Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2019

Là năm bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa đối với sự phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019) với mục tiêu phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam một cách đồng bộ và hiệu quả ở tất cả các khâu, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. 
 
 

Năm 2019 cũng chứng kiến các hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng mang tính cột mốc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh lần đầu tiên tham dự và phát biểu khai mạc tại Phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đồng thời có các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương nổi bật như trao Văn kiện gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên kể từ khi gia nhập ASEAN Việt Nam đã đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Nhóm công tác về sở hữu trí tuệ của ASEAN (AWGIPC).

Bên cạnh đó, năm 2019 cũng tiếp tục ghi nhận những kết quả ấn tượng trong hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận được 75.742 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 26,7% so với năm 2018); xử lý được 65.029 đơn (tăng 51,7% so với năm 2018) và cấp 40.715 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 40,6% so với năm 2018). Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của toàn bộ tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục Sở hữu trí tuệ, từng bước đáp ứng nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam.

Một kết quả nổi bật khác là việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua để thi hành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cục Sở hữu trí tuệ cũng khởi động tiến trình sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để nội luật hóa và thi hành các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA (được ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội).
 

Công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật tiếp tục được triển khai có hiệu quả cho nhiều đối tượng khác nhau; công tác thông tin sở hữu công nghiệp được duy trì, cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tiếp tục được triển khai, trở thành cơ sở và hình mẫu cho việc xây dựng, triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của các ngành và địa phương.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), chuẩn bị và tạo đà cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm (2021-2030) và các giai đoạn phát triển tiếp theo. Bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên, Cục Sở hữu trí tuệ đang tập trung triển khai một số công việc trọng tâm bao gồm: Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và tổ chức thực hiện Kế hoạch này; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ; nghiên cứu xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục Sở hữu trí tuệ để trình Bộ trưởng ban hành; triển khai thành công các dự án về công nghệ thông tin và các dự án xây dựng, sửa chữa trụ sở Cục đề tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công việc; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030 và xây dựng Mạng lưới các trung tâm Sở hữu trí tuệ - chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp (IP-Hub); triển khai các dịch vụ sở hữu trí tuệ để chuyển hóa quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp và tổ chức thành tài sản quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế.
 

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động của Cục Sở hữu trí tuệ, qua đó phát huy vai trò hạt nhân của Cục trong toàn hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

File đính kèm:

Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2019 (Trang đôi);

Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2019 (Trang A4).

Cục Sở hữu trí tuệ