Th 3, 31/05/2022 | 10:14 SA
Tập huấn Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương của tỉnh Bạc Liêu
Ngày 25/05/2022, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức chương trình tập huấn “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương” của tỉnh Bạc Liêu.
Trong những năm vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều hoạt động quan tâm bảo hộ, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương. Tính đến thời điểm hiện nay Bạc Liêu đã có 02 chỉ dẫn địa lý và 05 nhãn hiệu tập thể: chỉ dẫn địa lý “Bạc Liêu” cho sản phẩm muối, “Hồng Dân” cho sản phẩm gạo một bụi đỏ, nhãn hiệu tập thể “Gành Hào” cho sản phẩm tôm cua giống, "Rau cần Nước Phước Long" ...
Chính vì vậy, nhằm giúp cho cán bộ sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp ... của tỉnh hiểu rõ vấn đề về xây dựng, bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và tuyên truyền về phát triển thương hiệu cho các sản phẩm sau khi đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 25/05/2022, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức chương trình tập huấn “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương” của tỉnh Bạc Liêu.
Đến tham dự chương trình Tập huấn có: Ông Huỳnh Hùng Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu; Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh và Bà Lê Minh Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, cùng gần 100 đại biểu đại diện các khối cơ quan quản lý, thực thi, các hiệp hội, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Ông Huỳnh Hùng Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, phát biểu khai mạc tập huấn
Mở đầu chương trình Tập huấn là phần phát biểu khai mạc của Ông Huỳnh Hùng Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu trong đó nêu bật vai trò của quyền sở hữu trí tuệ với việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh, đặc biệt cần chú trọng việc quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị của sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tiếp đến là phần trình bày của Bà Lê Minh Thu – Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế - Cục Sở hữu trí tuệ về “Tổng quan và vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương”. Phần trình bày của Bà đã giúp cho các đại biểu tham dự hiểu được các vấn đề về tạo dựng Thương hiệu cho đặc sản địa phương; Vai trò của việc bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương; và việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, đặc sản địa phương có gắn địa danh/dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc dưới 03 hình thức: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Bà cũng lưu ý các doanh nghiệp một số giải pháp để quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ cho các đặc sản địa phương trong đó đặc biệt là việc quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và tiến hành phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Bà Lê Minh Thu – Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế trình bày tại khóa tập huấn
Tiếp theo chương trình, Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp các kiến thức và kỹ năng về “Quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm địa phương”. Ông đã cho thấy hướng phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương gắn với thương hiệu cộng đồng là một hướng đi phù hợp và là công cụ hữu hiệu trong phát triển bền vững, đưa nông sản của tỉnh Bạc Liêu tiến xa hơn ở thị trường trong và ngoài nước. Ông khẳng định: cần xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm địa phương gắn với lợi thế của doanh nghiệp, thế mạnh của địa phương và chủ trương chính sách của nhà nước; cần nâng cao vai trò của hiệp hội/doanh nghiệp đối với xây dựng thương hiệu cho sản vật địa phương; cần luôn quản lý tốt để giữ được chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín doanh nghiệp, đây là chìa khóa trong xây dựng thương hiệu cộng đồng; cần tố chức tốt hơn, bền bỉ hơn nữa việc tuyên truyền và quảng bá thương hiệu cho các đặc sản địa phương sau khi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, với nhiều hình thức khác nhau: lô gô, slogan, câu chuyện truyền thông, biển hiệu, áp phích, tờ rơi, các hội chợ triển lãm, các kênh tiêu thụ mới, kết hợp du lịch sinh thái… bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp; liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối, tiêu thụ chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của doanh nghiệp, của địa phương, vùng miền và quốc gia ...
Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh trình bày chuyên đề tập huấn
Sau buổi Tập huấn là phần trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho tổ chức, cá nhân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và phần thảo luận giữa các vị đại biểu tham dự với các vị lãnh đạo, chuyên gia. Buổi thảo luận đã diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi, các vị đại biểu đã có cơ hội chia sẻ những quan điểm dựa trên lăng kính cá nhân cũng như được giải đáp những thắc mắc còn tồn đọng từ các vấn đề liên quan đến thương hiệu và các quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm địa phương.
Trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho tổ chức, cá nhân.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh
Tin mới nhất
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Các tin khác
- Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận Mận Sơn La, Chanh leo Sơn La và Bơ Sơn La cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La
- Lễ Công bố Quyết định cấp Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Vĩnh Châu" cho sản phẩm trứng bào xác ARTEMIA và trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Vĩnh Châu" dùng cho sản phẩm hành tím của Sóc Trăng
- Nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
- Tìm hiểu về bảng điểm đổi mới Châu Âu (EIS)
- Tìm hiểu về bộ chỉ tiêu về quyền tài sản - Liên minh Quyền tài sản