Th 7, 25/02/2023 | 16:56 CH
Hiệp ước Marrakesh: Hài hòa giữa quyền tác giả và quyền lợi của người khuyết tật
Việc tham gia Hiệp ước Marrakes góp phần cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm cho những người không có khả năng đọc chữ in ở Việt Nam - dấu mốc quan trọng trên công cuộc cân bằng giữa bảo vệ quyền tác giả và lợi ích chung của những người khuyết tật đọc chữ in.
Hiệp ước bản quyền đầu tiên nhằm xóa bỏ “nạn đói sách”
Ngoài “bóng tối” do không nhìn thấy ánh sáng vật lý, người mù còn phải đối mặt với một loại “bóng tối” khác, xuất phát từ tình trạng thiếu “ánh sáng tri thức”. “Việc tiếp cận các tác phẩm đã xuất bản ở định dạng có thể tiếp cận được (như chữ nổi, chữ in lớn, sách điện tử, sách nói…) đối với người mù, người khiếm thị vẫn còn hết sức hạn chế ở Việt Nam”, bà Diana Torres, trợ lý đại diện thường trú ở Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam nhận xét trong hội thảo về Hiệp ước Marrakesh diễn ra vào cuối năm 2020. “Theo thống kê của Liên minh người mù thế giới, ước tính chưa đến 1% sách đã xuất bản ở các nước đang phát triển được chuyển sang các định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật đọc chữ in (bao gồm người mù, người khiếm thị, người tự kỷ, khuyết tật học tập hoặc những thách thức về thể chất khiến họ không thể cầm hoặc lật trang sách), dẫn đến nạn ‘đói sách’ với người khuyết tật đọc chữ in ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới”.
Học sinh ở một trường khiếm thị. Nguồn: giaoducthoidai.vn
Những người trong ngành, như một cán bộ ở trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã chứng kiến tình trạng này trong nhiều năm qua: “Một số tỉnh như Hậu Giang, Long An không có sách chữ nổi cho trẻ em lớp 3, 4 ở trường hòa nhập. Các em đi học không có sách, chỉ nghe các bạn đọc lại nên rất thiệt thòi. Ở Kon Tum có trường có đến 15 em học ở trường hòa nhập không có sách chữ nổi. Hậu quả là chỉ nghe loáng thoáng, không biết đọc viết, không có thực tế, không thể học cao và phát triển toàn diện. Cuối cùng lại chỉ làm các nghề tay chân, thiếu cả ánh sáng vật lý lẫn ánh sáng trí tuệ”.
“Nạn đói sách” đã hạn chế cơ hội giáo dục, việc làm và phát triển của người khuyết tật đọc chữ in, bao gồm người mù - vốn chiếm tỉ lệ không nhỏ ở Việt Nam. Theo điều tra dân số năm 2009, Việt Nam có khoảng 1 triệu người mù và người khiếm thị. “Số lượng người khuyết tật đọc chữ in ở Việt Nam dự kiến sẽ ngày càng tăng do già hóa dân số và sự gia tăng của các bệnh như đột quỵ, tiểu đường… có thể gây ra khuyết tật đọc chữ in”, bà Diana Torres nhận định. Trong số đó, tỉ lệ biết chữ và có việc làm của người mù ở Việt Nam khá thấp (38,5% biết chữ và gần 21% có việc làm - theo nghiên cứu của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc năm 2011).
Đây không phải là thách thức riêng ở các quốc gia đang phát triển. Ngay cả những nước phát triển như Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với nạn đói sách: theo thống kê của Liên đoàn người mù quốc gia Hoa Kỳ năm 2015, chưa đầy 5% các tác phẩm đã xuất bản được chuyển thành định dạng phù hợp với người mù và người không có khả năng đọc chữ in ở nước này.
Bộ sách giáo khoa Cánh diều do cán bộ trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) chuyển đổi sang dạng chữ nổi cho học sinh khiếm thị.
Vậy tại sao sách dành cho người khuyết tật lại khan hiếm? “Vấn đề chủ yếu là yếu tố thị trường, nhà xuất bản không sẵn sàng chịu thêm chi phí tạo bản sao dễ tiếp cận cho một số ít người không có khả năng đọc chữ in và lại có thu nhập thấp”, theo một báo cáo của UNDP năm 2018. Nhưng kể cả khi có những tổ chức sẵn sàng đứng ra đầu tư chuyển đổi các tác phẩm phục vụ cho người khuyết tật, họ cũng phải đối mặt với rào cản bản quyền. “Một khi các tác phẩm đã được bảo vệ bản quyền, những tổ chức này không thể chuyển văn bản thành định dạng dễ tiếp cận, trừ khi họ nhận được sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền (thường là nhà xuất bản) hoặc luật bản quyền ở quốc gia đó có quy định ngoại lệ cho phép tạo các bản sao dễ tiếp cận”.
Mong muốn cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm cho người không có khả năng đọc chữ in thông qua những ngoại lệ về bản quyền đã dẫn đến sự ra đời của Hiệp ước Marrakesh vào năm 2013. Dù biết những quy định ngoại lệ về bản quyền là chìa khóa để khắc phục nạn đói sách, song theo một nghiên cứu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vào năm 2007, khoảng 2/3 quốc gia không có các quy định này. Để thúc đẩy áp dụng ngoại lệ bản quyền ở tất cả các quốc gia, các chuyên gia đã đề xuất xây dựng một hiệp ước quốc tế. Sau nhiều cuộc đàm phán tại WIPO, đến năm 2013, các nước đã thông qua Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc, tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (gọi tắt là Hiệp ước Marrakesh). Trong buổi lễ kí kết năm 2013, đã có 51 quốc gia đồng ý tham gia hiệp ước.
