Th 5, 18/03/2021 | 11:20 SA
Kinh nghiệm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Sau gần hai năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ ba chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà-phê Buôn Ma Thuột) tại Nhật Bản, ngày 12-3-2021, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên trong ba sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Ðây là kết quả của việc thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản).
Sau khi vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào năm 2008, giá trị quả vải tăng cao, thị trường xuất khẩu mở rộng, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, quả vải xuất khẩu chịu thiệt thòi là phải gắn tên của đơn vị cung cấp sản phẩm phía Nhật Bản trong quá trình tiêu thụ. Do đó, với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, quả vải thiều Lục Ngạn từ nay được gắn chỉ dẫn địa lý "vải thiều Lục Ngạn" lên các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ cao hơn, cơ hội được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn cao hơn.
Bên cạnh đó, sản phẩm được pháp luật Nhật Bản bảo vệ khi sử dụng chỉ dẫn địa lý này ở Nhật Bản, không bị các bên khác yêu cầu dừng sử dụng nhãn hiệu, đồng thời ngăn cấm các bên sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm trùng, tương tự hoặc liên quan… Ngoài ra, danh tiếng của vải thiều Lục Ngạn được thị trường khó tính như Nhật Bản biết đến là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe khác trên thế giới. Tuy vậy, dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì việc xuất khẩu vào Nhật Bản còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chấp nhận của thị trường, và việc chúng ta đáp ứng các quy định rất khắt khe, nhất là về an toàn thực phẩm của nước bạn.
Quá trình đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản bắt đầu từ việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn sản phẩm, với sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, chính quyền địa phương. Sau một quá trình lựa chọn và chuẩn bị hồ sơ, ngày 3-6-2019, Nhật Bản đã ghi nhận hồ sơ đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cà-phê Buôn Ma Thuột, vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận. Trong quá trình thẩm định, Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản đã thành lập ba đoàn khảo sát chỉ dẫn địa lý tại Bắc Giang, Bình Thuận, Ðắk Lắk.
Thực tế cho thấy, thời gian đăng ký bị kéo dài do gặp rất nhiều khó khăn, như sự khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia; khả năng vận hành của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý yếu; tài chính và các nguồn lực khác của Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn gần như không có. Ðáng chú ý, chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về vải thiều Lục Ngạn, thiếu các tài liệu có cơ sở khoa học nghiên cứu đặc tính của sản phẩm, do đó đáp ứng chậm các yêu cầu từ phía Nhật Bản. Nên nói thêm là lâu nay, phần lớn các nghiên cứu về cây vải ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào kỹ thuật canh tác, giống, phương pháp bảo quản,... mà ít có nghiên cứu sâu về quả vải. Do đó, chúng ta bị động khi phía Nhật Bản đề nghị chứng minh trên cơ sở khoa học "vị ngọt đậm" của quả vải là như thế nào, yếu tố nào mang lại độ ngọt đó (thổ nhưỡng, khí hậu, hay quy trình sản xuất). Bên cạnh đó, dữ liệu về đặc tính sản phẩm không được cập nhật thường xuyên, các nghiên cứu về điều kiện địa lý tự nhiên còn rời rạc, không thống nhất. Hoạt động sản xuất nhiều khi không đúng với phương pháp sản xuất đã tuyên bố trong hồ sơ đăng ký. Ðể đáp ứng yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, Viện Nghiên cứu rau quả tiến hành nhiều giải pháp như: Làm các thí nghiệm để phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu của Nhật Bản; thành lập hội đồng các nhà khoa học để đánh giá cảm quan, đưa ra các kết luận trên cơ sở khoa học…
Từ thực tiễn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thấy, việc thiếu các nghiên cứu khoa học, tài liệu của Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn không được ghi chép và lưu trữ, thực hành sản xuất không đồng đều, bài bản sẽ ảnh hưởng tới quá trình đưa nông sản đến các thị trường, nhất là các thị trường khó tính. Hiện nay, thanh long Bình Thuận cũng đang được làm lại hồ sơ để tiếp tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Kinh nghiệm rút ra từ việc đăng ký bảo hộ vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản cần sớm được phổ biến cho các địa phương để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc xuất khẩu nông sản.
Link liên kết nguồn tin: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/kinh-nghiem-dang-ky-bao-ho-chi-dan-dia-ly-638818/
Nguồn tin: https://nhandan.com.vn
Tin mới nhất
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng sơn" cho sản phẩm mác mật
- Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
Các tin khác
- Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ
- Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản: Thêm một chứng nhận uy tín cho vải thiều Lục Ngạn
- Hội thảo "Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”
- Ngày hội hiến máu nhân đạo
- Chào mừng kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3