Th 4, 22/04/2020 | 15:00 CH
Các FTA thế hệ mới: Cơ hội và thách thức với hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam
Có thể nói một cách hình ảnh rằng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại cơ hội lớn, giúp chúng ta giong thuyền ra khơi thâm nhập vào thị trường quốc tế, nhưng để “thuận buồm xuôi gió”, cần hiểu rõ những quy định chặt chẽ hơn nhiều lần so với các hiệp định trước đây.
Những năm vừa qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn, được đánh giá là có ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế nói chung và hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng, như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và Liên minh châu Âu (EVFTA) năm 2019.
Trong đó riêng về quyền sở hữu trí tuệ, các FTA mới này đã nâng cao mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vượt bậc so với chuẩn mực quốc tế phổ biến trước đó như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này đem lại những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào sân chơi mới, nhưng ngược lại cũng gây không ít khó khăn nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cam kết mới ở mức độ cao và toàn diện
Các cam kết sở hữu trí tuệ trong hai FTA thế hệ mới gồm Hiệp định EVFTA và Hiệp định CPTPP ở mức độ cao và toàn diện hơn, phạm vi các vấn đề điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực so với trước đây.
Về quy định chung, hai hiệp định này yêu cầu minh bạch hóa hơn nữa các chính sách, quy định liên quan đến SHTT, cụ thể như phải công bố trên Internet quy định pháp luật, các thủ tục, quyết định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT, hay minh bạch hơn trong quy trình xác lập cũng như thực thi quyền SHTT, cụ thể như công bố đơn đăng ký SHCN, đăng tải thông tin về nỗ lực thực thi quyền SHTT …
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình truy xuất nguồn gốc trên nông sản, đặc biệt với những mặt hàng có tiềm năng trao đổi với thị trường EU
Về chế độ bảo hộ quyền SHTT, ngoài các quy định chung, hai hiệp định này lại đưa thêm những tiêu chuẩn riêng, như Hiệp định CPTPP yêu cầu phải bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và nỗ lực bảo hộ nhãn hiệu mùi (trong khi Hiệp định TRIPS và pháp luật của Việt Nam hiện tại chỉ bảo hộ sản phẩm nhìn thấy được); yêu cầu cơ chế độc quyền dữ liệu đồng thời gia tăng thời hạn độc quyền lên 10 năm trong thủ tục đăng ký lưu hành nông hóa phẩm (trong khi cơ chế hiện tại chỉ là nghĩa vụ bảo mật và thời hạn bảo mật 5 năm); hay Hiệp định EVFTA yêu cầu phải có cơ chế đền bù cho chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế nếu chậm trễ bất hợp lý trong thủ tục cấp phép lưu hành thuốc (cơ chế này chưa từng xuất hiện trong TRIPS hay pháp luật Việt Nam), yêu cầu công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý (rượu vang, rượu mạnh và các mặt hàng nông sản khác) của EU với mức bảo hộ cao vốn chỉ dành riêng cho rượu vang và rượu mạnh...
Mặc dù sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP (tiền thân của Hiệp đinh CPTPP), rất nhiều điều khoản liên quan đến chế độ bảo hộ cao đã được tạm hoãn thi hành trong Hiệp định CPTPP, nhưng rõ ràng với xu thế này, trong tương lai khi Hoa Kỳ quay trở lại đàm phán, hoặc Việt Nam tiếp tục tham gia các FTA với đối tác là các nước phát triển khác, chắc chắn sức ép của việc áp dụng cơ chế bảo hộ cao về SHTT sẽ vẫn tiếp tục là con bài trong cuộc chơi đánh đổi lợi ích kinh tế và tiếp cận thị trường.
Về chế độ thực thi quyền SHTT, hai hiệp định yêu cầu siết chặt thực thi quyền SHTT thông qua các chế tài xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, đặc biệt là về hình sự. Hiệp định CPTPP yêu cầu hình sự hóa hàng loạt hành xâm phạm quyền theo hướng hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm.