Trước những lợi ích hứa hẹn mà hiệp ước mang lại, chỉ vài năm sau khi hiệp ước ra đời, Việt Nam cũng nhanh chóng “bắt kịp” chứ không bị “chậm chân” như khi tham gia các hiệp ước bản quyền đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi đời như công ước Bern hay công ước Rome. Sau khi hội người mù gửi công văn trình Thủ tướng đề nghị thúc đẩy gia nhập Hiệp ước Marrakesh vào năm 2019, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì nghiên cứu và xây dựng hồ sơ gia nhập hiệp ước. Sau gần ba năm chuẩn bị, vào đầu tháng 12 này, Việt Nam đã trao văn kiện gia nhập Hiệp ước Marrakesh cho Tổng giám đốc WIPO, trở thành thành viên thứ 117 của Hiệp ước.
“Việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh là một dấu mốc quan trọng với Việt Nam về việc đạt được sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ bản quyền và bảo vệ lợi ích chung của những người khiếm thị, người khuyết tật chữ in hoặc những người khuyết tật về thể chất, không thể cầm nắm, lật giở cuốn sách. Điều này cũng mở ra cơ hội để người khuyết tật Việt Nam được thực hiện quyền bình đẳng và hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất”, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ), phát biểu trong buổi lễ trao văn kiện gia nhập Hiệp ước Marrakesh.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ về quá trình chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi dành cho học sinh khiếm thính.
Thực thi những ngoại lệ về bản quyền
Hiệp ước Marrakesh đã gỡ bỏ rào cản trong việc tạo ra các tác phẩm ở định dạng dễ tiếp cận như sách chữ nổi, sách nói… thông qua việc yêu cầu các nước thành viên cho phép các đối tượng thụ hưởng (người không có khả năng đọc chữ in) và tổ chức ủy quyền thực hiện các hành vi sau mà không cần xin phép chủ thể quyền tác giả: tạo ra và phân phối các bản sao dễ tiếp cận trong nước; truyền đạt tác phẩm tới công chúng; xuất khẩu và nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận; ngoại lệ đối với các biện pháp công nghệ được áp dụng để bảo vệ quyền tác giả. Tuy nhiên, những ngoại lệ này chỉ được thực hiện kèm theo những điều kiện nhất định, chẳng hạn, việc xuất nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận chỉ được thực hiện giữa những quốc gia đều là thành viên của Hiệp ước.
“Những ngoại lệ này giúp hoạt động chuyển đổi, phân phối sách ở định dạng dễ tiếp cận được nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm chi phí, bớt đi khâu liên hệ, xin phép chủ bản quyền”, luật sư Đoàn Hồng Sơn, chuyên gia tư vấn ở UNDP phân tích. “Ngoài ra, những quy định này cũng thúc đẩy quá trình liên kết, trao đổi bản sao dễ tiếp cận giữa các tổ chức được ủy quyền, tránh lãng phí nguồn lực, trùng lặp trong việc tạo bản sao dễ tiếp cận”.
Nhìn vào các quốc gia đi trước, người ta có thể thấy những chuyển biến tích cực ở nhiều quốc gia sau khi gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Tiêu biểu như ở New Zealand, ngay sau khi kí kết Hiệp ước Marrakesh vào năm 2020, hơn 15.000 đầu sách cho người khiếm thị đã được nhập khẩu từ Canada. Các thư viện sẽ là đầu mối tiếp nhận và phân phối các bản sao dễ tiếp cận.
Để “đón đầu” những lợi ích của Hiệp ước Marrakesh, trong dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ cách đây gần hai năm do Bộ KH&CN chủ trì, ban soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định ngoại lệ nhằm hài hòa với Hiệp định. Khác với trước đây chỉ quy định ngoại lệ chuyển tác phẩm sang dạng chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi vừa được thông qua năm nay đã mở rộng các định dạng dành cho người khuyết tật, đồng thời bổ sung quy định nhập khẩu bản sao dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, liệu những ngoại lệ này có thể dẫn đến việc lạm dụng để để xâm phạm bản quyền? Để tránh tình trạng này, “chúng ta cần xây dựng cơ chế và áp dụng các giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích của chủ thể quyền, bao gồm việc xây dựng các chế tài đối với trường hợp lạm dụng, quản lý các tổ chức được ủy quyền, áp dụng các biện pháp công nghệ như watermark, fingerprint nhằm đảm bảo các bản sao dễ tiếp cận được tạo ra chỉ được phục vụ cho đối tượng thụ hưởng… Trong đó, việc xây dựng cơ chế để các tổ chức ủy quyền hoạt động bền vững và tự chủ là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt trong việc triển khai hiệu quả Hiệp ước tại Việt Nam”, luật sư Đoàn Hồng Sơn nói.
Khác với trước đây chỉ có những quy định ngoại lệ trong việc chuyển tác phẩm sang dạng chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi mới được thông qua năm nay đã mở rộng các định dạng dành cho người khuyết tật, đồng thời bổ sung quy định nhập khẩu bản sao dễ tiếp cận.
Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển
(Tác giả: Thanh An)
https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/hiep-uoc-marrakesh-hai-hoa-giua-quyen-tac-gia-va-quyen-loi-cua-nguoi-khuyet-tat/20221215091615213p1c785.htm
Tin mới nhất
- Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”
- Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Chương trình đào tạo và tư vấn quản trị sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam
- Giới thiệu cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế Patentscope
- Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng công cụ tra cứu nhãn hiệu Global Brand Database
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Các tin khác
- Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia: Bước tiến mới phát triển CDĐL của Việt Nam
- Tập huấn “Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển sản phẩm đáp ứng tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam” tại thành phố Hồ Chí Minh
- Công bố Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam
- Hội thảo "Những giải pháp thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài"
- Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ: Góp phần tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo