Th 4, 19/10/2016 | 15:55 CH
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
Thứ trưởng Trần Việt Thanh tham dự Đại hội đồng WIPO 2016
Kỳ họp lần thứ 56 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã diễn ra từ 03-11/10/2016 tại Geneva, Thụy sĩ...
Kỳ họp lần thứ 56 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã diễn ra từ ngày 03 - 11/10/2016 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện 180 quốc gia thành viên. Đoàn công tác Việt Nam bao gồm ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng, Cục Bản quyền tác giả và ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, ông Mai Văn Sơn, Tham tán Phái đoàn đại diện của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới cũng tham gia các hoạt động của Đoàn Việt Nam.
Kỳ họp lần này đã thông qua các báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid; và rà soát báo cáo của WIPO về các hoạt động của Tổ chức từ kỳ họp Đại hội đồng lần trước, trong đó có một số nội dung đặc biệt thu hút sự quan tâm của Đại hội đồng như thông qua quy chế bầu cử Chủ tịch mới; thống nhất triệu tập Hội nghị ngoại giao để thông qua Hiệp ước Luật kiểu dáng trong nửa đầu năm 2018; yêu cầu WIPO sửa đổi các quy chế quản trị để tăng tính minh bạch của WIPO như quy chế bảo vệ người tố cáo, quy chế mua sắm tài sản; thông qua việc bổ sung ngân sách từ quỹ dự phòng để bù lại thâm hụt ngân sách hoạt động của Liên minh Lisbon về Đăng ký quốc tế chỉ dẫn địa lý; các Thành viên Liên minh cũng sẽ tìm các biện pháp để cân đối chi phí hoạt động của Liên minh; thống nhất mở Văn phòng đại diện của WIPO tại Algeria và Nigeria trong năm tài khóa 2016-2017.
Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia và có phát biểu về một số nội dung quan trọng của Cuộc họp, cụ thể Việt Nam hoan nghênh các phát triển của đàm phán văn kiện quốc tế trong khuôn khổ IGC, việc triệu tập Hội nghị ngoại giao để ký kết thỏa thuận về luật kiểu dáng công nghiệp,…
Bên lề hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có một số cuộc họp với các đối tác song phương như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UK IPO), Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Ôx-trây-lia (IP Australia) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS) để mở rộng quan hệ hợp tác.
Tại cuộc họp với WIPO, đoàn Việt Nam đã cập nhật tình hình phát triển của hệ thống SHTT trong thời gian gần đây, đặc biệt là kết quả của hai buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ. WIPO tin tưởng rằng sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Chính phủ đối với vấn đề SHTT là sẽ động lực và là chìa khóa cho sự phát triển của hệ thống SHTT Việt Nam trong thời gian tới. Đây là cũng là kinh nghiệm thành công của một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Hai bên cũng trao đổi các biện pháp để đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng giám đốc WIPO đến Việt Nam tháng 3/2017, việc tham gia sáng kiến thành lập Trung tâm SHTT (IP Hub); xây dựng Chương trình quốc gia về SHTT, tiếp nhận cán bộ của Cục làm việc tại WIPO.
Tại cuộc họp với UK IPO, hai Cơ quan đã trao đổi các phát triển gần đây của hệ thống SHTT của hai nước, đặc biệt là hệ quả của Brexit đối với hệ thống SHTT Vương quốc Anh, vấn đề Việt Nam thi hành TPP. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục các hoạt động hợp tác trong thời gian trên cơ sở Bản ghi nhớ đã ký kết, đặc biệt là vấn đề đào tạo cán bộ, định giá tài sản trí tuệ.
Tại cuộc họp với EPO, phía bạn đã đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy quan hệ giữa hai Cơ quan trong thời gian tới, cụ thể là nghiên cứu khả năng ký kết Thỏa thuận về Thẩm định nhanh đơn SC (PPH); khả năng ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau kết quả thẩm định đơn sáng chế giữa hai Cơ quan. Đây là các vấn đề phức tạp, có thể có tác động đến các mối quan hệ với các Cơ quan khác, cần có sự sửa đổi hệ thống pháp luật về SHTT nên Cục hứa sẽ xem xét và phản hồi cho bạn trong thời gian tới. Cục cũng đề nghị phía bạn đẩy mạnh hoạt động đào tạo cho thẩm định viên sáng chế cho Việt Nam và bạn hứa sẽ xem xét trong kế hoạch hợp tác tổng thể.
Tại cuộc họp với USPTO, hai bên chia sẻ tình hình về chuẩn bị gia nhập và việc thi hành Thỏa ước La Hay. Hai bên cũng thảo luận một số định hướng hợp tác trong thời gian tới, cụ thể là chia sẻ chính sách của Hoa Kỳ về phát triển hệ thống SHTT, phương pháp luận của Hoa Kỳ về tính toán đóng góp của các doanh nghiệp thâm dụng SHTT đối với GDP; chia sẻ phương pháp luận và kinh nghiệm về định giá tài sản trí tuệ; đào tạo cán bộ; hỗ trợ thi hành các cam kết của TPP.
Tại cuộc họp với INPI, hai bên đã chia sẻ tình hình phát triển gần đây của hệ thống SHTT của hai nước. Hai bên thống nhất một số định hướng phát triển quan hệ trong thời gian tới, cụ thể là sửa đổi Bản ghi nhớ hợp tác để mở rộng phạm vi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về định giá sáng chế và công nghệ.
Tại cuộc họp với IP Australia, hai bên đã thảo luận các biện pháp để thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới, cụ thể là sẽ nghiên cứu khả năng hỗ trợ Việt Nam soạn thảo tài liệu đào tạo dành cho thẩm định viên sáng chế, chia sẻ kinh nghiệm về việc thi hành TPP.
Tại cuộc họp với IPOS, hai Bên đã ký kết hợp tác năm 2017-2018 để triển khai Bản ghi nhớ đã ký. Chương trình hợp tác sẽ bao gồm các nội dung như chia sẻ các biện pháp xử lý tồn đọng đơn; xây dựng các chương trình đào tạo cho các đối tượng mục tiêu khác nhau; chia sẻ chính sách và kinh nghiệm về thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm thi hành TPP; và trao đổi các thông tin khác như các biện pháp quản trị cơ quan sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh và Tổng giám đốc IPOS Daren Tang ký kết kế hoạch hợp tác năm 2017-2018 |
Bên lề Đại hội đồng, Việt Nam cùng với ASEAN đã tham vấn với JPO để thông qua kế hoạch hợp tác giữa khu vực với Nhật Bản trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhân dịp tham dự họp Đại hội đồng, thay mặt Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã trao Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp KHCN cho Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện của Việt Nam tại Geneva vì những đóng góp của Đại sứ cho hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ WIPO, đặc biệt là việc Đại sứ đã kết thúc thành công nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban điều phối của WIPO.
Ngày 12/10/2016, Đoàn công tác kết thúc chuyến công tác tốt đẹp và lên đường về nước./.
Phòng Hợp tác quốc tế
Tin mới nhất
- Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Dự án IP Key Sea tổ chức Hội thảo quốc tế về Phòng chống hàng giả khu vực ASEAN
- Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan
- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham dự Đại hội đồng WIPO 2024
- Cục Sở hữu trí tuệ đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 72 AWGIPC và các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 22-26/4/2024 tại Đà Nẵng và Huế
- Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) - Nền tảng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
Các tin khác
- Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với Đoàn chuyên gia sở hữu trí tuệ Hàn Quốc
- Sự kiện cộng đồng chào mừng kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016 tại Việt Nam
- Đoàn cán bộ cấp cao CHDCND Lào do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu sang thăm Việt Nam
- Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Lào