Th 7, 25/02/2023 | 16:41 CH
Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia: Bước tiến mới phát triển CDĐL của Việt Nam
Để biểu trưng CDĐL quốc gia mới được xây dựng thực sự trở thành công cụ hữu hiệu góp phần vào hoạt động quản lý và quảng bá các sản phẩm mang CDĐL của Việt Nam là một bài toán không dễ tìm lời giải.
Với danh tiếng và chất lượng đặc thù, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) - dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực địa lý cụ thể, thường có giá bán cao hơn nhiều so với thông thường. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào tem nhãn, không nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam có thể nhận biết đâu là sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Thật khó để tìm ra tường tận căn nguyên dẫn đến tình trạng trên, song nhiều chuyên gia nhận định rằng, một trong những vấn đề chính nằm ở việc thiếu biểu trưng CDĐL quốc gia. “Điều này dẫn đến những khó khăn trong quảng bá, giới thiệu về CDĐL, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong nhận diện các sản phẩm được bảo hộ, các cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dấu hiệu, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ CDĐL”, bà Lê Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) giải thích trong hội nghị công bố biểu trưng CDĐL quốc gia do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chứ vào ngày 28/10 vừa qua.
Vải thiều của Việt Nam sẽ được gắn biểu trưng CDĐL của Việt Nam khi bảo hộ tại thị trường Nhật Bản. Nguồn: vietnamtimes.org.vn
Để khắc phục tình trạng trên, dự án “Thiết kế Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia” (theo Quyết định số 1370/QĐ-BKHCN) đã ra đời vào năm 2020. “Biểu trưng CDĐL quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một dấu hiệu quan trọng để các cơ quan và tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang CDĐL”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu trong hội nghị. “Việc xây dựng thành công biểu trưng CDĐL quốc gia Việt Nam sẽ giúp nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam, khiến họ yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp các tổ chức quản lý kiểm soát được số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, giúp các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng phát hiện được các hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL”.
Biểu trưng CDĐL quốc gia đầu tiên của Việt Nam
Khi một sản phẩm được bảo hộ CDĐL ở Việt Nam, người sản xuất đáp ứng đủ điều kiện sử dụng CDĐL sẽ có quyền gắn CDĐL được bảo hộ lên bao bì sản phẩm, hàng hóa… khi lưu thông trên thị trường. Theo đó, mỗi CDĐL sẽ được thiết kế logo, tem nhãn khác nhau, thường bao gồm cả phần hình ảnh và chữ. Chẳng hạn, logo của CDĐL thanh long Bình Thuận có hình quả thanh long màu đỏ ở giữa, phía dưới là chữ “Bình Thuận” và “dragon fruit”.
Dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ song logo CDĐL lại có ý nghĩa hết sức quan trọng với cả người sản xuất và người tiêu dùng. Nếu xây dựng hình ảnh tốt, ngoài chức năng phân biệt sản phẩm hàng hóa, logo, tem nhãn CDĐL còn có thể trở thành dấu hiệu về chất lượng. Tiêu biểu như ở Pháp, một trong những quốc gia có nhiều CDĐL nổi tiếng lâu đời, người tiêu dùng thường ưa chuộng các sản phẩm mang CDĐL - tuy có giá đắt hơn, song đây là những sản phẩm đã được nhà nước đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và quy trình kỹ thuật.
Tương tự, việc gắn nhãn CDĐL cho các sản phẩm ở Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích trong thực tế. “Kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời vào năm 2005 đến nay, bằng hình thức đăng ký trực tiếp, Việt Nam đã bảo hộ được 120 CDĐL, trong đó có 108 CDĐL của Việt Nam và 12 CDĐL của nước ngoài. Thực tế là, các CDĐL được bảo hộ đã chứng minh được vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhận định.
Nếu các tem nhãn CDĐL riêng đã phát huy hiệu quả, việc xây dựng một biểu trưng CDĐL quốc gia có thực sự cần thiết? “Chúng tôi thấy rằng, cần thiết phải xây dựng biểu trưng CDĐL quốc gia”, bà Lê Minh Thu khẳng định. Bởi lẽ, bên cạnh những CDĐL thực sự trở thành công cụ nâng cao giá trị cho nông sản, không ít CDĐL của Việt Nam vẫn đang bị lãng phí. “Một trong những hạn chế của CDĐL ở Việt Nam hiện nay là ít được sử dụng trong thương mại, bao gồm sử dụng tên gọi, logo, nhãn mác, đặc biệt là Việt Nam chưa có biểu trưng CDĐL quốc gia để tăng uy tín trên diện rộng”, ông Bùi Kim Đồng ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam) nhận xét. Điều này xuất phát từ những hạn chế trong quá trình phát triển CDĐL, khiến người sản xuất thấy việc sử dụng logo CDĐL cũng không có giá trị hơn so với việc sử dụng nhãn hiệu riêng của họ. Với tình trạng quản lý CDĐL ở Việt Nam còn đang phân tán như hiện nay, việc giải quyết vấn đề trên không hề đơn giản. “Trong hệ thống kiểm soát CDĐL của Việt Nam, chưa có sự đồng nhất về chính sách quản lý CDĐL. Nội dung, kế hoạch, quy định kiểm soát CDĐL cũng chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ”, ông Bùi Kim Đồng nói.
Mong muốn về một công cụ thống nhất để quản lý và quảng bá CDĐL có thể trở thành hiện thực thông qua dự án xây dựng biểu trưng CDĐL quốc gia của Việt Nam. Làm thế nào để xây dựng một logo CDĐL đủ mạnh để người sản xuất muốn gắn lên sản phẩm của mình, thay vì sử dụng nhãn hiệu riêng của mỗi doanh nghiệp là điều mà ban quản lý dự án đã nghĩ đến. “Việc xây dựng biểu trưng CDĐL quốc gia sẽ góp phần tăng khả năng nhận diện của sản phẩm, là công cụ quản lý, tiếp thị và quảng bá sản phẩm mang CDĐL, cũng như góp phần kiểm soát, chống lại hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm”, bà Lê Minh Thu nói.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đi theo hướng này từ lâu. Chẳng hạn như các nước châu Âu đều sử dụng các biểu trưng CDĐL chung cho các sản phẩm được bảo hộ trên toàn khu vực. Tương tự, Trung Quốc và Nhật Bản cũng ban hành các biểu trưng CDĐL quốc gia, bất cứ sản phẩm nào được bảo hộ CDĐL sẽ được gắn dấu hiệu này. Chẳng hạn như vải thiều Lục Ngạn của Việt Nam được bảo hộ thành công tại Nhật Bản sẽ được gắn biểu trưng CDĐL quốc gia của nước này.
Chặng đường dài phía trước
Việc thiết kế logo CDĐL cho một sản phẩm vốn không đơn giản, chưa kể đến là một biểu trưng chung đại diện cho cả quốc gia. “Điều quan trọng nhất là biểu trưng CDĐL đó phải là biểu tượng cho Việt Nam. Chúng tôi đã băn khoăn, trăn trở rất nhiều về việc làm thế nào để mô tả, thể hiện được tất cả ý nghĩa trên logo này”, bà Park Joeun, đại diện của Công ty Tư vấn thiết kế BIMPlans, đơn vị tham gia thiết kế biểu trưng CDĐL quốc gia cho Việt Nam cho biết. “Do vậy, chúng tôi đã tiến hành điều tra, tìm hiểu về tình hình CDĐL của Việt Nam để đưa ra các chiến lược thiết kế. Đồng thời chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn sâu những người liên quan, bởi lẽ đối tượng sử dụng biểu trưng này là người dân Việt Nam, do vậy ý kiến của họ rất quan trọng”.
