Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2020

Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2020

Là năm đầu tiên triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030, Cục SHTT đã xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định số 508/QĐ-BKHCN ngày 24/3/2020 ban hành Kế hoạch của Bộ KH&CN về việc thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030, cũng như hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Chiến lược. Việc triển khai Chiến lược được thực hiện dưới hình thức ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược hoặc lồng ghép trong các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan.

Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong năm 2020 các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT vẫn được triển khai một cách chủ động và tích cực, góp phần quan trọng vào việc duy trì các hoạt động hợp tác quốc tế về đàm phán thành công các hiệp định quốc tế, bao gồm Hiệp định RCEP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Đặc biệt, triển khai nhiệm vụ của năm Chủ tịch ASEAN 2020, Cục đã chủ trì tổ chức 03 phiên họp trực tuyến của Nhóm công tác về SHTT của ASEAN (AWGIPC) và đảm nhiệm thành công nhiệm vụ Chủ tịch AWGIPC nhiệm kỳ 2019-2021.

Năm 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), xử lý 71.829 đơn và cấp 48.072 Văn bằng bảo hộ (tăng lần lượt là 1,3%; 10,5% và 18,1% so với năm 2019). Kết quả này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Cục SHTT trong hoạt động xác lập quyền SHTT, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19.

Công tác phát triển tài sản trí tuệ được Cục SHTT đặc biệt quan tâm, thúc đẩy thông qua việc góp ý các Văn kiện của Đảng, Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND các tỉnh/thành phố về sử dụng tài sản trí tuệ phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Tính đến năm 2020, có 42 tỉnh/thành phố đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; 1.148 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hàng nghìn lớp tập huấn, đào tạo và chương trình truyền thông về SHTT được thực hiện.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên, Cục SHTT sẽ tập trung triển khai một số công việc trọng tâm bao gồm: Xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào tháng 10/2021; tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế; hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục SHTT giai đoạn 2021-2025 và tổ chức triển khai Đề án sau khi được phê duyệt; triển khai thành công các dự án công nghệ thông tin và các dự án xây dựng, sửa chữa trụ sở Cục đề tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu công việc của Cục; đẩy mạnh xây dựng Mạng lưới các trung tâm SHTT (TISC và IP-Hub) tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai các dịch vụ SHTT để chuyển hóa quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động của Cục SHTT nhằm phát huy vai trò hạt nhân của Cục trong toàn hệ thống SHTT của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung./.

Tải về toàn văn báo cáo.

CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