Th 4, 28/04/2021 | 16:36 CH
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm cua biển
Ngày 14 tháng 4 năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1047/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00102 cho cua biển Bến Tre. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trên 90% diện tích tự nhiên là đất ngập nước, chịu ảnh hưởng của sông Cửu Long qua các nhánh sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên và chế độ thủy triều của biển Đông. Trước khi con người đến định cư, Bến Tre là một vùng hoang vu bao phủ bởi rừng rậm xen lẫn các trảng lau, sậy hoặc đầm lầy cỏ lác, sen súng... Lê Quý Đôn đã ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục giữa thế kỷ 18: "Từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm". Phần lớn người di cư đến Bến Tre bằng đường biển và đường bộ, họ chọn những giồng đất cao để sinh sống. Vùng đất Ba Tri được khai phá sớm nhất vì nơi đây là địa điểm dừng chân của các lưu dân theo đường biển. Chỉ trong hai thế kỷ, những vùng đất hoang vu đầy dã thú, các cù lao nằm ở cuối sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên đã trở thành nơi sản xuất dừa, trái cây, gạo, thủy sản và cua biển ngon nổi tiếng.
Cua sống Bến Tre có vỏ sáng bóng, màu xanh lục hoặc vàng sẫm. Yếm cua rắn, chắc. Thể trạng khỏe, nhanh nhẹn, mắt lanh lẹ.
Cua thịt chín Bến Tre có thịt chắc, mùi thơm đặc trưng (không tanh), vị ngọt đậm, béo.
Cua gạch chín có thịt thơm, chắc, vị béo. Gạch thơm, béo ngậy, ngọt đậm.
Cua Bến Tre có hàm lượng axit Glutamic từ 26,66 đến 27,34 mg/g; hàm lượng Protein từ 2,71 đến 3,13 gN/100g; tỷ lệ ăn được từ 52,55 đến 52,85%; độ ẩm thịt từ 16,89 đến 17,11 %. Cua Bến Tre có các đặc điểm đặc thù và chất lượng vượt trội do sinh trưởng trong khu vực địa lý có các tính chất đặc trưng về điều kiện tự nhiên và phương pháp canh tác truyền thống của người dân địa phương.
Môi trường sống thích hợp của cua con và cua trưởng thành là độ mặn 2-38‰, thời kỳ đẻ trứng 22-32‰. Khu vực địa lý có độ mặn tối thiểu trên 2‰ (mùa mưa). Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre nói chung và khu vực địa lý nói riêng bị xâm nhập mặn nặng. Độ mặn tại cảng cá Bình Đại 26-29‰; tại xã An Thuận (huyện Thạnh Phú) từ 25-28‰; tại Tiệm Tôm (huyện Ba Tri) 27-30‰. Ranh mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng 48-68 km. Xâm nhập nặm nặng gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại phù hợp với đời sống của cua biển. Độ mặn của nước cao tạo cho “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt đậm.
Cua biển sinh trưởng trong môi trường nước có độ pH từ 7,5-9,2 và thích hợp nhất từ 8.2-8.8. Độ pH của nước tại khu vực địa lý dao động từ 7,3-8,2 hoàn toàn phù hợp với môi trường sống của cua biển. Mặt khác, khu vực địa lý ít chịu ảnh hưởng của bão nên hoạt động sinh lý của cua ít bị biến động mạnh.
Cua là loài ăn tạp và thường ăn rất nhiều. Ấu trùng thích ăn thực vật và động vật phù du; cua con chuyển dần sang ăn tạp (rong tảo, giáp xác, nhuyển thể, cá hoặc xác chết động vật): cua con 2-7 cm ăn chủ yếu là giáp xác, cua 7-13 cm thích ăn nhuyễn thể; cua lớn hơn thường ăn giáp xác, nhuyễn thể, xác chết của các loài động vật khác.
Khu vực địa lý nằm ở hạ nguồn sông Cửu Long, có 4 nhánh sông lớn chảy qua trước khi đổ ra biển (sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên) mang theo 1 lượng phù sa rất lớn, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm bùn cát. Lượng phù sa này cung cấp thức ăn dạng phù du cho cua biển, bồi đắp cho đất đai và đổ ra cửa sông lắng đọng tạo thành bãi bồi...
Khu vực địa lý có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng sinh học cao. Đây là môi trường sống, nơi trú ẩn, bãi đẻ cho cua biển cũng như cung cấp thức ăn trực tiếp (mùn bã, lá, trái rụng…) và gián tiếp qua các động vật ăn mùn bã làm mồi cho các loài cá, cua biển và một số động vật ăn thịt khác...Khu vực địa lý có năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái ven biển Đông Nam Việt Nam, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên: phiêu sinh thực vật, phiêu sinh động vật, cá, giáp xác, nhuyễn thể... cho cua biển ở mọi giai đoạn sinh trưởng. Nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào và phong phú đã tạo cho “Cua biển Bến Tre” giàu các Axit amin, Protein, Lipit và các chất dinh dưỡng khác.
Chất lượng đặc thù của các sản phẩm “Cua biển Bến Tre” còn được quyết định bởi các thực hành sản xuất của người dân tại khu vực địa lý, cụ thể là:
- Khác với nhiều vùng nuôi cua biển bằng phương thức bán thâm canh hoặc thâm canh ở mức độ cao (sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh), “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh (không sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh). Ngoài việc sử dụng thức ăn tự nhiễn sẵn có trong ao/đầm (thực động vật phiêu sinh, tôm, cá... lấy vào ao/đầm khi thủy triều dâng), các nguồn thức ăn bổ sung cho cua là cá tạp khai thác tại chỗ, hoặc cá rô phi băm viên nhỏ... Nhiều hộ gia đình còn kết hợp nuôi cua xen cá rô phi làm nguồn thức ăn cho cua. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt và mùi thơm (không tanh).
- Kỹ thuật cải thiện môi trường ao/đầm nuôi cua và kiểm soát môi trường nuôi được tích lũy nhiều năm. Sau 2-3 vụ nuôi, ao/đầm nuôi “Cua biển Bến Tre” được nạo vét bùn, bón vôi để khử phèn, giải phóng độ phì tiềm tàng của đất. Nguồn nước trong ao/đầm cua thường xuyên được thay mới theo các đợt triều cường có kiểm soát độ mặn. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” luôn khỏe mạnh, cơ thể rắn chắc, thịt và gạch chắc.
- Việc thu hoạch cua (thu tỉa, thu toàn bộ) có tính chọn lọc. Chỉ những con đủ tiêu chuẩn thương phẩm mới được thu, những con không đủ tiêu chuẩn được tiếp tục nuôi. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” luôn có chất lượng tốt.
Khu vực địa lý: Xã Thạnh Phong, xã Giao Thạnh, xã An Thuận, xã An Quy, xã An Điền, xã Thạnh Hải, xã An Nhơn, xã Mỹ Hưng, xã Mỹ An, thị trấn Thạnh Phú thuộc huyện Thạnh Phú; xã Thạnh Phước, xã Thới Thuận, xã Thừa Đức, xã Đại Hòa Lộc, xã Bình Thắng thuộc huyện Bình Đại; xã Bảo Thạnh, xã Bảo Thuận, xã Tân Xuân, xã An Thủy, xã Tân Thủy, xã An Hòa Tây, xã An Đức thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Tin mới nhất
Các tin khác
- Công bố Chỉ dẫn địa lý "Cù Lao Chàm - Hội An" cho sản phẩm yến sào
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” Cho sản phẩm tôm càng xanh
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài: Kinh nghiệm từ quả vải thiều Lục Ngạn
- Kinh nghiệm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
- Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản: Thêm một chứng nhận uy tín cho vải thiều Lục Ngạn