Ví dụ, các hành vi trước đây vẫn được nhiều người Việt coi là “nhỏ” như quay phim trong rạp mà gây thiệt hại cho chủ thể quyền hay nghiêm trọng hơn như xâm phạm bí mật thương mại trên mạng máy tính, hoặc chỉ nhập khẩu hoặc sử dụng tem nhãn và bao bì giả mạo nhãn hiệu (chứ không phải sản phẩm giả mạo)… cũng đã có thể bị xử lý hình sự. Xa hơn, Hiệp định này còn quy định phải xử lý hình sự ngay cả khi chủ sở hữu hoặc bên thứ ba không yêu cầu.
Đối với kiểm soát biên giới, hai hiệp định này đều yêu cầu cơ chế chủ động kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh đối với hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng sao lậu quyền tác giả mà không cần phải có yêu cầu của chủ SHTT như quy định hiện nay. Quy định này giúp các cơ quan hải quan chủ động hơn trong hoạt động kiểm tra, giám sát nhưng cũng gây ra những hạn chế nhất định như dễ bị lạm dụng để cản trở tiến trình thông quan của các doanh nghiệp chân chính.
Mặc dù một số yêu cầu nâng cao mức độ thực thi quyền cho phép thời gian chuyển tiếp (3 năm), nhưng thời gian này là khá ngắn ngủi, khiến cho áp lực để sửa đổi pháp luật tương thích cũng như tăng cường nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa tôn trọng quyền SHTT vẫn còn thấp như hiện nay.
FTA mới và các cam kết cho phát triển bền vững Cam kết SHTT trong các FTA, dù thuộc các quy định chung, mức độ bảo hộ, hay biện pháp thực thi, đều thúc đẩy đổi mới và tăng cường chuyển giao, quảng bá công nghệ, từ đó đều có thể là các công cụ hỗ trợ đắc lực góp phần cho một thế giới ngày càng xanh hơn. Ví dụ, sự minh bạch về quy trình hay cơ sở dữ liệu sáng chế giúp cho các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu có thể truy cập tới hàng triệu sáng chế, giải pháp hữu ích liên quan đến công nghệ xanh như giảm thiểu khí thải, tối ưu sản xuất, hạn chế tác động môi trường v.v., từ đó tiếp tục nghiên cứu, cải tiến trên cơ sở công nghệ sẵn có, hoặc tìm kiếm hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ sở hữu sáng chế để xây dựng các nhà máy, công xưởng thân thiện với môi trường hơn. Hay đối với người tiêu dùng, các biện pháp bảo hộ nhãn hiệu mạnh mẽ cũng góp phần giúp người tiêu dùng định vị được các nhãn hiệu của các nhà sản xuất thực sự đầu tư cho các sản phẩm thân thiện môi trường của mình (ví dụ thông qua việc tìm kiếm các nhãn hiệu liên quan đến "bio", "eco" hay "green", hay các nhãn hiệu chứng nhận, nhận hiệu tập thể liên quan đến quy trình sản xuất sạch và an toàn); hay quảng bá và bảo hộ hiệu quả các chỉ dẫn địa lý nổi tiếng với các sản phẩm nông sản sạch hay sản phẩm chế biến an toàn. Hoặc đơn giản có thể là các biện pháp thực thi đầy đủ và hiệu quả giúp cho các chủ sở hữu có thể thu được lợi nhuận từ công sức và chi phí đầu tư bỏ ra, từ đó có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư những sản phẩm mới ngày một hiệu quả hơn, thân thiện với môi trường hơn. Mặc dù không trực tiếp hiển thị, nhưng rõ ràng SHTT là một công cụ ngầm hỗ trợ đắc lực cho sáng tạo, chuyển giao và phổ biến công nghệ, trong đó bao gồm cả công nghệ xanh. Với tư duy đổi mới và chiến lược sử dụng quyền SHTT trong bối cảnh hội nhập toàn cầu một cách đúng đắn, cân bằng, thì sự phát triển bền vững trên nền tảng công nghệ gắn với môi trường là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được trong tầm tay. |
Cơ hội và thách thức: “thuyền lớn sóng cả”
Nếu theo sát được hết các quy định đó, thì chúng ta có được nhiều cơ hội mới, nhằm tiếp tục thúc đẩy cơ chế bảo hộ quyền SHTT làm công cụ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội.
Đây cũng là mốc quan trọng để tiếp tục hướng tới các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ của khu vực và thế giới, tạo ra một môi trường tốt có khả năng thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng nền sản xuất, tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội sinh.
Tuy nhiên, “thuyền lớn thì sóng cả”, chúng ta sẽ phải trải qua không ít thách thức. Có thể nói, các cam kết về SHTT trong các FTA mới có tác động toàn diện đến hệ thống SHTT của Việt Nam. Nhà nước sẽ phải đầu tư lớn về mọi mặt, đặc biệt phải cải cách hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT (Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả) các và các cơ quan thực thi, nhất là hải quan và tòa án phải được trang bị năng lực cần thiết, từ hạ tầng kỹ thuật, đến thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ… Cụ thể:
- Về chính sách, pháp luật: phải sửa đổi hệ thống pháp luật cũng như thay đổi cơ cấu hệ thống pháp luật để thi hành các cam kết. Ví dụ, sửa quy định về nhãn hiệu để bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống; sửa quy định về sáng chế liên quan đến cơ chế đền bù nếu việc xử lý đơn xin cấp phép lưu hành thuốc liên quan đến sáng chế đó bị chậm trễ bất hợp lý; sửa quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm; hay sửa các quy định liên quan đến chế tài, hình phạt đối với nhiều hành vi xâm phạm quyền SHTT;
- Về tổ chức bộ máy: Các cơ quan quản lý nhà nước phải minh bạch hơn trong thực hiện các thủ tục xác lập quyền (cho công chúng tiếp cận thông tin về đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ đối với quyền SHCN) cũng như thực thi quyền (công chúng có thể tiếp cận các bản án, các quyết định xử phạt trong lĩnh vực SHTT); duy trì hệ thống nộp đơn trực tuyến và cơ sở dữ liệu trực tuyến song song với hệ thống đơn và cơ sở dữ liệu giấy. Các cơ quan thực thi phải tổ chức lại bộ máy thực thi quyền SHTT, trong đó phân định rõ ranh giới giữa thực thi dân sự, hành chính và hình sự theo hướng thu hẹp phạm vi thực thi hành chính, đẩy mạnh thực thi dân sự và hình sự; năng lực của các cơ quan thực thi đặc biệt là tòa án và cơ quan thực thi quyền tại biên giới phải được nâng cao để đáp ứng yêu cầu mới v.v..
Song song với đó, các cơ quan quản lý nhà nước còn cần thực hiện các chính sách chống tác động tiêu cực của chế độ bảo hộ SHTT mới (chính sách y tế để bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý cho toàn dân; chính sách nông nghiệp, nông thôn để bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp với giá cả hợp lý cho bà con nông dân…) cũng như nâng cao nhận thức xã hội nói chung và nhận thức của doanh nghiệp nói riêng để tạo ra văn hóa tôn trọng quyền SHTT.
Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn thông điệp kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là “Innovate for a Green Future - Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh" với mục tiêu tạo ra một chiến dịch lấy đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo làm trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Báo Khoa học và Phát triển trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách phát triển tài sản SHTT, giới thiệu các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ và ứng dụng vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển bền vững và mở ra con đường dẫn đến tương lai xanh cho đất nước. |
Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/cac-fta-the-he-moi-co-hoi-va-thach-thuc-voi-he-thong-so-huu-tri-tue-viet-nam/2020042104115084p1c882.htm
Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển
(Tác giả: Nguyễn Hà; Bài viết trong chuyên mục chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4)
Tin mới nhất
- Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - IPDAY 2024: Sở hữu trí tuệ - Yếu tố quan trọng nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương - Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của liên hiệp quốc
- Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững: Vai trò của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
- Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023
- Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương
- Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Các tin khác
- Công nghệ chuỗi khối và Luật Sở hữu trí tuệ: Sự kết hợp trong không gian điện tử
- Nhãn hiệu – Một công cụ nhận diện sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng
- Sở hữu trí tuệ - Công cụ hỗ trợ hướng tới nền kinh tế bền vững, giảm thiểu phát thải các-bon
- Cập nhật các bài nghiên cứu mới về COVID-19
- Nghiên cứu về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống - Bảo hộ nhãn hiệu mùi