Th 6, 27/10/2017 | 16:34 CH

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu

Ngày 24 tháng 10 năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00059 cho sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận...

Ngày 24 tháng 10 năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3588 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00059 cho sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận. Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Ninh Thuận là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có tọa độ địa lý từ 11018’14’’ đến 12009’15’’ vĩ độ Bắc và từ 108009’08” đến 109014’25” kinh độ Đông. Đây là tỉnh nóng nhất và khô hạn nhất cả nước. Cừu được du nhập vào Ninh Thuận từ hàng trăm năm nay, thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng đất Ninh Thuận và đến nay đã trở thành một đặc sản nổi tiếng gắn với vùng đất này.

Thịt cừu Ninh Thuận là là thịt cừu tươi sống hoặc đông lạnh ở các dạng: nguyên con, bao gồm cả đầu, chân và nội tạng (sau khi giết mổ, cạo bỏ lông); thịt cừu cắt miếng và sườn cừu.

Thịt cừu Ninh Thuận là thịt cừu có nguồn gốc từ giống cừu bản địa và cừu lai được nuôi tại khu vực địa lý thuộc tỉnh Ninh Thuận có các đặc trưng cảm quan như sau:

Thịt cừu bản địa và thịt cừu lai Ninh Thuận có màu đỏ đậm, ít mỡ. Thịt cừu bản địa Ninh Thuận có màu đỏ đậm hơn thịt cừu lai Ninh Thuận.

Về chất lượng, thịt cừu Ninh Thuận có hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ mỡ thấp, có hương vị đặc trưng và được người tiêu dùng ưa chuộng, cụ thể là: thịt cừu bản địa Ninh Thuận có hàm lượng protein: 19,86 + 0,8 %; hàm lượng acid amin: 14,59 + 0,8%; hàm lượng vitamin B12: 1,86 + 0,1 Mcg/100g; tỷ lệ mỡ: 3,01 + 0,1%. Thịt cừu lai Ninh Thuận có hàm lượng protein: 20, 4 + 1,4 %; hàm lượng acid amin: 15,02 + 0,9%; hàm lượng vitamin B12: 2,2 + 0,1 Mcg/100g; tỷ lệ mỡ: 2,8 + 0,1%.

Hương vị và chất lượng đặc biệt của thịt cừu Ninh Thuận có được là nhờ các điều kiện địa lý độc đáo của vùng đất này. Khu vực địa lý có nhiệt độ trung bình từ 24,6oC đến 27,2 oC; tổng nhiệt hàng năm từ 9.774 oC đến 10.180 oC; tổng số giờ nắng cao trung bình từ 2.480 đến 2.807 giờ; lượng mưa thấp, trung bình khoảng 700mm/năm; mùa mưa ngắn, thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm; mùa khô kéo dài, thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 8 hằng năm; độ ẩm trung bình thấp, từ 74% đến 78%. Các đặc trưng về mặt khí hậu của khu vực địa lý rất thích hợp với đặc tính sinh học và yêu cầu sinh trưởng, phát triển của loài cừu, giúp lông cừu luôn khô ráo, hạn chế mắc các loại bệnh truyền nhiễm. Khu vực địa lý cũng là nơi có các loại thực vật đặc trưng là nguồn thức ăn ưa thích của loài cừu bao gồm: quýt rừng, cây duối, cây sống rắn... giúp cho thịt cừu Ninh Thuận có hương vị và chất lượng đặc thù.

Cừu Ninh Thuận được nuôi tại khu vực địa lý theo phương thức chăn thả tự nhiên ở các bãi đất trống hang hóa, đồi núi, sườn đồi theo quy trình mang tính đặc thù của người dân bản địa. Cừu được chăn thả tự nhiên khoảng 8 – 10 giờ/ngày (từ 8h sáng đến 5h chiều). Quy trình chăn nuôi cừu Ninh Thuận, đóng gói, bảo quản, cần tuân thủ một số quy định như sau:

Các quy định về chế độ ăn, uống: Lượng thức ăn khoảng 12 – 15% trọng lượng. Bổ sung thức ăn tinh giàu đạm như hột bông vải, bánh dầu bông vải, bánh dầu dừa, bánh dầu đậu nành... với mức 250-500g/con/ngày trong giai đoạn chăm sóc cừu cái mang thai. Bổ sung thức ăn là các loại cỏ tốt như cỏ voi, cỏ sả, lúa mới trổ đòng, cám gạo, khoai lang, bột bắp, cây họ đậu, lá khoai mì..., trộn mật đường với cám gạo trong giai đoạn cừu cai sữa được 12-16 tuần, trọng lượng đạt 25-30kg. Không cho cừu ăn thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất. Không cắt cỏ làm thức ăn cho cừu vào sáng sớm, nếu cắt phải phơi héo trước khi cho cừu ăn. Không chăn thả cừu đi ăn sớm khi cỏ còn ướt. Cho cừu uống nước sạch, có bổ sung muối ăn trước và sau khi chăn thả. Cung cấp tảng đá liếm treo ở thành chuồng để bổ sung khoáng, muối. Bổ sung các loại vitamin cho cừu vào mùa khô.

Quy định về chuồng trại: Chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng, tránh gió lùa và mưa hắt. Vệ sinh sàn chuồng hằng ngày. Định kỳ sát trùng, tiêu độc chuồng trại. Diện tích tối thiểu bình quân khoảng 1,8-2,0m2/con.

Quy định về tiêm phòng: Tiêm phòng vaccin và ngừa sán lá gan định kỳ cho cừu.

Quy định về điều kiện xuất chuồng, giết mổ: Cừu đạt 8-12 tháng tuổi, trọng lượng đạt 40-45kg đối với cừu đực và 30-35kg đối với cừu cái được xuất chuồng, giết mổ.

Quy định về đóng gói và bảo quản sản phẩm: Thịt cừu sau khi giết mổ được để nguyên con hoặc đóng gói trong các túi PE, hút chân không, bảo quản trong tủ đông hoặc kho lạnh ở nhiệt độ - 4oC.

Khu vực địa lý bao gồm xã Phước Trung thuộc huyện Bác Ái; xã Phước Nam, xã Phước Dinh, xã Phước Minh thuộc huyện Thuận Nam; xã Phước Thuận, xã Phước Hữu, xã Phước Dân, xã Phước Vinh thuộc huyện Ninh Phước; xã Mỹ Sơn, xã Nhơn Sơn thuộc huyện Ninh Sơn; xã Xuân Hải, xã Nhơn Hải thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

 Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế