Th 4, 27/07/2022 | 08:52 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ: Góp phần tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo

Nếu nhìn nhận và đánh giá hiệu quả và sức lan tỏa của các chương trình về sở hữu trí tuệ đã được triển khai trong thời gian qua, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp có một vị trí và dấu ấn đặc biệt. Với chương trình này, sở hữu trí tuệ (SHTT) đã từng bước góp phần quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2005 theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 với mục tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các chủ thể quyền SHTT trong bối cảnh Việt Nam đang trong những năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hoa Kỳ, chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật SHTT được ban hành sau đó (ngày 29/11/2005) và gia nhập WTO (năm 2007).

Sau hơn 15 năm triển khai với 4 giai đoạn xây dựng và phát triển, Chương trình đã từng bước hoàn thiện hơn về thể chế tổ chức và vận hành; đa dạng về nội dung, phương thức hỗ trợ, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, bộ, ngành, địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống SHTT quốc gia.

 

1. Huy động nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia để lan tỏa nhận thức về tài sản trí tuệ

Thông qua việc nâng cao nhận thức về SHTT, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ hướng tới nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các thành quả nghiên cứu khoa học và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao đầu mối chủ trì tổ chức triển khai Chương trình, bên cạnh đó có sự tham gia phối hợp của các Bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục SHTT được giao là cơ quan thường trực Chương trình.

Có lẽ, vào thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình, ít ai nghĩ đến một ngày, cả 63 tỉnh thành trên cả nước đều ban hành và tổ chức triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn địa phương, qua đó, Chương trình đã tập hợp và huy động được các nguồn lực lớn từ xã hội để đầu tư cho công tác phát triển tài sản trí tuệ. Thành công của Chương trình qua hơn 15 năm thực hiện đã bắt nguồn từ nhận thức vai trò quan trọng của KH&CN, tầm quan trọng và đóng góp của SHTT đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đó là lý do vì sao việc tổ chức triển khai Chương trình đã được gắn kết chặt chẽ với các chủ trương, quyết sách của các địa phương và có sức lan tỏa lớn.

Tại 63 tỉnh thành, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT đã được triển khai, duy trì thường xuyên, liên tục và có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về SHTT. Gần 1.000 lớp tập huấn đã được tổ chức cho khoảng 40.000 lượt người tham dự, qua đó giúp nâng cao nhận thức chung của xã hội về hoạt động bảo hộ, thủ tục đăng ký xác lập, quản lý, khai thác, bảo vệ, thực thi quyền SHTT. Các hoạt động này đã góp phần tăng lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp vào Cục SHTT (khoảng 10-12%/năm).

Nhìn rộng ra, thành công của Chương trình cũng là cơ hội để góp phần khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng văn hóa SHTT trong các cộng đồng. Kết quả triển khai Chương trình là một trong các luận cứ khoa học và thực tiễn quan trọng để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019.

2. Sử dụng hiệu quả công cụ SHTT để góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương

Bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình. Trước khi chương trình được triển khai, các địa phương trên cả nước đều có những sản vật riêng biệt và gắn liền với từng vùng đất nhưng phần lớn những sản vật ấy còn chưa trở thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao trên thị trường, hoặc có thì dễ bị rơi vào cảnh bị nhái, mất thương hiệu. Người nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không có cách thức nào để có được nguồn thu bền vững.

 

Ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (phải) trao giấy giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm sú Cà Mau cho ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH&CN Cà Mau (ngày 28/4/2022)

 

Do đó, khi triển khai, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ đánh giá đặc sản của địa phương nhằm xác định sự cần thiết phải bảo hộ; xác định tính đặc thù của sản phẩm mang địa danh; lựa chọn hình thức bảo hộ và tiến hành các thủ tục xác lập quyền; tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bảo hộ;... Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường được kiểm tra, quản lý chất lượng, nguồn gốc; đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt. Việc triển khai một cách bài bản như vậy đã góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng vào sản phẩm và từng bước khẳng định vị thế vững chắc của sản phẩm trên thị trường.

Nhờ vậy, trong khuôn khổ Chương trình, đã có 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT nên người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm một cách rộng rãi, qua đó uy tín của sản phẩm không ngừng được nâng cao và giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. Hiện tại, đã có 10 loại sản phẩm chủ lực của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu cao đã được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại các thị trường nước ngoài trọng điểm (Trung Quốc, Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...) như vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận… Đây là những điều kiện thuận lợi, mở đường cho sản phẩm này tiếp cận các thị trường quốc tế, qua đó góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Những giá trị mà Chương trình mang lại không chỉ có thế. Việc hợp tác tổ chức và gắn kết để xây dựng và bảo vệ sản phẩm có dấu ấn sở hữu trí tuệ đã đem lại cho các địa phương hơn 100 tổ chức tập thể được thành lập dưới hình thức Hội/Hiệp hội các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Ở góc độ này, tài sản trí tuệ đã trở thành một phương thức vô cùng hữu hiệu trong việc tập hợp sức mạnh, huy động nguồn lực của xã hội để cùng phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chính sách tạo ra cánh đồng mẫu lớn, xây dựng nông thôn mới của Đảng và Chính phủ.

3. Gắn quản trị tài sản trí tuệ với chiến lược kinh doanh trong các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, tổ chức nghiên cứu

Không chỉ tập trung vào việc nâng cao giá trị tài sản trí tuệ ở các địa phương, Chương trình còn tăng cường hỗ trợ cho tổ chức KH&CN lớn trên phạm vi cả nước như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên, Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long … để các tổ chức này có thể nâng cao năng lực sử dụng công cụ SHTT, phục vụ hoạt động nghiên cứu, bảo hộ thành quả nghiên cứu, đăng ký bảo hộ sáng chế, tổ chức bộ phận SHTT trong đơn vị. Để các hoạt động này đi vào thiết thực, định kỳ hàng năm, Chương trình tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ sáng chế cho các kết quả nghiên cứu, thành quả sáng tạo. Đến nay, đã có hơn 60 giải pháp kỹ thuật được hỗ trợ bảo hộ, quản lý và khai thác trong khuôn khổ Chương trình.

 

Mô hình thử nghiệm phân HCVS, HC khoáng trên cây cà phê thuộc dự án “Áp dụng các sáng chế số 7913, 9529 và giải pháp hữu ích HI-0201 để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân thải chăn nuôi, bùn mía và than bùn tại tỉnh Gia Lai” tại xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

 

Cũng giống như tác động “đánh thức” tiềm năng của sản phẩm địa phương, cùng với chính sách đầu tư của nhà nước ở một số chương trình khác, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn tri thức trong các tổ chức KH&CN thông qua hoạt động hỗ trợ bảo hộ, khai thác sáng chế. Với chương trình này, nhiều sản phẩm trí tuệ như vậy đã từ cánh cửa phòng thí nghiệm ra đến đời sống xã hội, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân. Bắt đầu từ đây, các nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam đã dần theo một xu hướng, đó là hoạt động nghiên cứu đã dần tiếp cận, giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, có tính ứng dụng cao.

Mặt khác, nhiều hoạt động của Chương trình đã “gõ cửa” các doanh nghiệp như Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội Da giầy, Tập đoàn DABACO, Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội và nhiều doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp này đã được hỗ trợ triển khai các biện pháp quản trị tài sản trí tuệ, tăng cường năng lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT cho các đơn vị này.

Việc các tổ chức KH&CN, tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai công tác bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ thời gian gần đây cho thấy một sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng dựa trên KH&CN và tài sản trí tuệ. Cũng như nhiều chính sách khác, Chương trình góp phần khẳng định quan điểm đúng đắn lấy doanh nghiệp làm trung tâm của Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ và các Bộ, ngành, địa phương. Nhìn rộng ra, không chỉ “làm giàu” thêm giá trị kinh tế ở các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp, Chương trình còn góp phần minh chứng thuyết phục cho xã hội thấy giá trị và vai trò của KH&CN trong xã hội hiện đại và khả năng tham gia giải quyết những vấn đề lớn nhỏ của đời sống đất nước. 

4. Những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển trong thời gian tới

Quá trình tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ là một quá trình giúp Cục SHTT nhận biết rất nhiều thông tin giá trị cho các hoạt động dài lâu của mình. Một trong những điều quan trọng mà những người làm trong lĩnh vực SHTT nhận thấy là nhu cầu lớn về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ấy thì Chương trình cần tiếp tục nỗ lực, đổi mới phương thức thực hiện để có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và tầm quan trọng của mình. Theo đánh giá của Cục SHTT, một số nội dung chưa được triển khai như mong muốn, bao gồm: định giá tài sản trí tuệ, bảo hộ và phát triển giá trị giống cây trồng mới, tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ.... Bên cạnh đó, một điều khiến Cục SHTT thấy trăn trở nhiều nhất là sự tham gia, vào cuộc của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, dẫn tới việc chưa tạo ra được liên kết bền vững giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp. Tất cả những điểm này khiến hiệu quả khai thác và phát triển tài sản trí tuệ chưa cao như mong đợi.

Với chủ trương kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được của các giai đoạn trước, khắc phục hạn chế, tận dụng thế mạnh, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 với tiêu chí đổi mới căn bản cách tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, tạo dựng văn hoá sở hữu trí tuệ.

Trong thời gian tới, Chương trình sẽ được tổ chức thực hiện với quan điểm tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các nội dung của Chương trình bảo đảm hỗ trợ đầy đủ nhất chuỗi hoạt động từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến đăng ký, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./.

 

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ Tư vấn