam giới. Số liệu cũng chỉ ra trong năm 2015, chỉ một phần ba số đơn đăng ký sáng chế quốc tế được nộp đứng tên một nhà sáng chế nữ. Chúng tôi cũng biết rằng phụ nữ ít có khả năng được đứng tên tác giả trong các công bố khoa học. Hiện nay cũng có bằng chứng về khoảng cách giới ngày càng lớn trong việc sử dụng Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) của WIPO, hiệp ước tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế tại hơn 150 quốc gia.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định mức độ chênh lệch giới trong lĩnh vực SHTT ở Châu Phi, nhưng tỷ lệ ít phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học và công nghệ trên khắp lục địa và nhìn chung mức độ ít phụ nữ tham gia hoạt động sáng chế sáng tạo đã cho thấy nghiên cứu do phụ nữ ở châu Phi thực hiện chưa tìm đầu ra để đến tay những người cần nó nhất, những người nông dân, phần lớn trong số họ là phụ nữ.
Khoảng cách giới hiện nay trong nghiên cứu nông nghiệp và sử dụng SHTT có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và nông nghiệp của châu Phi. Châu lục này đang đứng trước những thách thức gay gắt. Chúng tôi cần phải hỗ trợ đổi mới sáng tạo để tìm ra các giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải chịu trách nhiệm đối với một hệ thống chưa sử dụng hiệu quả tài năng của ít nhất một nửa dân số. Hệ thống của chúng tôi đang cản trở sự tham gia của phụ nữ vào nghiên cứu khoa học và chưa hỗ trợ thành công các nhà khoa học nữ ứng dụng thực tế nghiên cứu của họ tại trang trại và xuyên suốt chuỗi giá trị nông nghiệp. Nhiều nghiên cứu của họ bị lãng quên trong khi những nghiên cứu đó có thể hỗ trợ tích cực để phát triển nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp trên khắp lục địa.
Chúng tôi cần phải hành động ngay bây giờ
Giới tính đang thu hút rất nhiều sự chú ý, và đó là một điều tốt. Nhưng chúng tôi vẫn cần phải tìm ra lời giải để đảm bảo phụ nữ có thể có tiếng nói bình đẳng trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến và giải pháp sáng tạo để giải quyết những thách thức khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt. Số liệu của WIPO cho thấy với tốc độ hiện tại, chúng tôi sẽ không thấy được sự bình đẳng giới trong việc sử dụng hệ thống đăng ký sáng chế quốc tế cho đến năm 2070. Chúng tôi không thể đợi lâu như vậy!
Các vấn đề của chúng tôi đã quá cấp bách. Sự sống còn và thịnh vượng trong tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào việc sử dụng tốt nhất tất cả tài năng hiện có và tận dụng nó để tạo ra những công nghệ cần thiết giúp tăng hiệu quả, năng suất và lợi nhuận trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.
Đó là lý do tại sao vào năm 2017, trong một nỗ lực tiếp theo nhằm thúc đẩy vấn đề giới trong nông nghiệp châu Phi, AWARD đã hợp tác với WIPO để tổ chức một hội nghị khu vực về Đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ là động cơ cho kinh doanh nông nghiệp cạnh tranh: Trao quyền cho các nhà nghiên cứu và doanh nhân nữ ở châu Phi. Hội nghị đã quy tụ hơn 200 nhà khoa học nông nghiệp và chủ doanh nghiệp nông nghiệp là phụ nữ châu Phi. Đó là một cơ hội vô giá để họ tìm hiểu thêm về hệ thống sở hữu trí tuệ: thông tin sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ nghiên cứu của họ như thế nào và quyền sở hữu trí tuệ có thể được sử dụng ra sao để đảm bảo những nghiên cứu đạt chất lượng cao của họ có thể chuyển thành các giải pháp có tiềm năng thương mại hóa và phổ biến rộng rãi tại các trang trại. Sự tham gia của chúng tôi vào sự kiện quan trọng này, một sự kiện được tổ chức với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, Ma-rốc và Nhật Bản, là một phần trong cam kết của chúng tôi là đảm bảo hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của tài năng của châu Phi.
Bằng cách khai thác tài năng của phụ nữ, chúng tôi sẽ được đặt vào đúng vị trí để tham gia phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề cấp bách tồn tại lâu nay mà lục địa phải đối mặt, đặc biệt là liên quan đến an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.
Phòng Hợp tác quốc tế (dịch)
Nguồn: WIPO
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Dự án IP Key Sea tổ chức Hội thảo quốc tế về Phòng chống hàng giả khu vực ASEAN
- Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
- Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
Các tin khác
- Hội nghị thường niên Hội Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN năm 2023
- Bộ nhận diện của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023 phiên bản tiếng Việt
- Hiệp ước Marrakesh: Hài hòa giữa quyền tác giả và quyền lợi của người khuyết tật
- WIPO mời các ứng viên tham gia Cuộc thi Giải thưởng Toàn cầu 2023 dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
- WIPO ra mắt Ấn phẩm cao cấp mang tên Sách công nghệ xanh với Phiên bản đầu tiên tập trung vào thích ứng với biến đổi khí hậu