Th 4, 08/06/2022 | 16:36 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp

Ngày 27/5/2022, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp”.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến qua 3 điểm cầu với sự tham gia của các diễn giả đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM, Viện dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Robert Bosch Engineering and Business Solutions Việt  Nam, Công ty TNHH Luật Rouse và các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

Ảnh 1: Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT, tập huấn bồi dưỡng về SHTT trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp luôn được Cục quan tâm đặc biệt. Hội thảo này nhằm làm rõ hơn thực trạng của hoạt động quản lý quyền SHTT trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, cụ thể hơn nữa là trong các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ để từ đó Cục SHTT xây dựng những hướng dẫn về vấn đề quản lý SHTT phù hợp cho các nhóm chủ thể liên quan.

Ảnh 2: Ông Phan Quốc Nguyên – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày báo cáo tham luận

Các chuyên gia hội thảo cũng nhất trí và khẳng định viện nghiên cứu chính là cái nôi của sự sáng tạo tri thức, khoa học và công nghệ. Đồng thời, đây cũng là nơi sử dụng rất nhiều những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động, đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế…Tuy nhiên, hiện nay cũng không ít các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ít để ý tới vấn đề quản lý quyền SHTT trong các hoạt động đó.

Ảnh 3: Các đầu cầu và các đại biểu tham dự Hội thảo theo hình thức trực tuyến

Chia sẻ từ đầu cầu trực tuyến tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ông Ngô Hữu Thống – Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ cho biết hiện nay ở Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, hiện đang có chính sách trả thù lao cho tác giả và đồng tác giả là 30% giá trị hợp đồng các hoạt động hợp tác nghiên cứu; tổ chức môi giới không quá 10% giá trị của hợp đồng. Tỷ lệ sở hữu của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh là 60% còn tỷ lệ sở hữu của đối tác là 40% đối với hình thức đồng sở hữu trong các hoạt động khai thác, thương mại hóa các tài sản trí tuệ của nhà trường với các đối tác.

Bà Hoàng Linh Lan, Phó trưởng ban Khoa học- Chiến lược, Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, việc thương mại hóa, chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu sau khi kết thúc đề tài/nhiệm vụ/dự án của Viện còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, Viện chưa có chính sách phân định về quyền sở hữu để phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa, nhiều cán bộ chưa thực sự hiểu rõ về SHTT, phân chia quyền SHTT, chuyển giao công nghệ, các hoạt động pháp lý SHTT, định giá, nhượng quyền SHTT còn hạn chế và khó khăn.

 Thực tế cho thấy, các trường đại học/viện nghiên cứu đã chủ động bắt tay, hợp tác với các doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học. Điều này đặt ra yêu cầu của việc cần có các biện pháp quản lý quyền SHTT trong các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa các chủ thể, đối tác, cũng như trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

TS Trần Lê Hồng chia sẻ, cần làm rõ các vấn đề quan trọng trong hoạt động quản lý quyền SHTT đối với các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như: các chủ trương, chính sách trong hợp tác công – tư; đối tượng hợp tác nghiên cứu; hình thức hợp tác; vấn đề đồng sở hữu, chia sẻ quyền sở hữu; về vấn đề kiểm soát…

Các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và một số biện pháp quản lý quyền SHTT trong các hoạt động hợp tác nghiên cứu trong ngắn hạn và dài hạn như: Rà soát, đánh giá các sáng chế/giải pháp kỹ thuật,… để xem xét khả năng thương mại hóa sản phẩm...; Xây dựng và hoàn thiện chính sách về SHTT phù hợp với điều kiện và lĩnh vực hoạt động; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ SHTT cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ quyền SHTT.

Việc quản lý quyền SHTT đối với các hoạt động này sẽ giúp nhận diện, đánh giá, lường trước được các phát sinh tranh chấp về quyền SHTT trong các hoạt động này. Từ đó, tạo cơ hội trong việc khai thác và chuyển giao quyền SHTT, đem lại nguồn thu, lợi ích của các chủ thể ở các giai đoạn hợp tác tiếp theo.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn