Th 7, 01/04/2017 | 15:06 CH
Hội thảo Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của trường đại học và viện nghiên cứu
Ngày 22/3/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo...
Ngày 22/3/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của trường đại học và viện nghiên cứu thông qua mô hình “Trục xoay và Nan hoa”. Đây là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp Tiến sỹ Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO thăm Việt Nam (từ 21-23/4/2017) và trong hoạt động triển khai dự án “Cải thiện môi trường sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực của các nước đang phát triển và kém phát triển trong phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ” của WIPO. Đến dự hội thảo có trên 100 đại biểu đến từ một số trường đại học, viện nghiên cứu tham gia và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp cùng nhiều cơ quan báo chí đến dự và đưa tin.
Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn phát biểu tại hội thảo
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã khẳng định: trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc hình thành mạng lưới kết nối, đặc biệt là mạng lưới kết nối giữa Cục Sở hữu trí tuệ và các trường đại học, viện nghiên cứu có vai trò rất quan trọng. Việc kết nối thông qua mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam. Mô hình IP-HUB vận hành theo cơ chế “HUB and SPOKE” (Trục xoay và Nan hoa) lấy vai trò trung tâm của cơ quan sở hữu trí tuệ (vai trò như trục xoay) và các viện nghiên cứu, trường đại học (vai trò như nan hoa) tạo thành mạng lưới xoay quanh trục này, sẽ tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động đăng ký và thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt là sáng chế, do đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là xu thế chung, được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai và là mục tiêu của dự án mà WIPO đang thực hiện ở một số quốc gia. Việc tổ chức hội thảo nhằm học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia của WIPO trong việc vận hành mạng lưới IP–Hub trong tương lai và là cơ hội để Việt Nam có thể tham gia Dự án dưới sự hỗ trợ của WIPO.
Các chuyên gia đang trao đổi
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Tiến sĩ Richard S. Cahoon, Chủ tịch Tập đoàn BioProperty Strategy/Chuyên gia hỗ trợ chương trình quốc tế tại Đại học Corrnel (Hoa Kỳ) và ông Andrew Michael Ong, Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của WIPO trình bày và chia sẻ các vấn đề quan trọng trong việc xây dựng phương pháp luận của mô hình “Trục xoay và Nan hoa” cho IP-Hub như: xây dựng môi trường sở hữu trí tuệ để tăng cường khả năng và nhịp độ phát triển trong việc tìm kiếm, thu hút, thích ứng, cải tiến và thương mại hóa công nghệ; hệ sinh thái đổi mới; chuỗi giá trị đổi mới và thị trường toàn cầu; những thông điệp mong muốn truyền tải; vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới và xây dựng một môi trường sở hữu trí tuệ bền vững và hiệu quả; xác định các yếu tố hiện có và các yếu tố còn thiếu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghệ của Việt Nam…
Các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận về các nội dung xung quanh vấn đề phương pháp luận, mô hình vận hành theo cấu trúc “trục xoay và nan hoa” và chia sẻ vấn đề tổ chức, nhân sự liên quan đến hoạt động thương mại hóa công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam hiện nay. Các chuyên gia WIPO cũng giải đáp thắc mắc về các nội dung và chia sẻ quan điểm của các đại biểu mong muốn tham gia Dự án “Cải thiện môi trường sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực của các nước đang phát triển và kém phát triển trong phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ” của WIPO.
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã đánh giá cao những chia sẻ của các chuyên gia và sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu và bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ được tham gia, nhận sự hỗ trợ chính thức từ Dự án của WIPO. Ông Phan Ngân Sơn đã khẳng định hội thảo mới chỉ là bước khởi đầu để Cục Sở hữu trí tuệ và các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam chuẩn bị triển khai các hoạt động vận hành cho mạng lưới IP-Hub của Việt Nam trong thời gian tới.
Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm với đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu
Tiếp theo chương trình hội thảo, ngày 23/3 các chuyên gia của WIPO đã có buổi làm việc, trao đổi với đại diện của một số trường đại học, viện nghiên cứu về thực trạng hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ và công tác đào tạo, hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học.
Bên lề hội thảo, ngày 24/3, chuyên gia của WIPO đã có chuyến thăm và làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để tìm hiểu thực tiễn hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại các đơn vị này.
Dự kiến, tháng 9/2017, các chuyên gia của WIPO sẽ có chuyến công tác tại Việt Nam để lựa chọn các trường đại học, viên nghiên cứu chính thức tham gia dự án ”Trục xoay và Nan hoa”.
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo
Tin mới nhất
- Công đoàn Cục Sở hữu trí tuệ tham dự Hội nghị công tác Công đoàn năm 2024 do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
- Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng sơn" cho sản phẩm mác mật
- Hội thảo giới thiệu “Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
Các tin khác
- Cục trưởng Cục SHTT tiếp xã giao Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam
- Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry thăm và làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ
- Chủ tịch nước tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
- WIPO cam kết hỗ trợ và thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2017 - “Đổi mới sáng tạo – Cải thiện cuộc sống”