Th 5, 09/01/2014 | 04:18 SA
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
QUỐC HỘI TRUNG QUỐC THÔNG QUA LUẬT NHÃN HIỆU MỚI
Ngày 30/8/2013 Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua Luật Nhãn hiệu mới sau hơn một thập kỷ chờ đợi...
Ngày 30/8/2013 Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua Luật Nhãn hiệu mới sau hơn một thập kỷ chờ đợi. Luật Nhãn hiệu mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1.5.2014.
Về cơ bản, Luật Nhãn hiệu mới có nhiều ưu điểm vì đã đưa vào nguyên tắc về tính trung thực và thiện ý, thắt chặt việc đăng ký với dụng ý xấu, cho phép đăng ký nhãn hiệu cho nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ trong một đơn, cho phép nộp đơn điện tử và chấp nhận đăng ký nhãn hiệu âm thanh.
Thời hạn thẩm định đơn cũng được quy định để giảm thiểu đơn tồn đọng, tăng sự chắc chắn cho người nộp đơn và cả người phản đối. Một điểm tiến bộ nữa có lợi cho người nộp đơn là Cục Nhãn hiệu TQ (CTMO) cũng có quyền yêu cầu người nộp đơn làm rõ hoặc sửa đổi đơn thay vì ra ngay quyết định từ chối.
Việc xác định thiệt hại theo quy định của Luật khi trên thực tế không xác định được thiệt hại (tổn thất thực tế của người có quyền đối với nhãn hiệu, lợi ích của người xâm phạm, và tiền sử dụng nhãn hiệu khó có thể xác định được). Tòa án trên cơ sở các tình tiết xâm phạm sẽ xác định mức bồi thường thiệt hại tối đa là 3.000.000 nhân dân tệ, tăng 6 lần so với quy định trước khi có Luật Nhãn hiệu mới.
Luật Nhãn hiệu mới sửa đổi quy định về phản đối và giải quyết phản đối của bên thứ ba trong quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu. Cụ thể, người phản đối sẽ không thể nộp yêu cầu xem xét lại kết quả giải quyết phản đối tại Hội đồng Giải quyết Khiếu nại nhãn hiệu (TRAB) thuộc Tổng cục Công thương Trung Quốc (SAIC) vì trước đó phản đối đã không được chấp nhận. Bên cạnh đó, Để có thể thực hiện quyền phản đối, bên phản đối phải là chủ nhãn hiệu được sử dụng trước hoặc có lợi ích liên quan đối với vụ việc phản đối nhãn hiệu trên cơ sở tương đối (relative grounds). Đối với cơ sở tuyệt đối (absolute grounds) Luật không có yêu cầu này đối với bên phản đối, nghĩa là không có hạn chế đối với các chủ thể muốn thực hiện phản đối đăng ký nhãn hiệu. Để giải quyết việc bên phản đối vẫn muốn theo đuổi việc phản đối của mình trên cơ sở tương đối, Luật mới quy định bên phản đối sẽ phải thực hiện thông qua thủ tục hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu.
Việc đưa vào Luật nguyên tắc trung thực và thiện ý là một tiến bộ, nhưng nó vẫn chỉ tồn tại như một quy định chung, còn tác động thực tế thì vẫn còn chưa rõ ràng. Chỉ khi nào các văn bản hướng dẫn thi hành dưới Luật được sửa đổi và ban hành (dự kiến trong năm 2014) thì các nguyên tắc trên mới trở nên rõ ràng và qua đó thể hiện được vai trò trong quá trình đăng ký nhãn hiệu.
Sau đây là tóm tắt nội dung và những thay đổi chính trong Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc.
Các thay đổi chính:
1. Nhãn hiệu âm thanh: Luật cho phép đăng ký nhãn hiệu âm thanh.
2. Thủ tục xem xét đơn: Luật cho phép đăng ký cho nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ trong một đơn đăng ký nhãn hiệu và có thể nộp đơn điện tử. Cục Nhãn hiệu cũng có thể yêu cầu người nộp đơn làm rõ hoặc sửa đổi đơn thay vì ra quyết định từ chối.
3. Tên Thương mại: Luật quy định các xung đột giữa một nhãn hiệu đã đăng ký hoặc một nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký với một tên thương mại, nghĩa là tên công ty hoặc tên doanh nghiệp, phải được giải quyết theo Luật cạnh tranh không lành mạnh, mà không phải là Luật Nhãn hiệu.
4. Mức bồi thường dân sự: Việc xác định mức bồi thường dân sự do hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được thực hiện theo trật tự sau:
i. Tổn thất thực tế do hành vi xâm phạm;
ii. Lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm của người xâm phạm nếu khó xác định được tổn thất thực tế của chủ sở hữu nhãn hiệu;
iii. Số lần hợp lý của tiền sử dụng nhãn hiệu nếu khó xác định tổn thất của chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như lợi nhuận người xâm phạm thu được.
Trong đó, nếu hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được thực hiện với dụng ý xấu có các tình tiết nghiêm trọng thì bồi thường thiệt hại được tính trong khoảng từ 1 đến 3 lần mức bồi thường nêu trên. Mức bồi thường phải bao gồm cả những chi phí hợp lý mà chủ sở hữu nhãn hiệu phải trả để ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Như trên đã chỉ ra, việc xác định thiệt hại theo quy định của Luật khi trên thực tế không xác định được thiệt hại (tổn thất thực tế của người có quyền đối với nhãn hiệu, lợi ích của người xâm phạm, và tiền sử dụng nhãn hiệu khó có thể xác định được). Tòa án trên cơ sở các tình tiết xâm phạm sẽ xác định mức bồi thường thiệt hại tối đa là 3.000.000 nhân dân tệ.
5. Mức phạt: Việc xác định mức phạt trong trường hợp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu căn cứ vào doanh thu bất hợp pháp. Cụ thể, khi doanh thu bất hợp pháp vượt quá 50.000 nhân dân tệ thì mức phạt cao nhất không vượt quá 5 lần doanh thu bất hợp pháp. Trong trường hợp không có doanh thu bất hợp pháp hoặc doanh thu bất hợp pháp thấp hơn 50.000 nhân dân tệ thì mức phạt sẽ không vượt quá 250.000 nhân dân tệ.
6. Đơn phản đối: Chỉ có chủ các quyền có trước hoặc bên có liên quan mới có thể nộp một đơn phản đối trên cơ sở gây nhầm lẫn với quyền nhãn hiệu có trước (relative grounds) hoặc gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý, nhưng không được dựa trên cơ sở không có khả năng phân biệt tự thân (absolute grounds).
Nếu Cục Nhãn hiệu không chấp nhận một đơn phản đối, thì nhãn hiệu vẫn sẽ được xem xét cấp đăng ký và người phản đối còn lại một khả năng là tiếp tục nộp đơn yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu với Hội đồng Giải quyết khiếu nại nhãn hiệu.
7. Đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu: Việc sử dụng hoặc nộp một đơn xin đăng ký một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu khác cho sản phẩm trùng hoặc tương tự mà người đó đã biết về việc nhãn hiệu này đã được sử dụng trước đó do có mối quan hệ về hợp đồng, về kinh doanh hoặc các mối quan hệ khác… thì đơn đăng ký sẽ bị từ chối.
8. Các yêu cầu đối với đại diện SHCN:
- Các đại diện về nhãn hiệu phải tư vấn cho khách hàng của mình nếu thấy nhãn hiệu khách hàng muốn đăng ký sẽ không được chấp nhận theo các quy định của Luật.
- Đại diện về nhãn hiệu không được phép thực hiện công việc nếu biết hoặc phải biết khách hàng của mình đang đăng ký một nhãn hiệu với dụng ý xấu hoặc đang xâm phạm quyền của người khác.
- Đại diện nhãn hiệu không được nộp đơn đăng ký dưới tên của mình dùng cho các sản phẩm/dịch vụ khác với “dịch vụ đại diện”, điều này nhằm tránh ý đồ lạm dụng của chính đại diện hoặc cho người khác. Nếu một đại diện bị phát hiện là thực hiện những việc nêu trên, thì Cục Nhãn hiệu và Hội đồng Giải quyết khiếu nại có thể ngừng nhận đơn của đại diện đó.
9. Nhãn hiệu nổi tiếng: Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng sẽ chỉ được xác lập trên cơ sở từng trường hợp một (case by case basic) và chỉ xác định khi cần thiết, ví dụ khi có yêu cầu xử lý vi phạm liên quan đến các hàng hóa/dịch vụ không tương tự. Nội dung “Nhãn hiệu nổi tiếng” không được sử dụng trên sản phẩm, bao bì, đồ chứa hoặc tại triển lãm, tài liệu quảng bá hoặc quảng cáo và các hoạt động kinh doanh khác.
Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng được thực hiện bởi Cục Nhãn hiệu (trong quá trình giải quyết đơn phản đối hoặc vụ việc xâm phạm nhãn hiệu) hoặc bởi Hội đồng Giải quyết khiếu nại nhãn hiệu (trong trường hợp khiếu nại về đơn phản đối và hủy bỏ hiệu lực) hoặc Tòa án Nhân dân.
10. Thời hạn thẩm định đơn nhãn hiệu:
Loại yêu cầu | Loại thẩm định | Cơ quan thực hiện | Thời hạn tối đa |
Đơn đăng ký | Thẩm định đơn | CTMO | 9 tháng |
Đơn đăng ký | Thẩm định đơn khiếu nại quyết định từ chối đơn | TRAB | 9 tháng |
Đơn phản đối | Thẩm định đơn phản đối | CTMO | 12 tháng |
Đơn phản đối | Thẩm định đơn khiếu nại kết quả phản đối | TRAB | 12 tháng |
Hủy bỏ hiệu lực | Thẩm định yêu cầu hủy bỏ hiệu lực do NH không có tính phân biệt tự thân | TRAB | 9 tháng |
Hủy bỏ hiệu lực | Thẩm định đơn khiếu nại về quyết định hủy bỏ hiệu lực của CTMO do không có tính phân biệt tự thân | TRAB | 9 tháng |
Hủy bỏ hiệu lực | Thẩm định một hủy bỏ hiệu lực trên cơ sở không có tính phân biệt tương đối do chủ nhãn hiệu có trước hoặc bên liên quan yêu cầu | TRAB | 12 tháng |
Đình chỉ hiệu lực | Thẩm định một yêu cầu đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu do đã thành danh từ chung (generic) hoặc không sử dụng 3 năm liền | CTMO | 9 tháng |
Đình chỉ hiệu lực | Thẩm định một khiếu nại về một quyết định đình chỉ hiệu lực của CTMO | TRAB | 9 tháng |
Lưu ý: Nếu cần thêm thời gian, cần phải có sự cho phép của Tổng cục Công thương Trung Quốc (SAIC) gia hạn 3 hoặc 6 tháng.
TVH Theo Rouse & Co
Tin mới nhất
- Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - IPDAY 2024: Sở hữu trí tuệ - Yếu tố quan trọng nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương - Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của liên hiệp quốc
- Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững: Vai trò của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
- Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023
- Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương
- Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