Th 4, 24/04/2024 | 17:21 CH
Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững: Vai trò của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đưa ra một lộ trình đầy triển vọng cho sự tiến bộ của con người. Sự đổi mới là điều cần thiết để đáp ứng những mục tiêu đó. Sở hữu trí tuệ, với tư cách là động lực chính của đổi mới, thúc đẩy các hình thức tăng trưởng kinh tế, xã hội và văn hóa toàn diện cần thiết để cho phép chúng ta vượt qua những thách thức chung lớn nhất. Có thể xét thấy vai trò của sở hữu trí tuệ liên quan đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững, ví dụ như lương thực và nông nghiệp, y tế, đổi mới, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và chuyển giao công nghệ. Bởi vậy, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đang nỗ lực vì một thế giới nơi đổi mới sáng tạo được sở hữu trí tuệ hỗ trợ vì lợi ích của cộng đồng - cốt lõi của phát triển bền vững.
Chương trình nghị sự về phát triển quốc tế đã được các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và thậm chí cả Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) chấp nhận từ những năm cuối thế kỷ 20. Các chương trình nghị sự phát triển quốc tế kể từ đó đã được thông qua trong nhiều lần khác nhau. Vào tháng 9/2000, Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc đã đặt ra 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Mười năm năm sau, vào tháng 9/2015, 193 Thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs), thể hiện nỗ lực của cộng đồng toàn cầu trong việc thiết lập một kế hoạch hành động toàn cầu và đầy tham vọng để phát triển bền vững trong 15 năm tới. Các mục tiêu phát triển bền vững đưa ra tầm nhìn về phát triển cho Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh vào tính bền vững môi trường, đồng thời bổ sung trọng tâm mới vào tăng trưởng kinh tế, công nghiệp và thể chế. Chỉ có 3 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế hoặc công nghiệp, một số khác tập trung vào giáo dục, bình đẳng giới, bất bình đẳng, hòa bình và công lý cùng nhiều vấn đề xã hội khác.
Sở hữu trí tuệ (SHTT) không được đề cập trực tiếp trong các mục tiêu và chỉ tiêu trong Chương trình nghị sự 2030. Ngoại trừ đoạn 3.b của Mục tiêu 3 (Global Indicator Framework for the Sustainable Development Goals) đề cập đến quyền SHTT liên quan đến tính linh hoạt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phù hợp với Tuyên bố Doha về Hiệp định các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và Y tế công cộng . Liên Hợp Quốc cũng đưa ra rất ít hướng dẫn về cách hệ thống SHTT quốc tế nên thực hiện các SDG như thế nào .
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là lĩnh vực SHTT không thể hỗ trợ cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. WIPO là một trong 16 cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc. Chương trình nghị sự 2030 yêu cầu các tổ chức quốc tế huy động mọi nguồn lực từ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để tăng cường năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các nước đang phát triển nhằm hướng tới các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững hơn . Chính vì vậy mà WIPO nhận định rằng sẽ tham gia đầy đủ vào việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Với sứ mệnh là dẫn dắt sự phát triển của hệ thống SHTT cân bằng và hiệu quả, cho phép đổi mới và sáng tạo vì lợi ích của tất cả mọi người, trong tất cả các SDG, WIPO nhận thấy rằng các mục tiêu phát triển bền vững có mối liên hệ chặt chẽ hoặc nhất định với công việc của WIPO là Mục tiêu 9 (Công nghiệp, Sáng tạo và Phát triển hạ tầng) và 17 (Hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu) - liên quan đến nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược của WIPO; Mục tiêu 2 (Không còn nạn đói), Mục tiêu 3 (Sức khỏe và Cuộc sống tốt), Mục tiêu 4 (Đảm bảo chất lượng giáo dục), Mục tiêu 7 (Năng lượng sạch và Giá thành hợp lý), Mục tiêu 8 (Công việc tốt và Tăng trưởng kinh tế), Mục tiêu 12 (Tiêu thụ và Sản xuất có trách nhiệm) và Mục tiêu 13 (Hành động về khí hậu) - liên quan đến các chương trình, hoạt động của WIPO .
Bên cạnh việc tiếp tục tham gia vào các quy trình liên quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là các quy trình của Nhóm chuyên gia liên cơ quan về các chỉ số mục tiêu phát triển bền vững (IAEG-SDG) và Cơ chế tạo thuận lợi công nghệ (TFM), WIPO tích cực thực hiện các hoạt động, dự án để đóng góp cho việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030. WIPO nỗ lực thể hiện vai trò của mình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
WIPO góp phần nâng cao sự hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động của một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả thông qua các báo cáo nghiên cứu phân tích. Năm 2018, WIPO đã đưa ra Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) và Chỉ số SHTT Thế giới (WIPI). Cả GII và WIPI đều được đánh giá là hỗ trợ cho việc đạt được Mục tiêu 9 (Công nghiệp, Sáng tạo và Phát triển hạ tầng). Báo cáo GII 2018 tập trung thảo luận về “Tiếp thêm sinh lực cho thế giới bằng đổi mới sáng tạo”, cũng đưa ra những quan điểm quan trọng về Mục tiêu 7 (Năng lượng sạch và Giá thành hợp lý). Báo cáo GII 2019 thì tập trung vào “Tạo dựng cuộc sống khỏe mạnh - Tương lai của ngành y tế”, làm sáng tỏ vai trò của đổi mới y tế trong việc xác định tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia ở các giai đoạn khác nhau của phát triển - liên quan trực tiếp đến Mục tiêu 3 (Sức khỏe và Cuộc sống tốt).
Cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực SHTT là một nguồn tài nguyên quan trọng và là nguồn lực mạnh của WIPO. Chính vì vậy, WIPO cũng góp phần tăng cường hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu thông qua một số quan hệ đối tác chia sẻ dữ liệu, theo khuyến nghị của Mục tiêu 17 (Hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu) :
(i) WIPO GREEN hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách cung cấp kiến thức chuyên môn và công nghệ xanh. Nền tảng này giúp thúc đẩy sự đổi mới và phổ biến các công nghệ bền vững với môi trường và góp phần vào các sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu/khu vực. Cụ thể, WIPO GREEN xác định các nhu cầu công nghệ xanh cụ thể và kết nối chúng với các công nghệ tương ứng đã có trong mạng lưới và cơ sở dữ liệu trực tuyến của WIPO GREEN. WIPO GREEN hỗ trợ đạt được nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm Mục tiêu 2 (Không còn nạn đói), Mục tiêu 6 (Nước sạch và Vệ sinh), Mục tiêu 7 (Năng lượng sạch và Giá thành hợp lý), Mục tiêu 9 (Công việc tốt và Tăng trưởng kinh tế), Mục tiêu 13 (Hành động về khí hậu), Mục tiêu 14 (Tài nguyên và Môi trường biển) và Mục tiêu 17 (Hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu).
(ii) WIPO Re:Search cũng là một nền tảng quan trọng khác nhằm mục đích đẩy nhanh việc khám phá và phát triển thuốc, vắc xin và chẩn đoán cho những bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (Neglected Tropical Diseases), sốt rét và bệnh lao – hỗ trợ Mục tiêu 3 (Sức khỏe và Cuộc sống tốt).
(iii) Góp phần thực hiện Mục tiêu 3 (Sức khỏe và Cuộc sống tốt) và Mục tiêu 17 (Hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu), WIPO tiếp tục hợp tác với WHO nghiên cứu về vấn đề sử dụng Tên không độc quyền quốc tế cho các dược chất (INN). Đáng chú ý là vào năm 2018, hai tổ chức đã đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác cho phép trao đổi thông tin có trong Trung tâm dữ liệu toàn cầu INN của WHO và Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu hiệu toàn cầu WIPO (GBD). Theo đó, thẩm định viên nhãn hiệu ở các quốc gia thành viên WIPO hiện có thể tìm kiếm GBD cho tên INN ở định dạng có thể truy cập được và bằng cách sử dụng các bộ lọc khác nhau tạo điều kiện thuận lợi cho việc so sánh văn bản giữa INN và nhãn hiệu bằng lời nói. Với sự trợ giúp của công cụ mới này, họ sẽ có thể đáp ứng lợi ích của công chúng trong việc giữ những tên này miễn phí và sẵn sàng cho các dược sĩ và bác sĩ y tế trên toàn thế giới sử dụng, từ đó ngăn ngừa sai sót về thuốc.
WIPO làm việc với các quốc gia thành viên của mình để hỗ trợ khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng, bao gồm cả việc thực hiện các điều chỉnh dựa trên điều ước quốc tế để sách dành cho người đọc khiếm thị và người không có khả năng đọc chữ in có thể được tìm nguồn và chia sẻ dễ dàng hơn xuyên biên giới quốc gia – góp phần cho việc thực hiện Mục tiêu 4 (Đảm bảo chất lượng giáo dục). WIPO cũng chủ trì dựa trên quan hệ hợp tác công tư để xây dựng Accessible Books Consortium (ABC) nhằm triển khai thực tế Hiệp ước Marrakesh nhằm tạo điều kiện tiếp cận các tác phẩm đã xuất bản cho người mù, người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc chữ in. Mục tiêu của ABC là tăng số lượng sách trên toàn thế giới ở các định dạng dễ tiếp cận - chẳng hạn như chữ nổi, âm thanh, văn bản điện tử, bản in khổ lớn - và cung cấp chúng cho những người không có khả năng đọc chữ in.
SHTT là một thành phần quan trọng cho sự đổi mới sáng tạo vì nó giúp thiết lập cơ chế khuyến khích các nhà đổi mới trên thế giới tạo ra các công nghệ và quy trình mới giúp cải thiện cuộc sống. Bằng cách này, rõ ràng là đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa thành công của các mục tiêu phát triển bền vững. Nhờ sức sáng tạo của con người, sẽ phát triển được các giải pháp mới để có thể xóa đói giảm nghèo, tăng năng suất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng tốt, tăng khả năng tiếp cận năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chống lại bệnh tật, cải thiện giáo dục, bảo vệ môi trường, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon, tăng năng suất, và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp . Tuy nhiên, đôi khi hệ thống SHTT có thể bị lạm dụng để tăng giá thuốc, bán công nghệ gây ô nhiễm, giảm đa dạng sinh học, ngăn chặn chuyển giao công nghệ… Chính vì vậy, tổ chức quốc tế như WIPO và các quốc gia cần phải thúc đẩy hệ thống SHTT cân bằng và hiệu quả nhằm khuyến khích đổi mới và sáng tạo, đồng thời hỗ trợ dòng chảy kiến thức và chuyên môn kỹ thuật trong và giữa các quốc gia.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tài liệu tham khảo:
1. WIPO (2016), Compilations of members state inputs on SDGs relevant to WIPO’s work (CDIP/16/8) https://www.wipo.int/edocs/mdocs/mdocs/en/cdip_16/cdip_16_8.pdf
2. WIPO (2019). Report on WIPO’s Contribution to the Implementation of the Sustainable Development Goals and Its Associated Targets (CDIP/23/10) https://wipo.int/meetings/en/doc_details.jsp?doc_id=431319
3. Sara Bannerman (2020), The World Intellectual Property Organization and the sustainable development agenda
https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3941544
Các tin khác
- Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023
- Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương
- Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
- Hiệp hội các nhà sáng chế nữ Hàn Quốc: Thúc đẩy thương mại hóa kết quả đổi mới sáng tạo của phụ nữ
- Bình đẳng giới trong ngành nông nghiệp châu Phi: Mệnh lệnh về sự đổi mới