Sau quãng thời gian dài nghiên cứu, tuyển chọn, nhóm dự án đã quyết định lựa chọn mẫu biểu trưng với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng - giống màu quốc kỳ Việt Nam, cùng hình ảnh hoa văn chim Lạc quen thuộc trên trống đồng. “Dù có rất nhiều đề xuất, nhưng chúng tôi muốn biểu tượng đấy phải đặc trưng và đơn giản, dễ nhớ và tạo ấn tượng nhất, nên đã chọn lọc những biểu trưng đơn giản nhất”, bà Park Joeun nói. Đây là các tiêu chí mà biểu trưng CDĐL quốc gia nào trên thế giới cũng hướng đến, chẳng hạn như ở Nhật Bản, biểu trưng CDĐL quốc gia là hình ảnh núi Phú Sĩ và Mặt trời, tương tự với Quốc kì Nhật Bản nên rất dễ nhận biết.
Dù để có được biểu trưng CDĐL quốc gia “là một quá trình rất khó khăn, vất vả, vì nhiều lý do, có phần do dịch bệnh COVID-19, có phần do các quy định pháp luật chưa rõ ràng”, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nhận xét, song làm thế nào để ứng dụng hiệu quả biểu trưng này trong thực tế còn gian nan hơn nhiều. “Điều quan trọng hơn cả là làm sao để người dân biết đến, nhận thức được tầm quan trọng của biểu trưng CDĐL, cũng như xác định phương thức sử dụng trong thực tế”, bà Park Joeun nói. Bởi nếu không kiểm soát tốt, biểu trưng CDĐL quốc gia sẽ đi vào vết xe đổ của các logo CDĐL trước đây của Việt Nam. Hơn nữa, khi tiến ra thị trường nước ngoài, việc sử dụng logo CDĐL cũng là một trong những yếu tố được xem xét: “Khi đoàn khảo sát của Nhật Bản sang kiểm tra về việc sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột, họ đã đi mua rất nhiều sản phẩm cà phê mang logo CDĐL này rồi hỏi chúng tôi về việc sử dụng logo, tuy chúng ta sử dụng đúng mẫu logo nhưng lại tự ý chuyển sang màu sắc khác nhau tùy theo mà bao bì của từng đơn vị. Chẳng hạn logo đấy in lên màu trắng thì doanh nghiệp sử dụng một màu khác cho nổi, bao bì màu đen lại dùng một màu khác cho nổi. Họ hỏi việc thay đổi màu sắc với logo gốc này có được coi là hành vi vi phạm không, chúng ta rất khó giải thích”, theo chia sẻ của một đại điện sở hữu công nghiệp trong hội nghị sở hữu trí tuệ toàn quốc năm 2022.
Do vậy, “chúng ta phải có quy chế quản lý, sử dụng biểu trưng này, đồng thời tăng cường quảng bá giúp cho người tiêu dùng biết đến nhiều hơn”, ông Bùi Kim Đồng nói. Cụ thể, “đối tượng sử dụng biểu trưng này là những người sản xuất có nhu cầu, dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, có sự kiểm soát độc lập, đồng thời phải thực hiện cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm”.
Sau quãng thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình CDĐL của Việt Nam, nhóm dự án đã quyết định lựa chọn mẫu biểu trưng với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng - giống màu Quốc kỳ Việt Nam, cùng hình ảnh hoa văn chim Lạc quen thuộc trên trống đồng. Bà Park Joeun, đại diện của Công ty Tư vấn thiết kế BIMPlans, đơn vị tham gia thiết kế biểu trưng CDĐL quốc gia cho Việt Nam |
Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển
(Tác giả: Thanh An)
Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/bieu-trung-chi-dan-dia-ly-quoc-gia-buoc-tien-moi-phat-trien-cddl-cua-viet-nam/20221103121144821p1c160.htm
Tin mới nhất
Tổng số lượt truy cập: 14345874
Số người đang truy cập:14