Th 3, 14/11/2017 | 15:41 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Hội thảo về Xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ Việt Nam

Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức 6 hội thảo và 1 tọa đàm từ ngày 23/10 đến 03/11/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội...

Trong khuôn khổ nhiệm vụ xây dựng Đề án Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức 6 hội thảo và 1 tọa đàm từ ngày 23/10 đến 03/11/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mục tiêu của chuỗi hội thảo và tọa đàm này là giới thiệu các kết quả nghiên cứu về hiện trạng hệ thống SHTT của Việt Nam và đề xuất định hướng, mục tiêu phát triển và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Chiến lược SHTT quốc gia để lấy ý kiến các chủ thể liên quan.

Chuỗi hội thảo được tổ chức theo ba nhóm chủ đề chính, bao gồm chủ đề “Hoàn thiện pháp luật, chính sách và quản lý nhà nước về SHTT”, chủ đề “Tăng cường vai trò động lực của SHTT nhằm nâng cao tính sáng tạo và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế” và chủ đề “Tăng cường phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam”. Đại biểu tham dự các hội thảo là đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hải quan, công thương, cơ quan tư pháp, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan khác.

Trong chủ đề đầu tiên liên quan đến pháp luật, chính sách và quản lý nhà nước về SHTT, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về vị trí, vai trò của chính sách, pháp luật đối với hoạt động SHTT; hiện trạng xây dựng và thi hành các chính sách, pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng; bảo vệ quyền SHTT và mối liên hệ giữa bảo vệ quyền SHTT với chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong hệ thống SHTT, các chính sách và pháp luật có vai trò rất quan trọng, nhằm định hướng, tạo khung pháp lý và động lực cho các chủ thể tham gia hoạt động SHTT, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các hoạt động kinh tế - xã hội, phát huy mặt tích cực và khắc phục hạn chế của cơ chế độc quyền. Các chính sách, pháp luật này chỉ thực sự có hiệu quả nếu hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển chung của đất nước. Trên cơ sở các báo cáo tại hội thảo và kinh nghiệm làm việc thực tế của mình, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tích cực nhằm phát triển một hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp cũng như hệ thống quản lý nhà nước hiện đại, minh bạch và hiệu quả, phát huy vai trò của chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT. Đây cũng chính là một mục tiêu lớn được đặt ra trong Chiến lược SHTT quốc gia.

Với chủ đề xoay quanh vai trò động lực của SHTT nhằm nâng cao tính sáng tạo và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, các diễn giả đã đem đến bức tranh khá đầy đủ về hiện trạng và triển vọng của hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ của Việt Nam cũng như tác động của hoạt động này đối với việc nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cũng đang tập trung tăng cường tiềm lực phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nhiều nghị quyết, chiến lược và các chương trình hành động đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, là yếu tố nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh đó, vai trò của SHTT càng được thể hiện rõ nét thông qua việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, để sở hữu trí tuệ trở thành công cụ, hay “động lực của động lực” đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, nhiệm vụ của Chiến lược SHTT quốc gia là phải đưa ra các mục tiêu, giải pháp cho việc thực hiện vai trò động lực này của SHTT.

Trong chủ đề thứ ba về tăng cường phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam, các đại biểu tham dự hội thảo đã được chia sẻ thông tin về hiện trạng tài sản trí tuệ của Việt Nam thông qua việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, về hiện trạng thị trường khoa học và công nghệ cũng như ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và về mục tiêu gia tăng số lượng và nâng cao giá trị các tài sản trí tuệ của Việt Nam. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất rằng xây dựng hệ thống SHTT có khả năng hỗ trợ hiệu quả cho việc tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ phải là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chiến lược SHTT quốc gia. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân sở hữu tài sản trí tuệ, đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải khi muốn phát triển tài sản trí tuệ và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ. Đây là những ý kiến rất hữu ích giúp bổ sung thông tin thực tiễn để xây dựng được một chiến lược về SHTT thực sự đi vào đời sống.

Ngay sau khi kết thúc thành công chuỗi hội thảo, nhóm soạn thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đã có 3 ngày làm việc tập trung và chuyên sâu với các chuyên gia quốc tế của WIPO. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến trao đổi, thảo luận tại chuỗi hội thảo trước đó, nhóm soạn thảo Chiến lược và các chuyên gia đã bước đầu định hình dự thảo khung Chiến lược với một số nội dung cơ bản về mục tiêu của Chiến lược và các giải pháp thực hiện mục tiêu này. Trên cơ sở dự thảo khung, nhóm soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Chiến lược để lấy ý kiến từ các bộ ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Phó Cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm phát biểu khai mạc hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phòng Pháp chế và Chính sách