Th 5, 13/05/2021 | 11:30 SA

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết Tương phản

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam: Vấn đề quản trị tài sản trí tuệ

Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) 26/4 năm nay, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) phát đi thông điệp “Sở hữu trí tuệ và Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”.

 

Thế nào là “nhỏ và vừa”?
 
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 định nghĩa: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
 
- Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
 
- Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.”
 
Cụ thể, Nghị định 39/2018/NĐ-CP xác định quy mô doanh nghiệp cần dựa vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp:
 
Lĩnh vực hoạt động Doanh nghiệp siêu nhỏ Doanh nghiệp nhỏ Doanh nghiệp vừa
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng Số lao động tham gia BHXH bình quân năm: <= 10 người Số lao động tham gia BHXH bình quân năm: từ >10 – 100 người Số lao động tham gia BHXH bình quân năm: từ >100 – 200 người
Tổng doanh thu của năm: <= 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn: <=3 tỷ đồng. Tổng doanh thu của năm: từ >3 – 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn: từ >3 – 20 tỷ đồng. Tổng doanh thu của năm: từ >50 – 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn: từ >20 – 100 tỷ đồng.
Thương mại, dịch vụ Số lao động tham gia BHXH bình quân năm: <=10 người Số lao động tham gia BHXH bình quân năm: từ >10 – 50 người Số lao động tham gia BHXH bình quân năm: từ >50 – 100 người
Tổng doanh thu của năm: <=10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn: <=3 tỷ đồng Tổng doanh thu của năm: từ >10 – 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn: từ >3 – 50 tỷ đồng. Tổng doanh thu của năm: từ >100 – 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn: từ >50 – 100 tỷ đồng.
 
Doanh nghiệp nhỏ và vừa: mang ý tưởng đến với thị trường
 
Nhìn vào bình quân giai đoạn 2016-2018, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93,5% trong tổng số doanh nghiệp cả nước; trong đó doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa lần lượt tăng 54,8%, 36,9% và 43,3% so với bình quân giai đoạn 2011-20151. Các doanh nghiệp này đóng vai trò sống còn trong nền kinh tế Việt Nam, dù nguồn vốn và doanh thu của họ không phải điểm mạnh. 
 
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sáng tạo, nhạy bén và rất năng động trong việc mang ý tưởng đến với thị trường. Chúng ta đều biết, và rất có thể đã trải nghiệm vấn đề ngập lụt do triều cường ngày càng cao, càng dày đặc gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Nhét giẻ chặn nước thì không hiệu quả; nâng nền, đắp đê lại tốn kém nên nhà sáng chế Thân Thế Hào (TP. Hồ Chí Minh) đã tạo ra “hố ga chống triều cường” giải quyết hai vấn đề: thích nghi với nhiều loại cốt nền và xử lý để nước không xả thẳng ra hệ thống nước thải công cộng vốn đã quá tải. Giải pháp kỹ thuật này của anh Hào được cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích năm 2007 và đạt nhiều giải thưởng nghiên cứu kỹ thuật. Từ đó đến nay anh Hào và nhân viên trong công ty của mình – một doanh nghiệp nhỏ vẫn tiếp tục nghiên cứu và sản xuất, lắp đặt nhiều loại sản phẩm hố ga có thêm giỏ thu hồi chất thải rắn, bẫy mỡ giúp hạn chế các chất thải này đi vào hệ thống ống cống chung… phục vụ cho những đối tượng sử dụng khác nhau tùy mục đích: nhà hàng, hộ kinh doanh ăn uống, hộ gia đình…
 
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, học máy… đang xóa nhòa biên giới giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiến sỹ Vũ Duy Thức (TP. Hồ Chí Minh), CEO và đồng sáng lập nền tảng đổi mới Kambria cho biết mặc dù trụ sở của Kambria đặt tại Mỹ, đội ngũ nhân sự lại được xây dựng ở Việt Nam với 17 thành viên, trong đó có 12 lập trình viên. Kambria ra đời với vai trò một hệ sinh thái mở dựa trên công nghệ chuỗi khối để kết nối ba nhân tố chính của các cuộc cách mạng công nghệ: người sáng tạo (lập trình viên, kỹ sư...), nhà sản xuất và người dùng.2 Anh Thức đánh giá Việt Nam có tiềm năng về nhân lực công nghệ cao và mong muốn được mang những công nghệ tiên tiến về đóng góp cho sự phát triển công nghệ của quê nhà.
 
Tuy không được xếp vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng các “hộ kinh doanh” ở Việt Nam vẫn là một bộ phận vô cùng chủ động đổi mới sáng tạo, thích nghi với sự thay đổi của thị trường. Những ý tưởng giúp họ vượt qua tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 một cách rất “đời” mà chưa cần tới các hoạt động cứu trợ. Đó có thể là “bán phở qua ròng rọc”3, vách ngăn hạn chế tiếp xúc4, chuyển đổi hình thức kinh doanh sang thương mại điện tử5,… 
 
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: đôi điều về quản trị tài sản trí tuệ
 
Khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh với gần 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn năm 2019 cho thấy, chỉ có 1,63% doanh nghiệp có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về tài sản trí tuệ; và 2,25% doanh nghiệp có ban hành các quy định nội bộ, quy chế quản lý tài sản trí tuệ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, vì họ là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên không cần bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ, hoặc công việc đó thuộc về văn phòng, hành chính hay pháp chế.6 Theo một nghiên cứu của tác giả bài viết này, ở Nhật Bản cũng không mấy doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhân sự chuyên phụ trách SHTT, có điều, sự tôn trọng chất xám và thành quả lao động chất xám đã trở nên quá hiển nhiên trong đời sống của họ. Ngoài ra, Nhật Bản có đầy đủ hệ sinh thái hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cái chính là, bên trong hệ sinh thái đó tồn tại sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với chính quyền địa phương, cơ quan SHTT, luật sư, ngân hàng,..
 
Hiện tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngày càng quan tâm đến SHTT. Bằng chứng rõ nhất là lượng đơn Cục SHTT tiếp nhận năm 2020 – năm đại dịch COVID-19 hoành hành  là 125689 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019)7. Trong đó đơn của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng tăng mạnh. Phần vì họ đã có kinh nghiệm quản trị tài sản trí tuệ, phần ít nhiều thấm đòn từ việc lơ là SHTT. Nhà sáng chế Thân Thế Hào (TP. Hồ Chí Minh) tạo ra “hố ga chống triều cường” nói trên luôn khuyên những nhà sáng chế nên sớm nộp đơn đăng ký trước khi bộc lộ công khai giải pháp kỹ thuật của mình. 
 
Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua nhiều kênh tư vấn, đào tạo, hỗ trợ trong những năm gần đây nhận định rõ lợi thế của việc sớm xác lập quyền SHTT. “Ngay từ khi chưa nộp đơn, chúng tôi đã có ý thức chú ý tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ của tài sản trí tuệ” - Bà Phan Thị Châu của Công ty Vĩ Long, một doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế và dược phẩm tâm sự.  
 
 
Màn hình tra cứu WIPO PUBLISH (phần nhãn hiệu trên Website Cục SHTT)
http://wipopublish.noip.gov.vn/wopublish-search/public/trademarks?1&query=OFCO:VN
 
Rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quản trị tài sản trí tuệ được triển khai ở các cấp, văn bản pháp quy đang dần được hoàn thiện. Bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng tích cực huy động nguồn lực, nguồn vốn cho chính mình, như công ty của tiến sỹ Vũ Duy Thức đã nêu ở trên cho biết Kambria cam kết hỗ trợ cho các lập trình viên trí tuệ nhân tạo. Với việc coi cộng đồng là trọng tâm, họ đang ngày càng nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam và toàn cầu. Kambria là nhà tổ chức chính của các sự kiện lớn về công nghệ trí thông minh nhân tạo ở Việt Nam như Vietnam AI Grand Challenge, VietAI Summit, Kambria Code Challenge. Tại các sự kiện này, Kambria đã hỗ trợ cho các bạn lập trình viên cơ hội nâng cao kiến thức, kết nối và xây dựng đội nhóm.8 
 
Quản trị TTTS là một quá trình lâu dài và phải bồi tụ liên tục, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam không cô độc trong quá trình đó. Chúng ta đã có hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ và hơn hết, chính những ý tưởng sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp họ mở ra cánh cửa thị trường của chính mình.
 
 
---------------------------------
 

1Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020
https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/04/Ruot-sach-trang-2020.pdf

2Blockchain “như phát minh mạng Internet lần thứ hai”
https://amp.vnexpress.net/blockchain-nhu-phat-minh-mang-internet-lan-thu-hai-4257883.html

3Bán phở qua ròng rọc - thêm ý tưởng kinh doanh “mùa Covid-19”
https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/ban-pho-qua-rong-roc-them-y-tuong-kinh-doanh-mua-covid-19-1491864013

4Nhiều hàng quán, taxi công nghệ dựng vách ngăn phòng, chống Covid-19
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nhieu-hang-quan-taxi-cong-nghe-dung-vach-ngan-phong-chong-covid-19-456608/

5Hậu dịch Covid-19: Hộ kinh doanh truyền thống chuyển “nguy’ thành “cơ”
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep/hau-dich-covid-19-ho-kinh-doanh-truyen-thong-chuyen-nguy-thanh-co-1371213.html

6Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thờ ơ với tài sản trí tuệ
http://noip.gov.vn/vi_VN/web/guest/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/doanh-nghiep-vua-va-nho-van-tho-o-voi-tai-san-tri-tue

7Tài liệu kỷ yếu Hội nghị SHTT 2021
http://www.noip.gov.vn/documents/20195/1105377/Tai+lieu+Hoi+nghi+toan+quoc+2021_%28dang+web%29.pdf/e109140f-db5a-459e-8198-fd64c9cb25da

8Kambria Cam Kết Hỗ Trợ Các Lập Trình Viên AI
https://kambria.io/blog/kambria-cam-ket-ho-tro-cac-lap-trinh-vien-ai/

 
 
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh
(Tác giả: Trang Nguyen)