Th 4, 22/07/2020 | 15:59 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Tiếp cận đa chiều trong tuyên truyền và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Tiếp cận đa chiều trong tuyên truyền và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ giúp tiếp cận sâu hơn các chủ thể khác nhau, khắc phục các nhược điểm của tuyên truyền theo hình thức truyền thống mang tính một chiều, dàn trải.

Sở hữu trí tuệ (SHTT), một trong ba trụ cột của đàm phán thương mại quốc tế, bên cạnh thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, đã và đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về SHTT, trong những năm qua, bên cạnh hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Cục SHTT đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT với những hướng tiếp cận phù hợp, đa dạng và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của lộ trình phát triển theo từng giai đoạn khác nhau, từng chủ thể khác nhau trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV”  tại Hà Nội ngày 08/10/2019

Trong giai đoạn Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu khi mới gia nhập WTO vào năm 2007, SHTT còn là vấn đề mới mẻ và rất phức tạp đối với cộng đồng. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong giai đoạn này chủ yếu tiếp cận theo hướng truyền thông tổng thể (comprehensive approach) nhằm trang bị các kiến thức cơ bản cho xã hội và cộng đồng về SHTT, giúp hình thành nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng và thái độ tôn trọng quyền SHTT.

Theo thống kê của Báo cáo thường niên hoạt động SHTT từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Cục SHTT đã chủ động và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo, tọa đàm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thu hút hàng nghìn lượt tham gia. Nhiều kiến nghị, góp ý trong hội thảo, tọa đàm đã đóng góp rất thiết thực cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo điện tử, truyền hình cũng được đẩy mạnh cả về nội dung và tăng thời lượng, số lượng phát hành. Nổi bật là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ qua 3 giai đoạn đã hỗ trợ cho triển khai 110 lượt dự án tuyên truyền về SHTT trên đài truyền hình của 58 địa phương với gần 5.000 số phát sóng, góp phần tạo chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về SHTT. Đây là một kênh truyền tải và phương thức tuyên truyền rất hữu hiệu đưa sở hữu trí tuệ đến mọi miền của tổ quốc, mọi đối tượng, ngành nghề. Bố cục, nội dung chuyên mục được xây dựng phù hợp với đặc thù văn hóa, nhận thức, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, miền, ví dụ như khu vực nông thôn, miền núi đã tập trung tuyên truyền qua các hình ảnh, phóng sự trực quan liên quan trực tiếp đến các sản phẩm mà cộng đồng đang sản xuất kinh doanh…

Trên thực tế, hoạt động SHTT có quan hệ mật thiết và tác động đa chiều đến các khía cạnh khác nhau của đời sống kinh tế- xã hội, đồng thời chịu ảnh hưởng của nhiều ngành, nhiều nhóm và nhiều cấp, từ chính sách vĩ mô của Chính phủ đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của các cộng đồng khác nhau... Do đó, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT trong thời gian vừa qua cũng được triển khai theo hướng tiếp cận đa chiều (multi-dimensional perspectives) giúp tiếp cận sâu hơn các chủ thể SHTT khác nhau, khắc phục các nhược điểm của tuyên truyền theo hình thức truyền thống mang tính một chiều, dàn trải.

Trong đó có thể kể đến Chương trình “Sáng Tạo Việt” trên sóng VTV3 (từ năm 2011 đến 2015), chương trình “ Nhà sáng chế” trên sóng VTV2 (từ năm 2012 đến 2013) đã trở thành diễn đàn giao lưu, trao đổi, khai thác thông tin công nghệ hiệu quả cho các nhà nghiên cứu và nhà đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng sáng chế/giải pháp công nghệ mới và phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Chương trình “Chắp cánh thương hiệu” trên sóng VTV3 (từ năm 2007 đến năm 2012), chương trình “Câu  chuyện Sở hữu trí tuệ” trên sóng VTV2 (từ năm 2018 đến 2020) lấy doanh nghiệp làm đối tượng mục tiêu trọng tâm, đã góp phần nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ quyền SHTT cho doanh nghiệp, tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ và khai thác quyền SHTT, tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bản tin định kỳ về sở hữu trí tuệ - Một sản phẩm thuộc dự án “Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp”

Đặc biệt, Dự án “Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp” được triển khai tại các trường đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, nhóm/câu lạc bộ khởi nghiệp tại Hà Nội đã tạo nên được một diễn đàn kết nối các chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và SHTT với các sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và tư vấn ứng dụng cơ sở lý luận, lý thuyết về SHTT vào các hoạt động thực tiễn trong quá trình khởi nghiệp.

Sự đa dạng về các nhóm đối tượng truyền thông của SHTT là một thách thức lớn, song sẽ mang lại thành quả lớn khi triển khai tuyên truyền theo hướng tiếp cận khuyến khích sự tham gia (participatory approach), thu hút được sự tương tác, hợp tác, chia sẻ và truyền cảm hứng sáng tạo của nhiều nhóm đối tượng vào các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức để xây dựng một hệ sinh thái, một môi trường SHTT kiến tạo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trao giải nhất cho tác giả Trần Kim Quy tại Lễ trao giải Cuộc thi Sáng chế năm 2018

Nổi bật nhất là sự kiện Ngày SHTT thế giới (IP Day) 26/4 hằng năm được Cục SHTT tổ chức với chuỗi hoạt động chào mừng đã trở nên quen thuộc và hiện hữu đối với các nhóm chủ thể có liên quan trong xã hội, nhằm truyền tải thông điệp về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Bắt đầu từ năm 2014, hoạt động chào mừng, kỷ niệm IP Day được Cục SHTT triển khai bằng những hoạt động cộng đồng với quy mô rộng và các hình thức phong phú, sáng tạo. Ví dụ như: chương trình đạp xe “Roadshow”; hoạt động truyền thông “Walk A-head for Innovation & IP – Đi bộ bằng đầu sáng tạo dài lâu”; nghi thức thả bóng bay màu hòa bình; nghi thức "Tiếp sức cho những thay đổi" truyền năng lượng tích cực vào "Quả cầu năng lượng"; trình diễn hòa tấu âm nhạc, rap IP, nhảy flashmob… Những sự kiện này còn tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng khi thu hút được sự quan tâm của các cơ quan truyền thông đại chúng tới đưa tin để cùng truyền tải các thông điệp về SHTT.

Bên cạnh đó, Cuộc thi Sáng chế là sự kiện do Cục SHTT phối hợp với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), Cơ quan SHTT Hàn Quốc (KIPO) tổ chức (năm 2013, 2014, 2018) nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo để đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện cuộc sống cộng đồng đã thu hút được một lượng lớn hồ sơ dự thi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Phần lớn các giải pháp kỹ thuật đăng ký dự thi là những giải pháp có giá trị kỹ thuật và thực tiễn cao, có khả năng ứng dụng rộng rãi và góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra các giải pháp hữu ích cải thiện cuộc sống hằng ngày cho người dân. Việc tham gia Cuộc thi không chỉ là cơ hội để thể hiện năng lực sáng tạo của chính tổ chức và cá nhân đó, mà còn là cơ hội để quảng bá các giải pháp kỹ thuật và kết nối cơ hội kinh doanh với các nhà đầu tư tiềm năng.

Bằng các nỗ lực trong công tác tuyên truyền của Cục SHTT cũng như các đơn vị liên quan, nhận thức về SHTT của các nhóm chủ thể trong xã hội đã được tăng lên đáng kể, thể hiện ở sự gia tăng về số liệu đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta hiện nay vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp, đòi hỏi hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ, đổi mới và có hiệu quả hơn. Cán bộ làm công tác tuyên truyền cần được tăng cường đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ và thường xuyên cập nhật những nội dung mới, liên quan đến vấn đề SHTT trong các hiệp định hợp tác song phương, đa phương; tiếp cận các thực tiễn thành công trong hoạt động tạo lập, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của cá nhân, doanh nghiệp nhằm tăng tính hấp dẫn cho hoạt động tuyên truyền. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cần đẩy mạnh ứng dụng các phương thức truyền thông hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của môi trường số để đảm bảo tính dễ tiếp cận cùng với hiệu ứng hình ảnh và mức độ cập nhật nhanh, lan tỏa mạnh trong toàn xã hội./.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn