Th 5, 24/11/2016 | 10:03 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Tạo điều kiện tối đa cho phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ vươn lên nhóm dẫn đầu trong ASEAN

Quyền sở hữu trí tuệ ngày càng thể hiện rõ nét là công cụ phát triển kinh tế hiệu quả ở Việt Nam...

Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng thể hiện rõ nét là công cụ phát triển kinh tế hiệu quả ở Việt Nam. Trước đây, quyền SHTT như một đặc ân riêng của các nước phát triển và Việt Nam chưa bắt nhịp được với sự phát triển kinh tế dựa vào quyền SHTT. Tuy nhiên, sau hàng chục năm nỗ lực kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới của ta, nhất là sau khi gia nhập WTO, quyền SHTT đã được các doanh nghiệp quan tâm và bước đầu sử dụng, khai thác hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Quyền SHTT trở thành tài sản có giá trị không nhỏ và doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn về quyền SHTT, sử dụng nó như một công cụ hiệu quả trong kinh doanh và cạnh tranh. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng quyền SHTT của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, do đó tỷ trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của quyền SHTT chưa cao. Trong bối cảnh này, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để tạo đột phá về sở hữu trí tuệ, trên cơ sở đó hỗ trợ cho các hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, sau khi trao đổi tại phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2016, nội dung về SHTT đã được đưa vào Nghị quyết phiên họp của Chính phủ theo hướng “Tạo điều kiện tối đa cho phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ vươn lên nhóm dẫn đầu trong ASEAN”. Để đảm bảo cho việc triển khai, Nghị quyết yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xây dựng và áp dụng cơ chế tương tự như cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với Cục Sở hữu trí tuệ; điều chỉnh phí, lệ phí dịch vụ sở hữu công nghiệp và tỷ lệ thu được để lại theo hướng tạo điều kiện tối đa cho phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ vươn lên nhóm dẫn đầu trong ASEAN. Trường hợp triển khai chỉ đạo của Chính phủ có vấn đề gì vượt thẩm quyền, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất những giải pháp cụ thể để đổi mới, nâng cao năng lực, sáng tạo công nghệ và sở hữu trí tuệ, giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, rút ngắn thời hạn xử lý đơn.
 


Phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2016 của Chính phủ (Nguồn: VGP/Quang Hiếu)

 

Văn phòng