Th 5, 24/11/2016 | 10:33 SA
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
Tọa đàm về hoạt động giám định sở hữu công nghiệp
Ngày 15/11/2016, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tổ chức Tọa đàm về hoạt động giám định sở hữu công nghiệp...
Ngày 15/11/2016, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tổ chức Tọa đàm về hoạt động giám định sở hữu công nghiệp (SHCN) nhằm đánh giá thực trạng, kết quả của hoạt động giám định SHCN và tìm ra giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.
Tham dự và chỉ đạo Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh, Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, nguyên Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Lãnh đạo Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bổ trợ tư pháp, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Trung ương và địa phương, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, các Viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và 2 cơ quan chủ trì là Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, đặc biệt có sự tham dự của cả 4 giám định viên SHCN.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giám định SHCN là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần phát triển hệ thống SHTT, nhất là bảo đảm tính hiệu quả trong thực thi quyền cũng như hỗ trợ chủ thể quyền bảo vệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Song song với việc phát triển dịch vụ đại diện SHCN, thì cần tập trung cho sự phát triển dịch vụ giám định SHCN đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. Thứ trưởng cũng đánh giá cao ý nghĩa của buổi tọa đàm và coi đây là một sự kiện quan trọng để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong hoạt động giám định SHCN, đồng thời là diễn đàn để các chuyên gia thảo luận đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và định hướng hoạt động giám định SHCN trong thời gian tới.
Phát biểu dẫn đề, Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh đến yêu cầu của việc xã hội hóa hoạt động giám định SHCN theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nêu một số định hướng phát triển hệ thống này nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.
Với 3.607 vụ việc giám định SHCN được thực hiện trong 7 năm (9/2009 – 9/2016), Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Tổ chức duy nhất đủ điều kiện hoạt động giám định SHCN, đã khẳng định nhu cầu giám định về SHCN của các tổ chức, cá nhân là hiện hữu và ngày một tăng. Hoạt động giám định SHCN của Viện trong thời gian qua đã đạt được những kết quả và có những thuận lợi nhất định, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là sức ép về nhu cầu của xã hội, về thời gian giám định, về các vụ việc giám định ngày càng đa dạng và phức tạp, nhân lực thực hiện giám định có hạn. Vì vậy, Viện cũng đã đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển hệ thống dịch vụ giám định, trong đó cần tăng cường kết nối thông tin giữa hoạt động xác lập quyền SHCN và hoạt động giám định SHCN.
Đại diện Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, các tổ chức dịch vụ đại diện SHCN và đại diện các cơ quan thực thi quyền SHTT ở Trung ương và địa phương (Cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan, Chi Cục QLTT Hà Nội) đều thống nhất bày tỏ sự cần thiết và nhu cầu ngày càng tăng của xã hội đối với hoạt động giám định SHCN và ý nghĩa của hoạt động giám định SHCN trong công tác thực thi quyền SHCN. Các ý kiến đều đồng tình với định hướng của Cục Sở hữu trí tuệ nhanh chóng tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ để cấp thêm Thẻ Giám định viên cho những cá nhân, kể cả những Người đại diện SHCN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này và thành lập thêm một số tổ chức thực hiện dịch vụ giám định SHCN. Bên cạnh đó, các đại diện đến từ các cơ quan thực thi, các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cũng tích cực tham gia thảo luận và đề xuất hướng giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của công tác giám định SHCN trong thời gian tới.
Với những nội dung thiết thực, cùng với những chia sẻ kinh nghiệm thực tế đến từ các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực thi và bảo vệ quyền SHCN, Ông Phạm Đình Chướng, Giám định viên cho rằng “tất cả các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc vận hành hệ thống giám định SHCN đã sẵn sàng như một quả bóng lăn dưới chân và chỉ chờ Cục Sở hữu trí tuệ đá nó thế nào để đi đúng hướng mà thôi”.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá cao kết quả của buổi tọa đàm. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới, đặc biệt là hướng tới việc hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của hệ thống thực thi và bảo vệ quyền SHCN, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa nền kinh tế đất nước phát triển cao, bền vững với sự đóng góp tích cực của tài sản trí tuệ.
Một số hình ảnh của Tọa đàm
Phòng Quản lý và Phát triển hoạt động sáng tạo
Tin mới nhất
- Khai giảng và tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng xác lập quyền đối với nhãn hiệu (tháng 9/2024)
- Ấm áp "Bữa cơm Công đoàn"
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
Các tin khác
- Tạo điều kiện tối đa cho phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ vươn lên nhóm dẫn đầu trong ASEAN
- Hội thảo Tăng cường năng lực quốc gia “Xây dựng quy chế thẩm định sáng chế về dược phẩm”
- Hội thảo “Đăng ký bảo hộ sáng chế ra nước ngoài theo Hiệp ước Hợp tác về sáng chế - PCT”
- Hội nghị Quản lý sở hữu trí tuệ năm 2016
- Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về Sở hữu công nghiệp với Trung tâm Sở hữu trí tuệ quốc gia Belarus