Th 6, 24/04/2020 | 10:42 SA
Thực tiễn và xu hướng bảo hộ sáng chế đối với hoạt động bảo vệ môi trường của Việt Nam
Trong chuỗi các nội dung tuyên truyền kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, bài viết giúp bạn đọc nhận thức về thực tiễn và xu hướng bảo hộ sáng chế đối với hoạt động bảo vệ môi trường của Việt Nam
Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn tại và phát triển của đời sống con người, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, của dân tộc và nhân loại. Sự biến đổi một số thành phần môi trường sẽ gây tác động đáng kể đối với các hệ sinh thái. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của con người gây ra ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Vì vậy, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã và đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất, không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lý, các doanh nghiệp mà đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
(Ảnh: Internet)
Bước sang thế kỷ XXI, hoạt động đổi mới khoa học và công nghệ, ứng dụng khai thác sáng chế tiếp tục phát triển và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc nghiên cứu tạo ra, bảo hộ và khai thác các sáng chế ứng dụng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng được chú trọng nhờ các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của Đảng và nhà nước. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về Sở hữu trí tuệ (SHTT) và pháp luật liên quan đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.
1. Thực tiễn và xu hướng bảo hộ sáng chế liên quan đến bảo vệ môi trường
Một là, hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, sáng chế liên quan đến công nghệ môi trường ngày càng tập trung vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, triển khai áp dụng phù hợp, đạt các hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Các sáng chế liên quan đến công nghệ môi trường ngày càng tập trung vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Sáng chế liên quan đến công nghệ xanh như tái chế, làm sạch nước, xử lý khí thải độc hại thanh lọc không khí, bảo toàn năng lượng, hoặc công nghệ xanh theo hướng bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, v.v., đã và đang được tiếp tục nghiên cứu, triển khai ứng dụng một cách hiệu quả và phù hợp, đạt các hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường.
Giải pháp công nghệ “thiết bị xử lý khí thải XLKT-HB0005GPCN”, tác giả Hoàng Hữu Bình, “thiết bị thu hồi và tái chế chất thải nguy hại trong công nghiệp”, tác giả sáng chế Trần Bá Phước Anh, và “Máy xử lý rác đa năng và công nghệ xử lý rác thải HKM”, tác giả sáng chế Ngô Thái Nguyên, là các sáng chế điển hình liên quan đến công nghệ xử lý khí thải, chất thải công nghiệp độc hại và rác thải đã được áp dụng trên thực tiễn1. Đây là các sáng chế được tạo ra trên cơ sở các nguyên vật liệu sẵn có trong nước, chi phí thấp, dễ bảo trì, sửa chữa, phù hợp vận hành với nhiều quy mô khác nhau để thu hồi và tái chế hiệu quả các loại chất thải nguy hại từ các nguồn khí thải, chất thải độc hại và rác thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, chế biến sản xuất, không những giúp đẩy lùi nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế đáng kể từ việc xử lý rác thải, chất thải nguy hại kế hợp với việc tái sử dụng hay kinh doanh các sản phẩm thu được sau tái chế.
Sáng chế của tác giả Đỗ Chí Lệ (Giải thưởng Tự học thành tài - Nhân tài đất Việt năm 2019) nhằm biến rác thải sinh hoạt thành nguồn tài nguyên có lợi, đã thành công với ý tưởng dùng nước và tác động lực cơ học để phân loại, chế tạo ra hệ thống góp phần xử lý triệt để, biến rác thải sinh hoạt thành hàng hóa, đồng thời tận dụng tối đa nguồn tài nguyên rác thải để chế biến thành phân vi sinh, sản xuất hạt nhựa, làm gạch Block thân thiện với môi trường. Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ TTD-01 tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, do tác giả nỗ lực xây dựng đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2016, góp phần xử lý toàn bộ rác thải tại thị trấn Quỳnh Côi và 25 xã, thị trấn khác trong tỉnh. Đến nay, sau hơn 3 năm vận hành, Nhà máy đã đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi, cả 4 quy trình: xử lý, phân loại, sản xuất thành phẩm và xử lý nước thải đều vận hành tốt, cho kết quả cao. Ngoài ra, vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện, không phụ thuộc vào linh kiện từ nước ngoài2. Giải pháp này khi được áp dụng trên thực tiễn đã không chỉ giúp góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nơi nhà máy xử lý rác thải vận hành, mà còn giúp giảm thiểu tác hại đến sức khỏe cho người lao động trực tiếp xử lý rác, loại bỏ rác thải ra môi trường, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên rác để tái tạo thành các sản phẩm hữu ích cho xã hội. Đến tháng 6/2019, đã có nhiều tỉnh trên cả nước đăng ký đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ TTD-01 như Đắc Nông, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Hai là, xu hướng phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ mới gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm công nghệ môi trường theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường.
Thực tiễn đang cho thấy xu hướng rõ ràng trong các hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực gắn với khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng hóa thạch, thâm dụng nhiều lao động và nguyên liệu thô, thải nhiều chất bẩn, độc hại ra môi trường đã giảm3,4. Các nghiên cứu trong công nghệ môi trường đang dịch chuyển theo hướng để đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường như giảm nhẹ biến đổi khí hậu, kiểm soát ô nhiễm không khí và nước, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tận dụng các nguồn chất thải để sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, v.v.
