Th 4, 07/12/2022 | 20:27 CH
Hội thảo tập huấn và thực hành kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế
Với sự kết hợp độc đáo giữa tập huấn và thi đấu tra cứu, hội thảo tập huấn và thực hành tra cứu thông tin sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) và Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức nhằm thúc đẩy khai thác thông tin sáng chế, góp phần vào hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Từ ngày 5-6/12/2022 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp cùng JPO và ERIA cùng tổ chức hội thảo tập huấn và thực hành tra cứu thông tin sáng chế. Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, thu hút gần 100 đại biểu tham dự đến từ các viện, trường, đại diện sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp.
Về phía chuyên gia Nhật Bản, tham dự trực tiếp tại Hà Nội có: Ông Toru Furuichi,Tổng Giám đốc Quản trị nghiên cứu và thiết kế chính sách của ERIA; Ông Fumihiko Moriya, giáo sư danh dự của Viện công nghệ Tokyo; Ông Yoshitoshi Tanaka, giáo sư danh dự của Viện công nghệ Tokyo; Ông Nishimoto Koji, chuyên gia của JICA tại Việt Nam. Hội thảo còn được nghe các bài trình bày trực tuyến của ông Takashi Koyama, Luật sư Sáng chế (Oh-Ebashi LPC & Partners), nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ của Bộ ngoại giao Nhật Bản; và Ông Yorihisa Katsunuma, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ của Công ty Ajinomoto.
Về phía Cục Sở hữu trí tuệ, có Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cùng các báo cáo viên từ Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp: Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc trung tâm; Ông Bùi Duy Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm; Bà Lê Thị Quỳnh Hoa - Chuyên viên.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Toru Furuichi, Tổng Giám đốc ERIA phát biểu khai mạc hội thảo.
Mặc dù có vai trò quan trọng với quá trình nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh song thông tin sở hữu công nghiệp nói chung, cũng như thông tin sáng chế nói riêng vẫn là một nguồn tài nguyên còn bỏ ngỏ. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà ngay cả trên thế giới: “Lâu nay hiệu quả của hệ thống bảo hộ sáng chế thường được đánh giá dựa trên việc khai thác các lợi ích liên quan đến độc quyền sáng chế chứ không phải dựa trên việc khai thác thông tin sáng chế”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, phát biểu trong hội thảo. “Tại Việt Nam, có thể kể đến một số nguyên nhân sau: Thông tin sáng chế chưa trở thành nhu cầu cấp thiết của các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; Công tác tuyên truyền phổ biến thông tin sáng chế chưa được sâu – rộng nên sự hiểu biết của công chúng còn hạn chế; Hàng rào ngôn ngữ làm cho việc đọc, hiểu thông tin sáng chế còn gặp nhiều khó khăn…”.
Với nỗ lực khắc phục tình trạng này, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với ERIA và JPO tổ chức hội thảo tập huấn này nhằm phổ biến các kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin sáng chế. “Hội thảo sẽ cung cấp các kiến thức cần thiết để tra cứu thông tin sáng chế một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn”, ông Toru Furuichi, Tổng Giám đốc ERIA phát biểu trong hội thảo.
“Tôi tin tưởng rằng các tri thức được chia sẻ từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản sẽ là các bài học kinh nghiệm quý báu cho Cục Sở hữu trí tuệ cũng như công chúng Việt Nam trong việc thúc đẩy khai thác thông tin sáng chế, đưa nó thành nguồn lực thực sự quan trọng trong quá trình nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Bảy nhận xét.
Ban tổ chức và các đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội
Với sự hướng dẫn của các chuyên gia của Nhật Bản và của Cục Sở hữu trí tuệ, các đại biểu tham dự hội thảo được hướng dẫn chi tiết về cách thức tra cứu và khai thác thông tin sáng chế qua 7 chuyên đề: Tổng quan về sáng chế và tra cứu thông tin sáng chế; Giới thiệu về các cơ sở dữ liệu sáng chế của Việt Nam và nước ngoài (WIPO, EPO, USPTO, JPO…); Khai thác thông tin sáng chế phục vụ mô hình doanh thu; Các mục đích tra cứu thông tin sáng chế; Chiến lược tra cứu thông tin sáng chế; Hướng dẫn thao tác tra cứu trên các cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước; Giải thích về sáng chế cần tra cứu.
Các chuyên gia Nhật Bản trình bày tại Hội thảo.
Một điểm độc đáo là bên cạnh các bài giảng, hội thảo cũng tổ chức thi đấu tra cứu thông tin trên cơ sở tình huống thực tế. Việc thực hành kết hợp với những nhận xét, đánh giá từ ban tổ chức sẽ giúp học viên có thêm kinh nghiệm, từ đó nâng cao kỹ năng tra cứu. Trong ngày thứ hai, các đại biểu đã tham dự làm bài “thi đấu” về thông tin sáng chế. Với không khí sôi nổi, các đội đã tích cực tra cứu và hoàn thành bài tập. Ban Tổ chức đã nhận được 13 bài dự thi của các đại biểu tham dự theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ban tổ chức đánh giá các bài thi
Sau quá trình đánh giá của Ban tổ chức, 6 bài thi đã được lựa chọn để trao kỷ niệm chương của sự kiện. 01 Bài xếp thứ nhất: - Nguyễn Hoàng Minh (tham dự trực tuyến từ TP Hồ Chí Minh) 02 Bài xếp thứ hai: - Nguyễn Thị Hồng (tham dự trực tuyến từ TP Hồ Chí Minh) - Nguyễn Văn Hiếu, Trần Thị Vân Hạnh (tham dự trực tiếp tại Hà Nội) 03 Bài xếp thứ ba: - Phạm Trà My, Trần Bình Giang (tham dự trực tiếp tại Hà Nội) - Phan Thị Ái Hoà (tham dự trực tuyến từ TP Hồ Chí Minh) - Trịnh Quốc Đạt, Trần Thị Thùy Trang, Nguyễn Duy Hà (tham dự trực tuyến từ TP Hồ Chí Minh) |
Ông Toru Furuichi trao kỷ niệm chương cho đội xếp thứ hai
Ông Toru Furuichi trao kỷ niệm chương cho đội xếp thứ ba
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ lời cảm ơn Cục Sở hữu trí tuệ và ERIA, JPO đã tạo điều kiện để trao dồi thêm kiến thức, nâng cao thêm kỹ năng tra cứu sáng chế phục vụ các mục đích khác nhau. Các đại biểu cũng mong muốn các hội thảo tương tự sẽ tiếp tục được tổ chức ở Việt Nam.
Thanh An – Thu Hiền
Tin mới nhất
- Hội thảo quốc tế về Sở hữu trí tuệ và trí tuệ nhân tạo
- Lễ Bế giảng Khóa đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2023-2024
- Sinh hoạt chuyên đề Liên Chi bộ với chủ đề “Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở của Cục Sở hữu trí tuệ”
- Hội thảo khoa học về Sở hữu trí tuệ và Quản lý tài sản trí tuệ tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
- Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Lễ Bế giảng khoá đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ năm 2023 - 2024
Các tin khác
- Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- Lễ trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV năm 2022
- Đưa công tác sở hữu trí tuệ thành nhiệm vụ thường xuyên trong Trường Đại học Lâm nghiệp
- Tập huấn “Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển sản phẩm đáp ứng tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 tại Hà Nội
- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Văn Chấn” cho sản phẩm quả cam