Hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2009
Sở hữu trí tuệ đang ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế của đất nuớc cũng như tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không còn là nội dung xa lạ với các doanh nghiệp và toàn xã hội. Các đối tượng như sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu, phần mềm máy tính, bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật đã trở thành tài sản trí tuệ rất có giá trị góp phần quan trọng làm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau gần 28 năm hình thành và phát triển, hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam ngày nay đã trở thành một hệ thống khá hoàn chỉnh với khung pháp luật sở hữu trí tuệ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống quản lý và thực thi sở hữu trí tuệ bao phủ toàn quốc từ trung ương đến 63 tỉnh thành phố; các đội ngũ phụ trợ như hệ thống các đại diện sở hữu trí tuệ, các hiệp hội ngành nghề nhằm hội tụ trí tuệ và thúc đẩy việc phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ đã được thành lập và phát triển.
Năm 2009, tuy Việt Nam và thế giới chưa hoàn toàn ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, nhưng với nỗ lực chung của cả nước nền kinh tế Việt Nam trong đó có hoạt động sở hữu trí tuệ vẫn giữ được đà tăng trưởng. Tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có giảm sút đầu năm nhưng đã hồi phục vào cuối năm đã giúp đưa tổng số đơn đăng ký sở hữu trí tuệ tăng 5% so với năm trước đó. Tháng 6/2009 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đưa các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của TRIPS/WTO. Việc tăng tốc độ xử lý nhằm giải quyết tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cũng đạt được những kết quả đáng kể. Quan hệ quốc tế song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Công tác sở hữu trí tuệ địa phương tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng được đẩy mạnh một bước làm tăng vai trò của sở hữu công nghiệp trong tổng thể thành tựu chung của khoa học công nghệ tại các địa phương; công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thông qua Chương trình 68 của Chính phủ đã đạt được những kết quả rất khích lệ.
Tuy vậy, năm 2010 vẫn đặt ra nhiều thách thức cho toàn bộ hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đó là yêu cầu thúc bách làm sao tăng được tài sản trí tuệ của quốc gia; làm sao khai thác và thương mại hoá có hiệu quả các tài sản đó; làm sao khai tác hiệu quả kho thông tin sáng chế hết sức phong phú của nhân loại; tiếp tục tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ và nhu cầu nâng cao hiểu biết của toàn xã hội về sở hữu trí tuệ.
Trên cơ sở những nền tảng đã xây dựng được và những kết quả đạt được trong năm 2009, toàn bộ hệ thống sở hữu trí tuệ sẽ cùng nỗ lực để vượt qua thách thức để đạt được các thành tựu mới, góp phần tích cực thực thiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước cũng như hội nhập đầy đủ hơn nữa với bạn bè và đối tác năm châu.
Tin mới nhất
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2023
- Số liệu thống kê phục vụ Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2023
- Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2022
- Số liệu thống kê phục vụ Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2022
- Cục Sở hữu trí tuệ: 40 năm xây dựng và phát triển