Th 5, 16/11/2023 | 21:08 CH
Lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa - Gia Lai”
Sáng 11/11/2023, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức Lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa - Gia Lai”.
Dự Lễ công bố về phía Cục Sở hữu trí tuệ có Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng, Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng và đại diện một số đơn vị trực thuộc Cục; về phía tỉnh Gia Lai có sự tham dự của Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; các viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài tỉnh; đại diện các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tronhg khu vực địa lý được bảo hộ của các sản phẩm.
Cục trưởng Lưu Hoàng Long trao Văn băng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” cho Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
Gia Lai hiện có khoảng 96.000 đàn ong với 292 hộ nuôi và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Tổng sản lượng mật ong khoảng 2.000-3.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm khoảng 80% sản lượng mật ong toàn tỉnh), số còn lại tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. Sản phẩm thuốc lá lá Krông Pa được đánh giá cao về chất lượng bởi số giờ nắng rất lớn ở địa phương, đây là sản phẩm chủ lực của huyện với giá trị sản lượng 220-250 tỷ đồng, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Phát biểu tại Lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, Cục trưởng Lưu Hoàng Long nhấn mạnh việc thúc đẩy công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất đặc thù, văn hóa truyền thống bản địa như cách làm của tỉnh Gia Lai là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là bước khởi đầu, công tác quản lý, kiểm soát để giữ gìn chất lượng và danh tiếng của sản phẩm mới là bài toán đặt ra cho chủ sở hữu. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, đối với các sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị chưa cao, chất lượng nông sản chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ tham gia ở công đoạn sản xuất sản phẩm thô, tỷ lệ chế biến, giá trị gia tăng thấp. Điều đó đòi hỏi phải thay đổi mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng mạnh mẽ để đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cục trưởng Lưu Hoàng Long phát biểu tại Lễ công bố
Trong khuôn khổ Lễ công bố, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo “Quản lý, khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, tiến hành khảo sát thực địa tại Công ty cổ phần Học viện café Việt Nam và Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 360 là những đơn vị tại tỉnh Gia Lai đã thành công trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, bước đầu có những thành công trong hoạt động xác lập và khai thác quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao vị thế trên thương trường. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức trao Giấy Chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian vừa qua cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm của tỉnh.
Trao Giấy Chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tin mới nhất
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Các tin khác
- Hội thảo “Sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký quốc tế nhãn hiệu”
- Hội thảo Thương mại hóa và quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu dành cho thành viên Mạng lưới TISC
- Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023
- Nghị định hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp
- Thông báo Tổ chức các Khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp năm 2023