Th 4, 10/07/2024 | 14:17 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng sơn" cho sản phẩm mác mật

Ngày 28/6/2024, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 561/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00141 “Lạng Sơn” cho sản phẩm mác mật. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này

Mác mật là cây bản địa phân bố tại nhiều huyện của tỉnh Lạng Sơn: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc, Tràng Định và Văn Lãng. Lá và quả mác mật là hương vị chính tạo nên các món ẩm thực nổi tiếng của Lạng Sơn. Sản phẩm mác mật của tỉnh Lạng Sơn đã có danh tiếng từ lâu đời, là đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả trong nước. Ngoài ra, mác mật cũng là một phần không thể thiếu trong món vịt quay lá mác mật của tỉnh Lạng Sơn, được vinh danh là một trong top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam

Hình:  Sản phẩm mác mật Lạng Sơn

Mác mật Lạng Sơn có được danh tiếng như vậy là nhờ có mùi thơm đậm và vị cay nhẹ, được thể hiện qua hàm lượng Myristicin trong tinh dầu cao. Hàm lượng Myristicin trong tinh dầu của quả mác mật Lạng Sơn tươi là 27,68 – 37,95%, trong quả mác mật khô là 27,64 – 33,01%, trong lá mác mật tươi là 10,88 – 16,76%, và trong lá mác mật khô là 29,63 – 35,27%. Ngoài ra, quả mác mật tươi và lá mác mật tươi mang chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” còn có hàm lương protein lần lượt là 3,56 – 4,31% và 3,52 – 6,37%.

Các tính chất, chất lượng đặc thù của mác mật Lạng Sơn có được là nhờ những điều kiện đặc thù tại vùng đất nơi đây. Lượng mưa trung bình ở khu vực địa lý sản xuất mác mật Lạng Sơn trong các tháng 01 và 02 khá cao so với cùng thời điểm tại các khu vực trồng mác mật khác, lần lượt ở mức 36,55 mm và 34,17 mm. Ngược lại, trong các tháng từ tháng 5 – 8, lượng mưa trung bình tại khu vực địa lý lại thấp hơn các khu vực trồng mác mật khác, ở mức từ 156,81 mm đến 232,45 mm. Lượng mưa nhiều hơn trong tháng 1 và 2 sẽ hỗ trợ quá trình nảy mầm của chồi, cành non, lá non và nụ hoa. Lượng mưa thấp hơn trong các tháng 5, 6, 7 và 8 trùng với giai đoạn quả mác mật tích lũy dinh dưỡng cao nhất, chín và được thu hoạch. Do có lượng mưa thấp hơn nên quá trình tổng hợp các chất trong tinh dầu quả và lá mác mật Lạng Sợn diễn ra thuận lợi hơn.

Độ cao địa hình tỉnh Lạng Sơn ở mức dưới 600m, trung bình 252m so với mặt nước biển, thấp hơn so với độ cao của các khu vực sản xuất mác mật khác. Ở độ cao thấp hơn thì cây tích lũy nhiều tinh dầu hơn. Độ cao địa hình thấp giúp cho sự tổng hợp các thành phần tinh dầu (bao gồm myristicin) trong quả và lá mác mật tại Lạng Sơn cao hơn so với các địa phương khác.

Thêm vào đó, đất trồng mác mật tại khu vực địa lý cũng có hàm lượng K2O và độ pH phù hợp với việc sản xuất mác mật. Hàm lượng K2O tổng số trong mẫu đất thu được tại khu vực địa lý khá cao, dao động từ 0,327% đến 0,883%, trung bình là 0,597%, là yếu tố hỗ trợ quá trình tổng hợp protein trong quả và lá mác mật của Lạng Sơn. Các mẫu đất trồng mác mật tại Lạng Sơn có độ pH từ 4,42 đến 8,24, trung bình là 6,864, ở mức cao do đất được hình thành trên nền đá vôi. Độ pH đất của Lạng Sơn thích hợp với cây mác mật hơn dẫn đến quá trình tổng hợp protein, myristicin trong quả và lá mác mật Lạng Sơn
tốt hơn.

Khu vực địa lý sản xuất sản phẩm mác mật Lạng Sơn gồm các khu vực sau đây thuộc tỉnh Lạng Sơn:

- Toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Văn Lãng và Văn Quan;

- Các xã thuộc huyện Tràng Định: Quốc Khánh, Đội Cấn, Chí Minh, Tri Phương, Tân Yên, Tân Tiến, Kim Đồng, Đề Thám, Hùng Sơn, Hùng Việt và Quốc Việt;

- Các xã, thị trấn thuộc huyện Chi Lăng: Vạn Linh, Y Tịch, Bằng Mạc, Bằng Hữu, Gia Lộc, Mai Sao, Thượng Cường, Hòa Bình, Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng./.

 

Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế!