Th 6, 14/05/2021 | 16:30 CH
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
Phụ nữ trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ: Vinh quang và thách thức
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận.
Hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày một tăng lên, phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận. Bên cạnh những vinh quang ấy, phụ nữ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cũng gặp phải không ít những rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội.
1. Vai trò của phụ nữ trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ
Tại Việt Nam, KH&CN là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước). Phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu KH&CN, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, rất nhiều những tiến bộ của KH & CN được khai thác, chuyển giao tới các cơ sở sản xuất, cộng đồng và toàn xã hội. Những đóng góp đó trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội khác nhau, từ sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, hóa học, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội… Kết quả của các hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và phát triển đời sống kinh tế đất nước. Ví dụ như: Là một trong những nhà khoa học nữ thành công nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm – giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng. Trong lĩnh vực hóa học, dược học, nhiều phát hiện mới về hoạt tính sinh học trong các loài thực vật sẵn có trong tự nhiên đã góp phần đưa đến nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng có giá trị trong thời gian qua. Điển hình như sản phẩm Bioglucumin và Bioglucumin G của GS. TS Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc. Năm 2020, Việt Nam có ba nhà khoa học nữ được bầu chọn vào danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu Châu Á do tạp chí Asian Scientist, Singapore bầu chọn. Và còn rất nhiều các nhà khoa học nữ được vinh danh, ghi tên tuổi bằng những giải thưởng, được tổ chức quốc tế ghi nhận…
Trong các đơn vị công tác, các nữ giảng viên và những người làm công tác nghiên cứu khoa học, với vai trò là người truyền tri thức cho sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, họ còn đóng góp tích cực cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, tham gia bồi dưỡng hướng dẫn sinh viên, học viên, thực hiện nghiên cứu khoa học. Đây chính là những người đã góp phần truyền ngọn lửa đam mê, tình yêu và niềm tin về sự nghiệp nghiên cứu khoa học rất vinh quang mà cũng nhiều thách thức.
Các cá nhân, tập thể được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 (Nguồn: https://nhandan.com.vn).
Ghi nhận vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp nghiên cứu KH&CN, để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực KH&CN, Điều 15 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: 1) Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ; 2) Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế.
2. Rào cản, thách thức của phụ nữ khi tham gia công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ
Rào cản lớn ảnh hưởng tới phụ nữ khi phát triển sự nghiệp nói chung, tham gia công tác nghiên cứu KH & CN nói riêng, chính là những tư tưởng, quan niệm từ phía gia đình, cộng đồng, xã hội. Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tư tưởng này đồng nghĩa với việc coi nhiệm vụ chính của phụ nữ là ở trong gia đình, là người gắn liền với hậu cần, bếp núc, chịu trách nhiệm chính về chăm sóc con cái, người già. Còn người chồng, người đàn ông là người lo các công việc sự nghiệp ở bên ngoài và nam giới trở thành người lãnh đạo là lẽ tự nhiên. Trong khi đó, việc nghiên cứu KH & CN là hoạt động nhiều khó khăn, thử thách, đôi khi phải chấp nhận hi sinh. Người làm nghiên cứu khoa học chịu nhiều vất vả, đặc biệt càng trở nên thách thức đối với phụ nữ, khi họ vừa gánh trên vai các trách nhiệm “làm mẹ, làm vợ” và vừa hoàn thành “việc nước” lại vừa “đảm việc nhà”. Ngoài ra, quan niệm và phân biệt về giới vẫn còn ảnh hưởng ở một bộ phận các tầng lớp xã hội, việc “trọng nam, khinh nữ” không chỉ có ở các vùng nông thôn mà cả ở đô thị, ở cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có trình độ học vấn, địa vị cao trong xã hội. Chính tư tưởng “khinh nữ” trong xã hội đã khiến nhiều người chưa coi trọng năng lực của người phụ nữ, nhất là phụ nữ thực hiện hoạt động nghiên cứu KH&CN. Điều này không chỉ hạn chế nữ giới tiếp cận giáo dục bậc cao, mà còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, sử dụng nữ trí thức, kìm hãm sự thăng tiến, phát triển của người phụ nữ. Do vậy, những tư tưởng, quan niệm và niềm tin không đúng chỗ này, là những rào cản đối với đam mê, nhiệt huyết đi theo con đường nghiên cứu khoa học của những người phụ nữ. Bởi lẽ, nếu không được sự thông cảm, sẻ chia và ủng hộ từ phía người chồng, gia đình, thậm chí là đồng nghiệp, cấp trên, thì bản thân người phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách để dành thời gian, công sức và tâm huyết cho công tác nghiên cứu khoa học.
Thứ nữa là vấn đề về cơ chế, chính sách, quy định về độ tuổi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ hiện nay cũng gây khó khăn cho cán bộ nữ nói chung, cán bộ khoa học nữ nói riêng. Hiện nay chính sách cũng chưa có quy định về việc tạo điều kiện cho việc nâng lương trước thời hạn đối với cán bộ nữ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN. Việc thực hiện thiên chức của người mẹ trong gia đình, nên việc áp dụng chính sách chung cho cán bộ khoa học (cả nam và nữ) về bản chất là chưa bình đẳng trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Mặt khác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nhiều thách thức và mang tính cạnh tranh và hội nhập cao, đòi hỏi thời gian nghiên cứu khoa học tập trung nhanh, ngắn nhưng tạo ra sản phẩm mang tính cá biệt và có chất lượng cao. Sản phẩm đó theo tiêu chuẩn quốc tế và gia tăng bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Chính điều này đang là thách thức không nhỏ đối với phụ nữ, khi vấn đề về phát triển sự nghiệp nghiên cứu KH&CN vẫn luôn cần cân bằng với cuộc sống gia đình, xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
3. Giải pháp nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong công cuộc nghiên cứu khoa học, công nghệ và hội nhập kinh tế quốc tế
Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu KH&CN, được sống với đam mê và cống hiến, tích cực hội nhập quốc tế, cần có những giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung và phụ nữ trong hoạt động nghiên cứu KH&CN nói riêng thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Cần đổi mới, đa dạng hóa về hình thức thể hiện và nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới trên nhiều phương tiện, môi trường khác nhau, từng bước thay đổi quan niệm về việc thực hiện chức năng sinh con và nuôi dạy con không phải là việc riêng của người phụ nữ, gia đình, mà đó là công việc xã hội.
Hai là, cần xây dựng và cụ thể hóa các chính sách mang tính nhạy cảm giới về hoạt động nghiên cứu KH&CN (chính sách nâng lương, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, lựa chọn và tuyển dụng …) có yêu cầu về lồng ghép giới rõ ràng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, trên cơ sở lắng nghe các ý kiến từ phía các nhà khoa học nữ, chính quyền, ban ngành đoàn thể. Cần triển khai các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động này một cách cụ thể tại từng đơn vị, địa phương trên cơ sở quan điểm giới rõ ràng, tiến tới bình đẳng giới thực chất. Cần bổ sung nhiều những chương trình KH&CN cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ.
Ba là, có chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên đối với nữ trí thức làm công tác nghiên cứu KH&CN. Trong kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm nhiệm vụ nghiên cứu KH nói chung, nhất là đội ngũ cán bộ nữ nghiên cứu trẻ, cần tạo điều kiện cho những người có năng lực chuyên môn đạt được học vị sau đại học trước khi có gia đình hoặc chưa có con nhỏ.
Bốn là, cần quan tâm và ưu đãi cán bộ nữ làm nhiệm vụ NC&KH thuộc dân tộc thiểu số, phụ nữ làm việc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nữ tại các trường đại học trên cả nước, từ đó, góp phần lan tỏa niềm đam mê và yêu thích hoạt động nghiên cứu khoa học từ giảng đường đại học của sinh viên.
Năm là, trong công tác lãnh đạo nữ, cần tăng cường trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ sẽ giúp họ tự tin hơn, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ. Do đó, cần tăng cường giao các đề tài, dự án cho các nhà khoa học nữ để sử dụng tài năng của họ một cách tối đa. Bên cạnh đó cần tạo môi trường nghiên cứu khoa học hiện đại, dân chủ, quan tâm đến tình cảm, đời sống nội tâm của cán bộ nữ, cần chú trọng đến việc tôn vinh tài năng của cán bộ khoa học nữ.
Sáu là, về phía bản thân cán bộ nữ làm nghiên cứu khoa học, vẫn biết sự nghiệp nghiên cứu KH&CN có nhiều thách thức, nhưng mỗi cán bộ nữ vẫn cần giữ vững niềm tin, sự quyết tâm và niềm đam mê với sự nghiệp và con đường đã lựa chọn.
Bảy là, cần tăng cường đầu tư nguồn lực, kinh phí cho giáo dục và đào tạo đối với phụ nữ làm nghiên cứu khoa học, qua đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện nguồn nhân lực nữ trong hoạt động nghiên cứu KH&CN.
Tài liệu tham khảo
1. Luật bình đẳng giới năm 2006.
2. Trần Kiên (2019) Giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Tạp chí Tổ chức Nhà nước.
3. Luận Thùy Dương (2021) Phát huy vai trò của nữ trí thức Việt Nam trong xu thế phát triển khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế, Tạp chí cộng sản. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/821040/phat-huy-vai-tro-cua-nu-tri-thuc-viet-nam-trong-xu-the-phat-trien-khoa-hoc---cong-nghe-va-hoi-nhap-quoc-te.aspx.
4. Phạm Phượng (2021) Những nhà khoa học nữ vì cộng đồng, (https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/nhung-nha-khoa-hoc-nu-vi-cong-dong-642349/).
5. Phụ nữ nghiên cứu khoa học: Vinh quang và nghị lực, https://moha.gov.vn/congtaccanbonu/nghiencuukhoahoc/phu-nu-nghien-cuu-khoa-hoc-vinh-quang-va-nghi-luc-40594.html.
-----------------------------------
1Trần Kiên (2019) Giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Tạp chí Tổ chức Nhà nước.
2Phụ nữ nghiên cứu khoa học: Vinh quang và nghị lực, https://moha.gov.vn/congtaccanbonu/nghiencuukhoahoc/phu-nu-nghien-cuu-khoa-hoc-vinh-quang-va-nghi-luc-40594.html.
3Phạm Phượng (2021) Những nhà khoa học nữ vì cộng đồng, (https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/nhung-nha-khoa-hoc-nu-vi-cong-dong-642349/).
4https://tienphong.vn/vinh-danh-ba-nha-khoa-hoc-nu-viet-nam-lot-top-100-nha-khoa-hoc-chau-a-2020-post1249019.tpo.
5Luận Thùy Dương (2021) Phát huy vai trò của nữ trí thức Việt Nam trong xu thế phát triển khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế, Tạp chí cộng sản https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/821040/phat-huy-vai-tro-cua-nu-tri-thuc-viet-nam-trong-xu-the-phat-trien-khoa-hoc---cong-nghe-va-hoi-nhap-quoc-te.aspx.
6Luận Thùy Dương (2021) Phát huy vai trò của nữ trí thức Việt Nam trong xu thế phát triển khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế, Tạp chí cộng sản https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/821040/phat-huy-vai-tro-cua-nu-tri-thuc-viet-nam-trong-xu-the-phat-trien-khoa-hoc---cong-nghe-va-hoi-nhap-quoc-te.aspx.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn
Tin mới nhất
- Lễ Bế giảng Khóa đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2023-2024
- Sinh hoạt chuyên đề Liên Chi bộ với chủ đề “Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở của Cục Sở hữu trí tuệ”
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
- Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Lễ Bế giảng khoá đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2023 - 2024
- Khai giảng và tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng xác lập quyền đối với nhãn hiệu (tháng 9/2024)
Các tin khác
- Sinh viên Khoa Du lịch - Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng hào hứng tìm hiểu về “Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Dịch vụ - Du lịch - Khách sạn”
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam: Vấn đề quản trị tài sản trí tuệ
- Sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” cho sản phẩm Cà phê
- Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ
- Khi Khoa học và Công nghệ là "bệ đỡ" cho sản phẩm chủ lực