Một ví dụ điển hình cho việc sử dụng công nghệ điển hình sản xuất năng lượng sạch từ nguồn chất thải là công nghệ biến rác thải thành điện năng (công nghệ điện rác WTE - CNĐR), của tác giả sáng chế Nguyễn Gia Long, lần đầu tiên ở Việt Nam, đã được thực nghiệm tại Nhà máy Cơ khí Chế tạo thiết bị môi trường của Công ty TNHH Thủy lực - Máy (HMC) ở Khu công nghiệp Đồng Văn I, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ưu điểm của công nghệ là sử dụng dây chuyền khép kín, không tốn quỹ đất để chôn lấp và không cần phải phân loại rác đầu nguồn, không phát sinh mùi, nước, ổn định và an toàn suốt quá trình vận hành. Theo báo cáo của công ty, trong đợt chạy khảo nghiệm từ ngày 21/9 đến 25/10/2016, nhà máy này đã tiếp nhận và xử lý sạch 208 tấn rác thải rắn không phân loại, phần khí gas tổng hợp thu được đã được dùng để chạy ba tổ máy phát điện, thắp sáng cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng hàng rào của nhà máy liên tục trong 12 tiếng/ngày (trong 10 ngày). Từ ngày 17/10/2016, nhà máy đã chính thức đấu điện chiếu sáng cho Khu công nghiệp Đồng Văn I từ 17h30 đến 6h sáng ngày hôm sau, trong 7 ngày liên tục5.
Ba là, việc khuyến khích tạo ra, ứng dụng, khai thác các sáng chế nói chung và sáng chế liên quan đến bảo vệ môi trường nói riêng ngày càng được chú trọng nhờ các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ được ban hành kịp thời đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT và pháp luật liên quan để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT đang được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, kết hợp với các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT và pháp luật liên quan như trong Định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 (Nghị quyết TW2 - Khóa VIII) và Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 4 năm 2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, đã thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nhờ đó số lượng đơn đăng ký sáng chế nói chung, sáng chế liên quan đến bảo vệ môi trường đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Về hỗ trợ khai thác sáng chế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 12/2017/TT-BTC, ngày 10 tháng 02 năm 2017, hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị của các dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, ngày 14 tháng 02 năm 2015, của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, chủ đầu tư dự án có thể nhận được mức vốn hỗ trợ bằng 10% tổng vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường của Dự án theo báo cáo quyết toán của Chủ đầu tư được phê duyệt. Dự án được hỗ trợ vốn sau đầu tư một lần, không phải hoàn trả.
Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, ngày 01 tháng 02 năm 2019, “Về doanh nghiệp khoa học và công nghệ”, trong đó quy định nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nhóm chủ thể này, nhằm khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng được ưu tiên trong việc xác lập quyền SHTT. Doanh nghiệp khoa học công nghệ (DNKHCN) hoạt động như là cầu nối đẩy nhanh các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. DNKHCN điển hình đã thành công trong khai thác quyền SHTT, trong đó có các sáng chế bảo vệ môi trường, đặc biệt là các giải pháp chống ngập úng, chống ô nhiễm môi trường nước tại tất cả các đô thị, là Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco)6.
Bên cạnh đó, ngày 22 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược SHTT đến năm 2030, khẳng định chính sách SHTT là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực. Lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, đặt nền móng vững chắc cho các nhà khoa học khi mà chiến lược đã xác định rõ hoạt động SHTT có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
2. Dự báo lượng đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam nói chung và sáng chế liên quan đến bảo vệ môi trường nói riêng trong thời gian tới
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng và tiến tới phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, hiệu quả hơn nữa ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, cũng như định hướng, chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không tách rời của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển bền vững; bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị, tạo ra môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phát triển khoa học, công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Đây là cơ sở để tin tưởng rằng số lượng đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam nói chung và sáng chế liên quan đến bảo vệ môi trường nói riêng trong thời gian tới được dự báo là tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các sáng chế liên quan đến công nghệ cao có tính bền vững, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường./.
Đào Anh Dũng - Trưởng phòng Y Dược, Trung tâm Thẩm định Sáng chế
________
1 Tổng hợp các giải pháp công nghệ, sáng chế giúp bảo vệ và cải thiện môi trường (https://niptex.gov.vn/vi/nam-2015/thang-2-2015/516-tong-hop-cac-giai-phap-cong-nghe-sang-che-giup-bao-ve-va-cai-thien-moi-truong)
2 Sáng chế xử lý rác thải sinh hoạt thành hàng hóa (http://tapchimoitruong.vn)
3 Phụ lục thống kê (số lượng đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam và người nộp đơn nước ngoài từ năm 2008-2018 theo phân loại sáng chế quốc tế (IPC)) của báo cáo thường niên hoạt động SHTT năm 2017 của Cục Sở hữu trí tuệ
4 Xu hướng phát triển khoa học công nghệ toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam (http://hdll.vn)
5 Công nghệ biến rác thải thành điện năng (https://vrdc.vn)
6 http://www.busadco.com.vn
Tin mới nhất
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
- Thông báo tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tại Việt Nam và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm”
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
Các tin khác
- APEC giữa tâm đại dịch COVID-19
- Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Động lực phát triển tài sản trí tuệ
- Các FTA thế hệ mới: Cơ hội và thách thức với hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam
- Thông báo về việc hỗ trợ đăng ký quốc tế đối với sáng chế cho các cá nhân
- Công nghệ chuỗi khối và Luật Sở hữu trí tuệ: Sự kết hợp trong không gian điện tử