Th 6, 07/11/2014 | 11:42 SA
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản
BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “VĨNH KIM” CHO SẢN PHẨM VÚ SỮA LÒ RÈN
Ngày 28 tháng 10 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 3874/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00044...
Ngày 28 tháng 10 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 3874/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00044 cho sản phẩm vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Kim”.
Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có hương vị đặc trưng riêng được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim được nhiều người ưa chuộng như vậy là nhờ có các tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các loại vú sữa khác.
Về cảm quan: quả vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có dạng hình cầu hoặc hình cầu hơi thuôn. Vỏ quả khi chín trắng ửng hồng, vỏ dày. Hạt quả nhỏ. Chiều cao quả từ 7,3-8cm, chiều rộng quả từ 7,3-8,4cm. Thịt quả có màu trắng đục, mềm, nước dạng sữa, dày thịt, tỷ lệ thịt quả cao, ít hạt. Vú sưa lò rèn Vĩnh Kim có mùi vị rất ngọt, béo, mùi thơm dịu đặc trưng.
Về chất lượng: vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có độ Brix từ 14-17%, trọng lượng quả từ 250g-360g, tỷ lệ thịt quả từ 40-60%, Acid nitric từ 0,07-0,09%, tỷ lệ Brix/acid >120, Acid ascorbic > 120mg/100g, độ pH từ 5,8-6,2.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có được là do điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây vú sữa lò rèn Vĩnh Kim sinh trưởng và phát triển; vùng trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có địa hình bằng phẳng, được chia cắt bởi nhiều sông rạch. Dòng sông Tiền Giang chảy qua. Mực nước đỉnh triều cao bình quân thường đạt trên 1m, mực nước chân triều thấp hơn 0,5m tạo điều kiện thuận lợi để tưới nước tự chảy và tiêu nước tự chảy cho vùng trồng vú sữa. Nhiệt độ không khí của khu vực trồng vú sữa trung bình hàng năm là 27,9oC. Số giờ nắng trung bình năm là 2.709 giờ, lượng bốc hơi trung bình năm là 1.156mm. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 79,2%. Lượng mưa hàng năm từ 1.200-1450mm, tập trung 95-96% vào tháng 6 đến tháng 11, đây là giai đoạn cây vú sữa cần nhiều nước cho quá trình tích lũy đường, axit, vitamin C và dịch quả. Từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, lượng mưa ít, đảm bảo giữ được các chất sinh hóa trong quả vú sữa. Gió mùa tây nam, mang hơi ẩm từ vùng hạ lưu sông Tiền vào giúp cho quá trình thụ phấn trên cây vú sữa được diễn ra thuận lợi. Vùng trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim được trồng trên đất lập líp là chủ yếu. Thành phần cơ giới của đất là sét đến sét pha thịt, thịt pha sét đến ít cát. Độ PH của đất từ 4,14-5,73, kali tổng số từ 0,89-1,01%, lân tổng số từ 0,07-0,2%, đạm tổng số từ 0,14-0,196% phù hợp cho cây vú sữa sinh trưởng và phát triển.
Bên cạnh đặc thù về điều kiện tự nhiên, tính chất, chất lượng đặc thù của vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có được còn do bàn tay chăm sóc của người dân nơi đây. Cụ thể: lựa chọn đúng giống vú sữa lò rèn, trồng bằng cách ghép cành, mắt ghép được lấy từ các cây vi ghép hoặc lấy trực tiếp từ các cây vú sữa đã được tuyển chọn. Hệ thống mương líp được thiết kế theo kiểu líp đơn hoặc líp đôi, khoảng cách trồng giữa các cây không dưới 7-8m. Người nông dân tại khu vực trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim dùng phân urê, NPK, DAP, bón từ 2-20kg/năm. Phòng trừ sâu bệnh bằng cách phun thuốc trực tiếp lên cây hoặc kết hợp với phân bón. Sử dụng hàng cây dừa để chắn gió cho cây vú sữa. Hàng năm lấy bùn được vét từ hệ thống mương tưới tiêu bồi vào mặt líp vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây vừa có tác dụng cải tạo hệ thống mương. Cắt cành và tạo tán cho cây, chỉ để lại những cành khỏe, phân bố đều theo các hướng, tạo cho cây có tán tròn đều và khống chế cây không cao quá 4,5m. Sau khi thu hoạch xong, tỉa bỏ các trái non còn sót lại, tỉa bỏ các cành già, cành cây bị sâu bệnh. Bao trái từ khi trái được 6 tuần tuổi đến khi thu hoạch.
Khu vực địa lý: Xã Nhị Bình, xã Dưỡng Điềm, xã Đông Hòa, xã Hữu Đạo, xã Long Hưng, xã Bình Trưng, xã Phước Thạch, xã Thạnh phú, xã Bàn Long, xã Vĩnh Kim, xã Song Thuận, xã Kim Sơn, xã Phú Phong thuộc huyện Châu Thành và xã Mỹ Long, xã Long Tiên, xã Tam Bình thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Phòng Chỉ dẫn địa lý